Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp vùng DTTS: Vẫn còn nhiều khó khăn

PV - 16:02, 19/08/2019

Khoa học công nghệ (KHCN) luôn được coi là giải pháp then chốt, tạo đột phá về năng suất, chất lượng hàng nông sản và năng suất, hiệu quả lao động trong nông nghiệp. Nhờ sự mạnh dạn trong đầu tư nghiên cứu và ứng dụng KHCN vào sản xuất, đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo đà cho hàng hóa nông sản Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Phát huy ứng dụng trong nông nghiệp

Anh Nguyễn Thanh Liêm ở xã Liên Sơn (Tân Yên, Bắc Giang) là một trong những người đầu tiên thực hiện trồng vải áp dụng khoa học-kỹ thuật mới từ Đề tài “Nghiên cứu thực trạng và biện pháp kỹ thuật tổng hợp duy trì, nâng cao độ phì đất, góp phần tăng năng suất và ổn định chất lượng vải thiều tỉnh Bắc Giang” của tỉnh Bắc Giang.

Anh Liêm nhớ lại, thời điểm năm 2016 trước khi bước vào vụ vải, các nhà khoa học đã đến lấy mẫu đất đồi trong xã về nghiên cứu. Ngay khi cây vải chuẩn bị ra hoa, anh và một số người dân tham gia trồng vải theo đề tài đã được hỗ trợ loại phân bón phù hợp với cây vải ở địa phương. Đồng thời, các nhà khoa học còn hướng dẫn tỉ mỉ quy trình chăm sóc, bón phân lúc ra hoa, bón phân qua lá, bón phân thúc quả vào từng thời điểm rõ ràng.

Đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào phát triển cây trồng. Đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào phát triển cây trồng.

“… Nhờ làm theo đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn, với diện tích vườn vải hơn 2,5ha, vụ đầu tiên, gia đình tôi đã thu hoạch trên 10 tấn/ha, sản lượng tăng gấp 3 lần so với những vụ trước đó, chất lượng quả cũng tốt hơn nhiều. Cách làm theo kỹ thuật mới này không vất vả hơn so với trước, hiệu quả lại cao hơn rất nhiều trong khi chi phí thực hiện không tăng”, anh Liêm chia sẻ.

Cùng với đó, cũng nhờ triển khai ứng dụng các công nghệ cao trong bảo quản nông sản như: Công nghệ CAS của Nhật Bản, công nghệ bảo quản của Công ty Jural–Israel, công nghệ bảo quản bằng màng MAP… đã giúp thời gian lưu giữ các sản phẩm nông sản, đảm bảo chất lượng, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đến nay, sản phẩm vải thiều của Bắc Giang đã xuất khẩu đến hơn 30 nước trên thế giới. Năm 2017, từ cây vải thiều đã đem lại cho tỉnh Bắc Giang tổng doanh thu là 5.300 tỷ đồng, năm 2018 là 5.800 tỷ đồng.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Tuy đạt được nhiều kết quả tốt, nhưng việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN, mô hình sản xuất nông nghiệp ở vùng DTTS vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa thực sự bền vững. Mặc dù, các địa phương đã hình thành được những mô hình điển hình, nhưng vẫn chưa hình thành được các mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân; Chưa có chính sách đặc thù về ứng dụng và chuyển giao KHCN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội cho vùng DTTS. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong lĩnh vực KHCN và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa chặt chẽ và đồng bộ...

Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về việc tham gia áp dụng các kết quả nghiên cứu KHCN còn hạn chế, có lúc, có nơi vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước; Quy mô sản xuất nhỏ lẻ gây khó cho việc ứng dụng KHCN…

Ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ Phát triển KHCN địa phương (Bộ KHCN) cho biết, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước sẽ hiệu quả hơn, nếu chính quyền và các cơ quan chức năng tăng cường các buổi chuyển giao công nghệ cho đồng bào.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình nông thôn miền núi, nhằm thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận, làm chủ công nghệ mới trong sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản quy mô lớn; Đẩy mạnh thực hiện các Chương trình KHCN quốc gia, gắn kết nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, người sản xuất, ngân hàng và thị trường tiêu thụ, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị.

HOÀNG QUÝ