Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Từ ngày 1/9, làm từ thiện phải "mở sổ, ghi chép minh bạch

L.Minh - 18:51, 17/08/2022

Đó là một trong những nội dung được nêu tại Thông tư số 41 vừa được Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện.

Từ ngày 1/9, phải mở sổ kế toán ghi chép minh bạch khi kêu gọi và phân phối nguồn từ thiện
Từ ngày 1/9, phải mở sổ kế toán ghi chép minh bạch khi kêu gọi và phân phối nguồn từ thiện (Ảnh minh họa)

Theo đó, từ 1/9, các cá nhân có các hoạt động xã hội, từ thiện có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện theo quy định; đồng thời lập báo cáo và công khai tình hình tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp theo quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc đối với hoạt động từ thiện, trong thông tư Bộ Tài chính nhấn mạnh, tất cả tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để làm từ thiện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố... đều phải mở sổ kế toán ghi chép đầy đủ lập báo cáo và minh bạch thông tin theo quy định.

Các tổ chức, cơ quan, đơn vị có những hoạt động xã hội, từ thiện có tổ chức kế toán riêng để hạch toán các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối. Sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện phải mở sổ kế toán ghi chép, hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo tài chính đầy đủ, minh bạch theo quy định.

Các tổ chức, cơ quan, đơn vị có các hoạt động xã hội, từ thiện được giao kiêm nhiệm, không tổ chức kế toán riêng để hạch toán các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện thì phải hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của đơn vị, theo chế độ kế toán mà đơn vị đang áp dụng. Đơn vị phải mở sổ chi tiết để theo dõi riêng cho các hoạt động này, đảm bảo quản lý, sử dụng đúng mục đích.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Hằng năm hoặc định kỳ phải lập báo cáo thu, chi đối với hoạt động xã hội, từ thiện của đơn vị trong năm theo quy định; công khai số liệu, đồng thời phải thuyết minh riêng số liệu các hoạt động xã hội, từ thiện trên báo cáo tài chính chung của đơn vị rõ ràng và minh bạch.

Còn đối với cá nhân tham gia hoạt động xã hội, từ thiện, thông tư hướng dẫn phải có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện theo quy định; đồng thời công khai tình hình tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp theo quy định của pháp luật.

Về cách thức tiếp nhận, Bộ Tài chính yêu cầu trường hợp tiếp nhận tài trợ bằng tiền, cá nhân người vận động phải mở riêng tài khoản cho mục đích xã hội, từ thiện tại ngân hàng. Không được nhận tiền tài trợ cho mục đích xã hội, từ thiện vào chung tài khoản chi tiêu cá nhân của người vận động.

Trường hợp tiếp nhận tài trợ bằng tiền mặt, cá nhân tiếp nhận tài trợ phải có trách nhiệm bảo quản tiền an toàn. Trường hợp chưa sử dụng có thể đem gửi vào tài khoản ngân hàng được mở riêng cho mục đích xã hội tại ngân hàng.

Trường hợp tiếp nhận bằng ngoại tệ, cá nhân phải bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại và quản lý, sử dụng tiền Việt Nam để thực hiện tài trợ theo quy định.

Thông tư 41/2022/TT-BTC áp dụng với Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" các cấp (Trung ương, tỉnh, huyện xã); các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện.