Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Từ giáo viên thể dục đến nhà nghiên cứu văn hóa Thái

PV - 11:05, 30/01/2018

Không phải là người con của đồng bào dân tộc Thái nhưng thầy giáo Lê Thanh Tùng luôn say mê tìm hiểu, sưu tầm các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái Mường Lò-Nghĩa Lộ, để truyền bá, gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Thái ở Yên Bái.

Thầy giáo Lê Thanh Tùng chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh về thị xã Nghĩa Lộ dạy môn thể chất tại Trường Tiểu học và THCS Lý Tự Trọng. Mặc dù cả bố và mẹ không phải là người dân tộc Thái, nhưng được sinh sống trên mảnh đất tổ của người Thái đen Mường Lò-Nghĩa Lộ, được thụ hưởng, giao thoa nền văn hóa đặc trưng của bản làng, của đồng bào từ tiếng nói, chữ viết, những phong tục tập quán, những lễ hội đặc sắc của dân tộc đã thấm đượm trong tâm thức của anh.

Thầy giáo Lê Thanh Tùng (áo đen đứng) cùng nghệ nhân Lò Văn Biến dạy chữ cho học sinh. Thầy giáo Lê Thanh Tùng (áo đen đứng) cùng nghệ nhân Lò Văn Biến dạy chữ cho học sinh.

 

Với niềm đam mê tìm hiểu về văn hóa Thái, thầy Tùng đã đến nhà nghệ nhân Lò Văn Biến ở bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ để xin học chữ Thái cổ. Khi đã biết đọc, thầy Tùng tiếp tục mượn những cuốn sách Thái cổ của Nghệ nhân Lò Văn Biến để đọc và tìm hiểu. Càng đọc, càng hiểu, thầy Tùng càng say mê hơn bởi những giá trị của nền văn hóa vô cũng phong phú, đặc sắc. Ở đó có những làn điệu dân ca, những bài hát giao duyên, những câu tục ngữ, câu nói cổ… rất sâu sắc và thấm đậm cái tình, cái nghĩa của người Thái Tây Bắc.

Từ sự yêu thích, say mê chữ Thái cổ, thầy giáo Tùng còn tích cực khuyến khích các em học sinh trong trường cũng như là những người yêu thích văn hóa Thái trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ tham gia các lớp học chữ Thái cổ miễn phí do thầy tự mở. Lớp học của thầy thu hút được khá nhiều người tham gia, qua lớp học nhiều người đã biết đọc, biết viết chữ Thái cổ của dân tộc mình và được nghe thầy kể về những câu chuyện, sự tích và những phong tục tập quán đặc sắc cần được lưu giữ và bảo tồn của dân tộc Thái.

Thầy giáo Lê Thanh Tùng cũng đã tham mưu cho Phòng Giáo dục-Đào tạo thị xã chỉ đạo các nhà trường đưa chương trình học múa xòe vào học ngoại khóa. Từ tập thử cho vài lớp, đến nay, mỗi năm đã có tới 600 em học sinh tham gia học múa xòe. Từ một môn học ngoại khóa Phòng Giáo dục thị xã đã tổ chức hội thi xòe Thái hằng năm cho các em học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn.

Ngoài nghiên cứu, bảo tồn văn hóa Thái thì, thầy giáo Tùng còn tự tìm tòi, học hỏi cách chơi và cách làm các loại nhạc cụ dân tộc Thái. Đến nay, anh có thể sử dụng thành thạo Pí Tam Tặn, Pí Pặp và nhiều loại nhạc cụ khác...

Năm 2013, thầy Tùng cùng các nghệ nhân ở Mường Lò tham gia dàn nhạc cụ để tạo nên màn biểu diễn 6 điệu xòe cổ của đồng bào dân tộc Thái Nghĩa Lộ, xác lập kỉ lục guines Việt Nam. Năm 2014, tham gia cùng với nghệ nhân Lò Văn Biến sưu tầm và biên soạn cuốn ca dao, tục ngữ, đồng giao và câu đố Thái tỉnh Yên Bái trong khuôn khổ bảo tồn văn hóa các tỉnh Tây Bắc có người Thái sinh sống; tham gia đề án phục dựng hội Hạn Khuống, hoàn thành hồ sơ xét công nhận “Hội Hạn Khuống” là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Với niềm đam mê của mình, thầy giáo Lê Thanh Tùng đã góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ những giá trị văn hóa Thái đặc sắc của vùng đất Mường Lò-Nghĩa Lộ; góp phần cùng với chính quyền địa phương và người dân, làm sống lại những giá trị văn hóa dân tộc Thái lưu giữ cho thế hệ sau.

NGUYỄN NHẬT THANH