Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tuyên Quang: Phát huy vai trò kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới

Cao Huy - Giang Lam - 06:17, 31/10/2023

Kinh tế tập thể đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển. Kinh tế tập thể nếu phát triển đúng hướng sẽ là một yếu tố và động lực cơ bản để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất trên mọi phương diện cho người nông dân, đồng thời, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, tạo nền tảng để thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Trang trại chăn nuôi lợn thảo dược của HTX sản xuất chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung tại huyện Sơn Dương.
Trang trại chăn nuôi lợn thảo dược của HTX sản xuất chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung tại huyện Sơn Dương.

Hiệu quả kinh tế tập thể

Năm 2018 anh Nguyễn Ngọc Sáng, thôn Đông Thịnh, xã Đông Thọ (huyện Sơn Dương) đã thành lập HTX sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung. HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thương phẩm; chế biến các sản phẩm từ thịt lợn; giới thiệu và bán các mặt hàng nông sản đặc trưng, đặc sản của tỉnh Tuyên Quang và các vùng miền.

Sau 5 năm thành lập, quy mô chăn nuôi của HTX không chỉ đứng trong tốp đầu của tỉnh mà còn đi đầu áp dụng nuôi lợn thịt bằng thức ăn thảo dược. Từ mô hình chăn nuôi khép kín, HTX đã từng bước xây dựng thành chuỗi đạt tiêu chuẩn cung cấp sản phẩm thịt lợn thảo dược ra thị trường. Hiện nay, HTX Sáng Nhung không chỉ tạo việc làm cho các thành viên của HTX mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Trên cánh đồng thôn Liên Thắng, xã Quyết Thắng (huyện Sơn Dương) một số hộ dân đang khẩn trương thu hoạch cà gai leo. Nghỉ tay thu hoạch cà gai, ông Đỗ Văn Thu cho biết, năm 2022 gia đình chuyển đổi 8 sào đất soi bãi trồng cà gai leo liên kết với HTX nông lâm nghiệp, công nghiệp Quyết Thắng. Cà gai leo hợp đất, phát triển tốt, năng suất cao, vụ đầu tiên có lãi. Năm 2023, gia đình mở rộng diện tích lên 1,3 mẫu đất trồng cà gai leo. Từ đầu năm đến nay đã cho thu một lứa, ước được 3 tấn cà gai leo khô, được HTX bao tiêu sản phẩm với giá từ 38.000-40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi hơn 50 triệu đồng.

Thành viên HTX nông, lâm nghiệp, công nghiệp Quyết Thắng (huyện Sơn Dương) thu hoạch cà gai leo
Thành viên HTX nông, lâm nghiệp, công nghiệp Quyết Thắng (huyện Sơn Dương) thu hoạch cà gai leo.

Thực tế cho thấy, nhiều mô hình kinh tế tập thể, HTX hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế bền vững, xây dựng NTM; tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường hệ thống chính trị ở cơ sở. Qua đó, từng bước khẳng định vị trí của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế.

Thống kê trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 556 HTX, trong đó có 407 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản; 47 HTX trong lĩnh vực thương mại dịch vụ; còn lại là các HTX hoạt động trong các lĩnh vực: Xây dựng, vận tải, công nghiệp. Hiện, toàn tỉnh có 17 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trong đó 100% là ứng dụng kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản nông sản. Có 147/407 HTX nông nghiệp (chiếm 36,2%) đã hợp tác, liên kết và tổ chức sản xuất và tiêu thụ 20 loại sản phẩm nông sản. Ngoài HTX, toàn tỉnh hiện có 43 Tổ hợp tác với số vốn đăng ký 18,5 tỷ đồng. Kinh tế tập thể, HTX đã giải quyết việc làm cho hơn 12.000 thành viên

Kinh tế tập thể gắn liền với xây dựng NTM

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai nhằm phát triển nông thôn một cách toàn diện. Trong Bộ tiêu chí NTM, tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất là một trong những tiêu chí quan trọng, vì đây là phương thức tổ chức cho người dân phát triển sản xuất hiệu quả và bền vững nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Người dân sẽ không sản xuất riêng lẻ mà được khuyến khích tham gia vào HTX, liên kết với doanh nghiệp để cùng nhau tổ chức sản xuất, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.

Đường liên xóm xã nông thôn mới Phúc Ninh, huyện Yên Sơn được bê tông hóa. (Ảnh QĐ)
Đường liên xóm xã nông thôn mới Phúc Ninh, huyện Yên Sơn được bê tông hóa. (Ảnh QĐ)

Nhằm phát huy vai trò của kinh tế tập thể, HTX, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, HTX phát triển, như triển khai tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho trên 13.000 lượt cán bộ, thành viên HTX.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, từ năm 2017, tỉnh đã thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, chế biến sản phẩm đối với 32 HTX, mỗi HTX được hỗ trợ 100 triệu đồng. Từ năm 2018 đến năm 2020, tỉnh thực hiện hỗ trợ 34 HTX tham gia các dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; 8 HTX thực hiện các dự án phát triển ngành nghề nông thôn, phát triển sản xuất gắn với chế biến sản phẩm với tổng kinh phí hỗ trợ 3,26 tỷ đồng.

Ngoài ra, các chính sách về thành lập các HTX mới trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng được tỉnh Tuyên Quang quan tâm hỗ trợ. Các HTX được đầu tư phát triển về cơ sở hạ tầng như xây dựng trụ sở, hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, nhà kho, các công trình điện và hệ thống tưới nước… tạo điều kiện để các HTX hoạt động.

Tại Tuyên Quang đã hình thành các vùng sản xuất theo chuỗi gia trị - Ảnh: IT
Chương trình MTQG xây dựng NTM tại tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ cho nhiều vùng sản xuất theo chuỗi giá trị - Ảnh: IT

Theo đó, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2030 có trên 300 tổ hợp tác; trên 600 HTX với trên 13.000 thành viên. Trong đó có trên 50 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

Các loại hình kinh tế tập thể đã chứng tỏ được vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng NTM, góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, để kinh tế tập thể đi vào chiều sâu và phát triển đúng hướng, tỉnh Tuyên Quang cần có những giải pháp cụ thể, phù hợp, quyết liệt hơn nữa trong thời gian sắp tới. Trong giai đoạn đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM hiện nay, vị trí và vai trò của kinh tế tập thể lại càng được đặt ra quan trọng hơn bao giờ hết.