Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Từ "Đường Kách mệnh”...

PV - 09:54, 04/06/2021

Cuối năm 1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu, Trung Quốc, xúc tiến công cuộc giải phóng dân tộc. Tại đây, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, mở lớp huấn luyện chính trị, ra Báo Thanh niên, truyền giảng cho đội ngũ cán bộ cốt cán đầu tiên của Việt Nam những nội dung cơ bản của học thuyết Mác-Lênin, chuẩn bị cho sự ra đời một chính đảng vô sản kiểu mới ở Việt Nam.

 Cuốn "Đường Kách mệnh"-Bảo vật quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Ảnh tư liệu
Cuốn "Đường Kách mệnh"-Bảo vật quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Ảnh tư liệu

Năm 1927, những bài giảng của Người được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hợp các dân tộc bị áp bức in thành tập bài giảng mang tên: "Đường Kách mệnh".

Từ tập bài giảng "Đường Kách mệnh"

“Đường Kách mệnh” được viết một cách mộc mạc, đơn giản, ngắn gọn nhưng nội dung phong phú, hàm chứa những tư tưởng lớn mang tính quốc gia và quốc tế vĩ đại về chủ nghĩa xã hội (CNXH) của Hồ Chí Minh. "Đường Kách mệnh" đề cập nhiều nội dung, trong đó Nguyễn Ái Quốc nêu rõ chuẩn mực đạo đức của những chiến sĩ cách mạng; giới thiệu tính chất, nội dung các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới. Thông qua những nội dung này, Người chỉ rõ tư tưởng cách mạng triệt để: Muốn sống thì phải làm cách mạng và muốn làm cách mạng thành công phải có đảng lãnh đạo, có Chủ nghĩa Mác-Lênin làm nòng cốt, phải có phương pháp cách mạng v.v.., phải gắn cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng thế giới. Từ "Đường Kách mệnh", Người khẳng định: Cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp của toàn dân chứ không phải của một vài cá nhân. Vì vậy, đoàn kết trong đảng, đoàn kết toàn dân tộc là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi cho cách mạng Việt Nam...

“Đường Kách mệnh” xác định rõ mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, khẳng định con đường cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn, đó là dân tộc cách mệnh (quốc gia) và cách mạng xã hội chủ nghĩa (quốc tế). “Đường Kách mệnh” trình bày một cách khái quát những quan điểm cốt lõi của Chủ nghĩa Mác-Lênin về con đường cách mạng Việt Nam, con đường: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, nhưng trước hết phải tập trung vào nhiệm vụ “dân tộc cách mệnh”(1), giành lấy quyền tự do bình đẳng của dân nước mình, để chuẩn bị những tiền đề cho cuộc cách mạng thứ hai (thế giới cách mệnh) về chính trị, tổ chức, kinh tế, văn hóa. Đối tượng của “dân tộc cách mệnh” là đánh đổ chính quyền thuộc địa Pháp. Chủ thể là toàn dân tộc, lấy quần chúng công nông làm nền tảng. 

“Đường Kách mệnh” nhấn mạnh vai trò quan trọng hàng đầu của Đảng-nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam và việc lựa chọn mô hình nhà nước trong tương lai. Cùng với những định hướng cụ thể về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, lực lượng và tổ chức tiền phong lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, “Đường Kách mệnh” cũng đồng thời nêu lên mô hình nhà nước trong tương lai khi cách mạng thành công. Theo Hồ Chí Minh: Muốn dân tộc được độc lập, muốn nhân dân lao động khỏi thân phận người nô lệ thì phải làm cách mạng một cách triệt để, không thể đi theo con đường cách mạng tư sản, không thể thiết lập mô hình nhà nước cộng hòa tư sản, nơi chính quyền chủ yếu thuộc về giai cấp hữu sản, Người đã viết: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”(2).

Đến Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nêu rõ hơn về con đường đi lên CNXH. Chính cương vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam vạch rõ tính chất, nhiệm vụ, đối tượng của cách mạng Việt Nam, trong đó xác định rõ chủ trương của những người cộng sản là làm "tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản". Nhiệm vụ của cuộc cách mạng lúc này là đánh đổ đế quốc Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; dân chúng được tự do tổ chức; nam nữ bình quyền; phổ thông giáo dục theo công nông hóa; quốc hữu hóa tất cả các xí nghiệp của tư bản đế quốc; dựng ra chính phủ công nông binh; tổ chức ra quân đội công nông; thủ tiêu hết các thứ quốc trái; thi hành luật ngày làm 8 giờ...

Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Chín năm tiếp theo đó, Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng, tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Tổng Bí thư Trường Chinh giải thích: Dân tộc là chống đế quốc, Dân chủ là chống phong kiến, nhân dân là lực lượng của cuộc cách mạng đó.

Với Hiệp định Geneva 1954, Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng. Miền Bắc vừa chi viện cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam, vừa chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa bắt tay xây dựng CNXH. Lúc này, đường lối tiến hành làm dân tộc cách mệnh (quốc gia) và cách mạng xã hội chủ nghĩa (quốc tế)-theo cách nói hôm nay là: Độc lập dân tộc đi lên CNXH trở thành hiện thực ở miền Bắc.

Đến hiện thực hóa mô hình xã hội mới...

Ở thập niên 1950 đến 1989, khi thế giới đang chia làm hai phe, phe xã hội chủ nghĩa (XHCN) do Liên Xô đứng đầu đang phát triển lớn mạnh, vấn đề đi lên CNXH ở Việt Nam như một lẽ đương nhiên. Hồi đó, các nhà lý luận không cần phải chứng minh nhiều về những giá trị của CNXH. Bản thân lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng chưa có thời gian bàn nhiều về CNXH. Người chỉ có một số bài viết về CNXH như khẳng định tính tất yếu của thời kỳ quá độ, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản để đi tới CNXH, cổ động cho phong trào hợp tác xã, bàn về tiến vững chắc đi lên CNXH...

Người định nghĩa CNXH, mà cũng chính là nêu mục tiêu của CNXH rất giản dị, dễ hiểu: "Mục đích của CNXH là gì? Nói một cách đơn giản và dễ hiểu là: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động"(3). Hay "mục đích của CNXH là không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân"(4). Hoặc Người diễn giải mục đích tổng quát này thành các tiêu chí cụ thể: "CNXH là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần được xóa bỏ... Tóm lại, xã hội ngày càng tiến bộ, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là CNXH"(5)

“CNXH là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, và do nhân dân tự xây dựng lấy. Muốn đạt mục đích đó, thì nhân dân ta phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm; mỗi người phải cố gắng trở thành lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, anh hùng lao động, mỗi người phải nâng cao tinh thần làm chủ nước nhà”; CNXH là “ai cũng được làm việc, được ăn no mặc ấm, được học hành, người già yếu thì được giúp đỡ, các cháu bé thì được săn sóc”; “CNXH là mọi người cùng ra sức lao động sản xuất để được ăn no, mặc ấm, và có nhà ở sạch sẽ”.

 “Muốn có CNXH thì không có cách nào khác là phải dốc lực lượng của mọi người ra để sản xuất. Sản xuất là mặt trận chính của chúng ta hiện nay ở miền Bắc... Muốn phát triển sức sản xuất thì trước hết phải nâng cao năng suất lao động và muốn nâng cao năng suất lao động thì phải tổ chức lao động cho tốt”. Bởi vậy, Người cho rằng: “CNXH là phải có biện pháp. Kế hoạch một phần, biện pháp phải hai phần, và quyết tâm phải ba phần, có như thế mới có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Cách mạng XHCN là cuộc cách mạng sâu sắc nhất, triệt để nhất, chưa từng có trong lịch sử nước nhà: “Biến đổi một xã hội cũ thành một xã hội mới, không phải là một chuyện dễ. Nhưng đó là những khó khăn trong sự trưởng thành. Toàn Đảng, toàn dân đồng sức đồng lòng thì khó khăn gì cũng nhất định khắc phục được”(6).

Trích dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh như trên để thấy rõ một điều, dù: "Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ XHCN và cộng sản chủ nghĩa”, song để có CNXH, không thể trông chờ vào ai khác, ngoài bàn tay, khối óc của chính chúng ta, bằng lao động sáng tạo của mỗi người. Dưới sự lãnh đạo của Đảng tiên phong, toàn thể dân tộc sát cánh cùng xây dựng xã hội XHCN, bởi chỉ có CNXH, mới thực sự vì con người, mới thực sự giải phóng giai cấp lao động, giải phóng con người.

TS CHU ĐỨC TÍNH, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh

(1), (2), (3), (4), (5), (6): Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 2, 11, 12, 13

Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...