Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Từ điểm nóng ma túy đến điểm sáng du lịch

PV - 14:10, 27/02/2019

Hang Kia là xã khó khăn của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Hang Kia trước đây từng là “vòng cung ma túy”, tuy nhiên hiện nay đã có nhiều thay đổi nhờ việc phát triển du lịch cộng đồng, góp phần cải thiện diện mạo xã vùng cao khó khăn. Hiện tại Hang Kia đã trở thành một trong những điểm sáng trong phát triển du lịch cộng đồng huyện Mai Châu.

Điệu múa khèn phục vụ khách thăm quan. Điệu múa khèn phục vụ khách thăm quan.

Với tiềm năng du lịch phong phú, nhiều món ăn đặc sản phục vụ khách như gà đen, bánh giầy, rau cải…, Hang Kia đã thu hút được nhiều du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng, khám phá. Nắm bắt được lợi thế này, chính quyền huyện Mai Châu đã chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, vừa thúc đẩy dân bản phát triển trồng trọt, chăn nuôi, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa cộng đồng. Đại diện Đoàn khảo sát Công ty Ben Thanh tourist sau khi nghỉ đêm tại homestay Y Múa đã viết: "Nơi đây cảnh sắc thật đẹp, bình yên, con người mến khách, văn hóa độc đáo. Homestay đủ tiêu chuẩn đón khách nội địa và quốc tế. Ben Thanh tourist sẽ thiết kế tour đến Mai Châu và Hang Kia”.

Có thể thấy, với cách làm này, mỗi năm huyện Mai Châu đã thu hút trên 300.000 lượt khách thăm quan và lưu trú, trong đó có hơn 120.000 du khách quốc tế, mang lại nguồn lợi kinh tế mỗi năm trên 100 tỷ đồng.

Ông Khà A Váu, Chủ tịch UBND xã Hang Kia cho biết: Hang Kia là địa bàn sinh sống chủ yếu của người Mông. Xuất phát từ nhu cầu của khách du lịch muốn đến thăm quan, khám phá bản sắc văn hóa người Mông, đồng thời khám phá khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia-Pà Cò, chính quyền xã đã xây dựng phương án phát triển kinh tế du lịch cộng đồng. Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm những bản sắc văn hóa độc đáo, hấp dẫn của đồng bào Mông như: cùng làm các công việc hằng ngày của người Mông như làm bánh giầy, mèn mén, thêu thùa…, ngắm những bộ váy áo nhiều màu sắc sặc sỡ của các thiếu nữ Mông cùng những đồ trang sức bằng bạc hết sức bắt mắt. Bên hiên cửa, những phụ nữ Mông ngồi thêu những bộ váy truyền thống. Hay đến chợ phiên, du khách không chỉ trao đổi, mua bán hàng hóa, mà còn được hòa mình vào những điệu múa khèn của những chàng trai-nơi giao duyên, hò hẹn của những đôi trai gái…

Cuối tuần là thời điểm tập trung rất đông du khách thăm quan du lịch. Cuối tuần là thời điểm tập trung rất đông du khách thăm quan du lịch.

Gia đình chị Sùng Y Múa, một trong những hộ dân tiên phong làm du lịch cộng đồng tại Hang Kia chia sẻ: Phát triển du lịch đã từng bước góp phần nâng cao thu nhập không chỉ cho riêng gia đình Y Múa mà còn cho nhiều bà con dân bản. Thông qua những chuyến du lịch, du khách đã kết nối tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện giúp đỡ đồng bào. Tại homestay Y Múa, mỗi đêm lưu trú giá 100.000 đồng/người tại nhà nghỉ cộng đồng và 600.000 đồng cho nhóm hoặc gia đình. Với phương châm tận tâm, bản sắc, hướng tới cộng đồng, dần dần du khách đến với bản Mông nhiều hơn.

Mô hình homestay Y Múa của gia đình chị Sùng Y Múa đã tạo việc làm cho khoảng 20 người trong bản với thu nhập 150.000 đồng/ngày, chưa kể ăn. Đối với hướng dẫn viên là người địa phương khi dẫn khách trải nghiệm được trả 200.000 đồng/ngày, bằng 4 ngày đi làm nương. Phần lớn du khách của Y Múa đều từ các công ty lữ hành chuyên nghiệp. Các du khách từ TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội… hay từ nước Pháp, Đức, Israel, Anh, Australia, Tây Ban Nha đều hài lòng khi để lại lưu bút. Cuốn sổ lưu niệm bằng giấy giang, đơn sơ ngày càng dày lên cũng là cách để chị Y Múa nắm bắt, phát huy những lời khen và khắc phục hạn chế qua những lời góp ý.

"Vui nhất là dân bản được mở rộng giao lưu văn hóa, chuyển biến trong cách nghĩ, cách làm, đặc biệt số người tham gia vận chuyển ma túy trái phép giảm hẳn. Để giữ chân được du khách đến thăm quan và ở lại, khám phá bản sắc dân tộc từ trang phục, ẩm thực, nghề truyền thống, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đến cách lao động sản xuất, kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên… bà con phải giữ gìn, khôi phục nghề thêu, làm giấy giang, vẽ sáp ong, điệu khèn, điệu múa, trò chơi dân gian, giữ môi trường xanh, sạch, đẹp...

Được biết bình quân mỗi tháng, xã Hang Kia đã đón hàng trăm khách thăm quan. Từng là điểm “nóng” về ma túy, nay Hang Kia đã có những thay đổi tích cực, kinh tế du lịch gắn với bản sắc cộng đồng là nguồn tài nguyên vô hạn hứa hẹn mang lại những điều kiện tốt về kinh tế-xã hội cho bà con vùng khó. Tuy nhiên, để theo kịp những địa phương khác trên địa bàn huyện về du lịch, xã Hang Kia cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, thành lập các hợp tác xã kinh doanh, chuyên nghiệp hơn trong việc làm du lịch,… để không chỉ là nơi du khách thăm quan mà còn là điểm đến, lưu trú đáng tin cậy cho du khách trong nước và quốc tế.

NGHĨA HIỆP