Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tu bổ, tôn tạo để phát huy giá trị Di tích Quốc gia đền Trấn Vũ

Lam Anh - 19:05, 02/04/2022

Chiều ngày 2/4, tại Di tích quốc gia đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, TP. Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo khoa học “Về giá trị văn hóa-lịch sử cụm di tích đền Trấn Vũ-chùa Cự Linh”.


Pho tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ được công nhận là Bảo vật quốc gia ngày 25/12/2015.
Pho tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ được công nhận là Bảo vật quốc gia ngày 25/12/2015.

Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa uy tín nhằm đánh giá giá trị và thực trạng đền Trấn Vũ – chùa Cự Linh, làm cơ sở khoa học, định hướng cho việc tu bổ, tôn tạo di tích trong thời gian tới.

Cụm di tích đền Trấn Vũ gồm có đền Trấn Vũ và chùa Cự Linh. Di tích đền Trấn Vũ với những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật được lưu giữ qua các di vật, di sản quý báu, đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích kiến trúc-nghệ thuật Quốc gia năm 1990.

Trong đền có pho tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ, được Nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015. Đây là pho tượng cổ bằng đồng nặng khoảng 4 tấn, được đúc liền khối từ thế kỷ XVII - XVIII, được các nhà khoa học đánh giá cao bởi nghệ thuật tạo tác tượng và nghệ thuật đúc đồng đỉnh cao của cha ông ta trong thời kỳ đó. Nơi đây còn lưu giữ hơn 20 đạo sắc phong có niên đại từ năm 1740 đến 1940, được UBND thành phố Hà Nội công nhận là tài liệu lưu trữ quý, hiếm...

Nghi lễ kéo co ngồi trong Lễ hội đền Trấn Vũ được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia năm 2014. Tháng 12/2015, kéo co truyền thống châu Á tại bốn quốc gia là Việt Nam, Hàn Quốc, Campuchia, Philippines được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, trong đó có nghi lễ kéo co ngồi tại đền Trấn Vũ… Ngoài ra, tại đền Trấn Vũ còn lưu giữ nhiều di vật quý giá trị từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX.

Nghi thức Kéo co ngồi được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2015.
Nghi thức Kéo co ngồi được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2015.

Hội thảo được tổ chức nhằm tổng hợp những tư liệu nêu bật những giá trị văn hóa, lịch sử của di tích, đồng thời tập hợp những kết quả nghiên cứu, đánh giá mới của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa về vai trò, chức năng của đền Trấn Vũ - chùa Cự Linh từ khi khởi dựng đến những biến cố lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; đánh giá vai trò cố kết cộng đồng khi tham gia tạo dựng những giá trị lịch sử - văn hóa của địa phương, mối tương quan giữa nhận thức trong ký ức với nhận thức lịch sử - xã hội và văn hóa hiện tại nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa…

Các tham luận tại hội thảo đã cung cấp nhiều tư liệu nổi bật, khẳng định giá trị của cụm di tích đền Trấn Vũ – chùa Cự Linh, đồng thời chia sẻ nhiều kết quả nghiên cứu, đánh giá mới về cụm di tích này; làm sáng rõ hơn giá trị kiến trúc nghệ thuật, giá trị văn hoá trong lịch sử làng xã ở xung quanh cụm di tích. Theo Tiến sỹ Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cụm di tích, với những lễ hội chùa và đền, với Bảo vật Quốc gia tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được Thủ tướng Chính phủ công nhận, với nghi lễ kéo co liên quốc gia được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại… đã khẳng định giá trị nổi bật của di tích đền Trấn Vũ. Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Khắc Thuân - Viện nghiên cứu Hán Nôm cũng chia sẻ những nghiên cứu về di sản văn hóa thông qua các tư liệu cổ để nêu bật giá trị di tích…

Tại hội thảo, hầu hết các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa đều cho rằng, cụm di tích đền Trấn Vũ – chùa Cự Linh cần được tu bổ, tôn tạo để bảo vệ và phát huy giá trị cụm di tích này, hướng tới xây dựng khu di tích tín ngưỡng văn hóa tâm linh đặc sắc vùng ven kinh đô Thăng Long Hà Nội, gắn với phát triển du lịch…/.