Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tự hào nguồn cội

Nguyễn Đắc Thuỷ - 08:43, 28/04/2024

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình Di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân niềm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.

Các địa phương rước kiệu về Đền Hùng.
Các địa phương rước kiệu về Đền Hùng.

Điểm tựa tinh thần bền vững

Lịch sử của dân tộc Việt Nam được mở đầu bằng thời đại Hùng Vương với công lao của các Vua Hùng khai sơn, phá thạch, mở mang, bồi đắp xây dựng nên nhà nước Văn Lang. Khắc ghi công lao to lớn ấy, người Việt đã suy tôn các Vua Hùng là Thủy tổ của dân tộc từ hàng nghìn năm trước.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, tín ngưỡng này đã trở thành điểm tựa tinh thần, đức tin vào sự linh thiêng huyền diệu của tổ tiên để người dân đất Việt thắt chặt khối đại đoàn kết dân tộc, chung sức chiến thắng thiên tai, giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi. Việc thờ cúng Hùng Vương đã trở thành tập quán, tín ngưỡng và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đây là hiện tượng hiếm có, nếu không nói là duy nhất trên thế giới khi cả dân tộc Việt Nam đã tự ý thức về mình là có chung một nguồn gốc (đồng bào), chung mộ Tổ và ngày Giỗ Tổ đã trở thành Quốc lễ để thực hành những nghi lễ thờ cúng và tưởng niệm Vua Hùng - vị Quốc Tổ chung của cả quốc gia, dân tộc.

Cứ mỗi dịp tới ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba Âm lịch, con dân đất Việt trên khắp thế giới đều hướng về ngày lễ chung toàn dân tộc - ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Theo thời gian, niềm tự hào, lòng thành kính tri ân công đức tổ tiên ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Ngày càng có nhiều người hành hương về non thiêng Nghĩa Lĩnh, nhất là trong dịp Giỗ Tổ hằng năm.

Người dân TP. Việt Trì (Phú Thọ) dâng lễ vật cúng tổ tiên vào ngày Giỗ Tổ.
Người dân TP. Việt Trì (Phú Thọ) dâng lễ vật cúng tổ tiên vào ngày Giỗ Tổ.

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay trong cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và vợ con, tướng lĩnh thuộc thời đại Hùng Vương. Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 345 di tích gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trong đó có 249 di tích đang thờ tự.

Lan tỏa mọi miền

Từ đỉnh núi Hùng - Trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất cả nước, theo dòng chảy thời gian, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương dần dần lan tỏa tới các địa phương khác. Đầu tiên là các vùng đất quanh chân núi Nghĩa Lĩnh như đình làng Cổ Tích (xã Hy Cương), đình làng Trẹo (thị trấn Hùng Sơn), đình làng Cả (Tiên Kiên)…, sau đó lan tỏa khắp địa bàn Phú Thọ, Vĩnh Phúc, hầu như huyện, thành, thị nào cũng có những ngôi đền thờ Hùng Vương, vợ con, tướng lĩnh thuộc thời đại Hùng Vương, rồi lan tỏa ra các tỉnh, thành trong cả nước, tập trung ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung và tiến sâu vào đất phương Nam theo dấu chân mở cõi của người Việt.

Ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba Âm lịch hằng năm, cùng với Phú Thọ, các địa phương có điểm thờ Hùng Vương đều tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng một cách trang trọng, thành kính.

Không chỉ ở trong nước mà ở một số quốc gia trên thế giới, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng lập đền thờ các Vua Hùng như ở California (Hoa Kỳ), Canada, Australia… hoặc các điểm thờ tự để đặt ban thờ, bài vị và tượng Hùng Vương để kiều bào cùng tổ chức lễ dâng hương nhớ về Tổ tiên trong ngày quốc lễ như ở Nga, Séc, Lào,…

Ngày “Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” đang được cộng đồng người Việt ở nước ngoài hưởng ứng mạnh mẽ, trở thành điểm tựa văn hóa tâm linh để mỗi người con nước Việt đều có dịp tưởng nhớ về cội nguồn dân tộc và tự hào về nguồn cội. Các di tích và địa điểm thờ tự Vua Hùng ở khắp nơi luôn được người Việt bảo tồn, gìn giữ và xây dựng, chính là sự khẳng định giá trị tâm linh bền vững trong đời sống tinh thần của cộng đồng, hành trang tinh thần vô giá của cả dân tộc để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.