Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tuyên Quang: Hỗ trợ sản xuất giúp giảm nghèo hiệu quả vùng DTTS

Mạnh Cường - 14:52, 22/01/2021

Năm năm qua, từ nguồn hỗ trợ của Chương trình 135, nhiều hộ đồng bào DTTS ở Tuyên Quang đã có thêm tư liệu sản xuất, nâng cao đời sống. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 27% năm 2016 xuống còn 9,03% năm 2020, bình quân giảm 3,76%/ năm, đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Với những mô hình hỗ trợ cây, con phù hợp, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có nhiều cơ hội vươn lên thoát nghèo.
Với những mô hình hỗ trợ cây, con phù hợp, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có nhiều cơ hội vươn lên thoát nghèo.

Cuối năm 2017, gia đình chị Trần Thị Đông, dân tộc Cao Lan, thôn 3, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên được hỗ trợ 8 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135 , chị vay ưu đãi thêm 7 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua bò sinh sản. Sau 3 năm, bò mẹ sinh được 3 con bê. Do chăm sóc tốt, bò mẹ và bê con khỏe mạnh, trở thành tài sản quý đối với gia đình chị Đông.

Không chỉ trả hết món nợ vay ngân hàng, chị Đông còn có nhiều dự định phát triển sản xuất sau khi được sự hỗ trợ của Nhà nước. “Tôi tính sẽ vay thêm vốn ưu đãi từ ngân hàng để mở rộng quy mô chăn nuôi và mua thêm con giống, trồng thêm rau màu để cải thiện cuộc sống”, chị Đông cho biết.

Tại huyện Chiêm Hóa, năm 2017, từ nguồn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135, gia đình chị Ma Thị Bấm, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, được hỗ trợ tiền mua 4 con dê. Sau 3 năm chăm sóc, 4 con dê ban đầu đã sinh sản nhân tổng đàn lên 15 con.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Bấm cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng hơn 1 sào lúa, đủ ăn đã là may mắn rồi. Nhờ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, lại được tham gia các lớp học về kiến thức nông nghiệp, tôi biết cách chăn nuôi, trồng trọt. Cuối năm 2020, gia tôi đã vươn lên thoát khỏi hộ nghèo”.

Còn tại huyện Hàm Yên, năm 2020, UBND xã Yên Thuận đã hỗ trợ 218 triệu đồng giúp 35 hộ nghèo, hộ cận nghèo mua máy móc, nông cụ sản xuất (máy phun tưới nước áp lực, máy cắt cỏ), bảo đảm đúng mục đích, đối tượng, đạt chất lượng theo quy định của Chương trình 135.

Nhờ triển khai thực hiện Chương trình 135, đời sống KT-XH vùng đồng bào DTTS tỉnh Tuyên Quang có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhờ triển khai thực hiện Chương trình 135, đời sống KT-XH vùng đồng bào DTTS tỉnh Tuyên Quang có nhiều chuyển biến tích cực.

Ông Nguyễn Trọng Lực, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Yên Thuận khẳng định: “Việc cấp máy hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Yên Thuận, không chỉ góp phần hỗ trợ, động viên người dân tích cực tham gia lao động sản xuất, mà còn giúp hộ nghèo, cận nghèo có những phương tiện, công cụ máy móc để sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế, hướng tới giảm nghèo bền vững”.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Tuyên Quang, qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, với các chính sách hỗ trợ của Trung ương, sự nỗ lực vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo của tỉnh đã thu được những kết quả khả quan. Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm từ 27,81% đầu năm 2016 xuống còn 9,03% cuối năm 2020, bình quân giảm 3,76%/ năm, đạt và vượt kế hoạch đề ra.

“Việc triển khai xây dựng mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 không những giúp nhiều hộ nghèo tại các vùng khó khăn phát triển kinh tế hộ gia đình, mà còn giúp nâng cao tính chủ động của người dân và cộng đồng dân cư trong việc tiếp cận được với kỹ thuật canh tác tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp trong phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống”, bà Hoàng Thị Thắm, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho biết.

Giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là trên 885 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo là gần 33 tỷ đồng. Đã tổ chức thực hiện 38 dự án hỗ trợ giống, cây trồng vật nuôi, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, làm dịch vụ cho khoảng 2.700 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo.