Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong 6 tháng đầu năm giảm

Thúy Hồng - 14:13, 06/07/2022

Đó là thông tin của Tổng Cục Thống kê tại buổi Họp báo tình hình lao động và việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2022, diễn ra sáng 6/7, tại Hà Nội.

Toàn cảnh buổi Họp báo
Toàn cảnh buổi Họp báo

Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và Chương trình phục hồi và phục triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, thị trường lao động trong quý II năm 2022 tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý II năm 2022 tăng so quý trước và so với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của người lao động cũng đã gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong tuổi lao động đều giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Theo ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, trong quý II năm 2022, thu nhập của lao động làm việc ở cả ba khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng khá. Trong đó, lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất trong ba khu vực kinh tế.

So với cùng kỳ năm 2021, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,5 triệu đồng, tăng 11,5%, tầng tương ứng khoảng 774.000 đồng.

Quý II năm 2022 cũng chứng kiến sự tăng trưởng trong thu nhập bình quân của lao động làm việc ở cả 21 ngành kinh tế so với cùng kỳ năm 2021. Thu nhập bình quân tháng của lao động tại các vùng kinh tế - xã hội được cải thiện rõ rệt. So với cùng kỳ năm trước, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất, với mức thu nhập bình quân 5,8 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi đó, mức thu nhập bình quân của người lao động tại vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng vẫn duy trì mức cao so với các vùng còn lại, như tại Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh mức thu nhập tương ứng là 8,9 - 9,1 triệu đồng/tháng. Thu nhập khu vực Hà Nội là 8,7 triệu đồng/tháng.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 6 tháng đầu năm 2022 đạt 51,4 triệu người, cao hơn 0,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 19,1 triệu người, chiếm 37,2% lực lượng lao động; lực lượng lao động nữ đạt 24,0 triệu người, chiếm 46,8% lực lượng lao động của cả nước.

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2022 là gần 1,1 triệu người, giảm 47,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2022 là 2,39%, giảm 0,13% so với cùng kỳ năm trước.Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong 6 tháng đầu năm 2022 là 7,78%, tăng 0,33% so với cùng kỳ năm trước.

Phát biểu tại buổi Họp báo, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Cục Trưởng, Tổng Cục Thống kê cho biết: Nhờ kiên định chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” cùng với các giải pháp phù hợp và quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành trong triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần của Nghị quyết số 11/NQ-CP, bức tranh thị trường lao động Việt Nam trong quý II năm 2022 đã có nhiều khởi sắc. Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 đã giảm mạnh, số người gia nhập lực lượng lao động tiếp tục tăng, lao động có việc làm tăng mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đều giảm. Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện.

Tuy nhiên theo ông Tiến, trong thời gian tới, thị trường lao động Việt Nam vẫn có thể đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do chịu áp lực tăng giá xăng và một số mặt hàng thiết yếu từ cuộc khủng hoảng Nga - Ucraina và dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp với các biến thể mới. Vì vậy cần sẵn sàng các kịch bản đối phó với các biến thể mới của dịch dự kiến sẽ có thể xâm nhập vào Việt Nam, cũng như cần có chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế, chú trọng hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động.