Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Từng bước xóa bỏ định kiến về giới trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn

Mộc Nhi - 08:25, 03/11/2023

Thời gian qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn rất tích cực triển khai Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (Dự án 8, Chương trình MTQG 1719) với nhiều hoạt động thiết thực, góp phần từng bước nâng cao ý thức, dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm để xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng.

Hội viên phụ nữ thôn Khuổi Nhàng, xã Hòa Mục (Chợ Mới) được truyền thông về bình đẳng giới.
Hội viên phụ nữ thôn Khuổi Nhàng, xã Hòa Mục (Chợ Mới) được truyền thông về bình đẳng giới.

Tỉnh Bắc Kạn có 67 xã thuộc khu vực III; 7 xã khu vực II; 34 xã khu vực I và 648 thôn đặc biệt khó khăn với hơn 88% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó chiếm tỷ lệ lớn nhất là các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Mông, Hoa... Những năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn đã huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đến các vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa.

Triển khai Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Hội LHPN các cấp tỉnh Bắc Kạn đã chủ động, tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Tập huấn lồng ghép giới, đối thoại chính sách, thành lập và duy trì Tổ truyền thông cộng đồng, địa chỉ tin cậy ở cơ sở.

Với vai trò là đơn vị chủ trì thực hiện Dự án 8, Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn đã triển khai Dự án 8 tại 648 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 66 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung vào đối tượng thụ hưởng là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Từng bước xóa bỏ định kiến về giới trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn 1

Từ khi triển khai thực hiện Dự án 8 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã, phường được thụ hưởng dự án thành lập được 114 Tổ truyền thông cộng đồng, mỗi tổ 10 người có sự tham gia của nam giới và nữ giới, gồm: Bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, trưởng các tổ chức đoàn thể của thôn, Người có uy tín, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, ban bảo vệ dân phố và người dân…

Theo đó, các tổ truyền thông cộng đồng đã tổ chức được trên 130 buổi truyền thông lồng ghép với các hoạt động tại thôn, tổ dân phố với trên 6.000 lượt người tham gia. Nội dung tuyên truyền gồm phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phòng, chống mua bán người, phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống đuối nước… 

Ngoài hình thức truyền thông trực tiếp, các tổ còn linh hoạt truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh, bảng tin, nhóm zalo, facebook… Đồng thời thành lập được 01 mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” với 26 thành viên tham gia, 25 câu lạc bộ “Thủ lĩnh sự thay đổi” có 750 học sinh trong độ tuổi từ 11 đến 16 tuổi tham gia; 11 cuộc đối thoại chính sách cấp xã thu hút hơn 700 lượt người tham gia.

Từng bước xóa bỏ định kiến về giới trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn 2

Qua 1 năm triển khai thực hiện, Dự án 8 bước đầu góp phần làm thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại. Đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng.

Chị Bàn Thị Dinh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Khuổi Nhàng, xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới là một trong những người tham gia tích cực vào Tổ truyền thông cộng đồng cho biết: Thời gian qua, Chi hội Phụ nữ thôn đã tổ chức các buổi tuyên truyền lồng ghép những kiến thức về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới đến với đông đảo hội viên và Nhân dân. Từ đó, người dân đã dần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Chi hội Phụ nữ thôn hiện có 23 hội viên với 100% là đồng bào dân tộc Dao đỏ.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn Hoàng Thị Ngân cho biết: Từ việc tăng cường công tác truyền thông đã làm chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên và Nhân dân về công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Với những kết quả đạt được đã dần khẳng định vị trí, vai trò của người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ vùng DTTS.

Phụ nữ dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn tham gia lớp giáo dục về bình đẳng giới.
Phụ nữ dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn tham gia lớp tập huấn về bình đẳng giới.

Để ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, nạn tảo hôn trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục phối hợp triển khai tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai chính sách, pháp luật về bình đẳng giới với các chuyên đề như: Bình đẳng giới; kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; kỹ năng phát hiện và tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ, công chức, viên chức và bí thư chi bộ, trưởng thôn, Người có uy tín...

Đồng thời, Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ Hội và các ban ngành liên quan về các nội dung dự án, một số nguyên tắc và giải pháp lồng ghép giới trong xây dựng chính sách và thực hiện mô hình hỗ trợ phụ nữ trong Dự án 8. 

Bên cạnh đó triển khai các hoạt động truyền thông thay đổi nếp nghĩ cách làm. Xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình, truyền thanh trên hệ thống loa phát thanh xã bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc. Tổ chức các chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em; vận hành hoạt động các mô hình điểm; xây dựng thành lập mới các mô hình tổ truyền thông cộng đồng, mô hình “Địa chỉ tin cậy”, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; tổ chức các cuộc đối thoại chính sách ở cấp xã và cụm thôn bản đặc biệt khó khăn.

Từ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của các cấp hội phụ nữ, sự đồng thuận của của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc triển khai các giải pháp về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; hy vọng rằng trong tương lai không xa, Bắc Kạn sẽ đạt được các mục tiêu mà Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã đề ra.