Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nông thôn mới

“Truyền nhân” giữa rừng già

Nguyễn Thanh - 03:15, 17/11/2023

Tây Sơn (Kỳ Sơn, Nghệ An) mùa này không chỉ có những cánh đào, cánh mận bung sớm bên sườn núi, vườn nhà trong cái rét ngọt miền sơn cước. Thoảng trong những cơn gió từ triền núi cao, còn nghe tiếng khèn Mông da diết mời gọi, tiếng cự xia trầm bổng cuốn hút... Chúng tôi đã đi tìm tiếng khèn, điệu hát ấy và cũng chợt thấy một nỗi niềm đau đáu của những “truyền nhân” giữa rừng già.

Nghệ nhân Phổng đã được Trường PTCS DTBT Tây Sơn mời tham gia truyền dạy biểu diễn múa khèn và trình diễn dân ca, nhạc cụ dân tộc trong chương trình ngoại khoá cho các em học sinh
Nghệ nhân Phổng đã được Trường PTCS DTBT Tây Sơn mời tham gia truyền dạy biểu diễn múa khèn và trình diễn dân ca, nhạc cụ dân tộc trong chương trình ngoại khoá cho các em học sinh

Ba đời mê… tiếng khèn Mông

Đến xã Tây Sơn, chưa ghé bản Huồi Giảng 1, chưa nghe tiếng khèn Mông của nghệ nhân Vừ Lầu Phổng thì coi như chưa đến vùng đất ấy. Nhiều người đã bảo vậy! Cũng bởi tò mò mà bước chân cứ thế kéo chúng tôi vượt núi, vượt rừng về với Huồi Giảng 1.

Mùa này Tây Sơn đẹp mê hồn. Không chỉ là sương mai bảng lảng, không chỉ là cánh đào, cánh mận bung sớm khoe sắc… mà còn là những bông lau nở trắng triền núi, trắng như mây trên đỉnh núi, mây trên những mái nhà gỗ thâm nâu.

Trong cảnh sắc bâng khuâng, nao lòng ấy, chúng tôi như bừng tỉnh bởi tiếng khèn Mông da diết, mời gọi. Men theo tiếng khèn, chúng tôi ghé thăm nhà ông Vừ Lầu Phổng – nghệ nhân dân gian người Mông ở bản Huồi Giảng 1.

Ấn tượng với chúng tôi trong căn nhà gỗ sa mu truyền thống là rất nhiều loại nhạc cụ của đồng bào Mông và cả những tấm giấy khen, bằng khen mà ông Phổng đã trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hoá dân tộc. Và để đón tiếp khách, ông Phổng đã vui vẻ trình diễn một điệu khèn với những động tác múa rất nhẹ nhàng, uyển chuyển.

Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng bày dạy tỉ mỉ cách thổi khèn cho thế hệ trẻ
Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng bày dạy tỉ mỉ cách thổi khèn cho thế hệ trẻ

Dứt tiếng khèn, ông Phổng tâm sự: Múa khèn là “hồn cốt”, là nét văn hóa đặc trưng trong đời sống tinh thần của đồng bào Mông. Nét văn hóa này được truyền qua rất nhiều thế hệ. Rồi ông nhìn xa xăm, như man mác một nỗi niềm diệu vợi: Ông nội ta cũng là một người thổi khèn, thổi sáo hay nổi tiếng. Ta được ông nội và bố là Vừ Pà Lỉa, truyền dạy điệu khèn Mông từ khi còn là cậu bé hơn 10 tuổi đấy. Nhà ta đến ba đời gần nhất đều mê tiếng khèn Mông.

Với niềm đam mê nhạc cụ truyền thống cùng tài năng thiên bẩm, tiếng khèn Mông đã theo Vừ Lầu Phổng, từ cậu bé hơn 10 tuổi, cho đến chàng trai đôi mươi hừng hực sức trẻ, và nay là lão nông miền sơn cước biên thùy. Ở mỗi giai đoạn cuộc đời, tiếng khèn Mông là bầu bạn, là hơi thở của Vừ Lầu Phổng. Chẳng thế mà, khi được mời đi trình diễn tại các hội diễn, hội thi từ xã lên huyện, tỉnh, toàn quốc, ông đã giành trọn nhiều giải thưởng, giấy khen, bằng khen các cấp về loại hình nhạc cụ dân tộc.

Trong số 11 nhạc cụ của người Mông như kèn lá, đàn môi (dà), trà liến dồ (sáo dọc), trà blải (sáo ngang), plùa tô (nhị), trà sua dì (sáo gọi chim), đrủa nênh (phèng la), chư nênh (vòng lắc)…; ông Phổng có thể chơi được 10 nhạc cụ nhưng giỏi nhất là khèn, sáo. Ông trải lòng: Khèn và sáo là những nhạc cụ khó chơi và rất khó chơi hay. Bởi khi thổi phải điều hòa được hơi thở để có được sự réo rắt, trầm bổng… theo ý muốn.

Múa khèn có rất nhiều động tác khó, đòi hỏi người học phải kiên trì
Múa khèn có rất nhiều động tác khó, đòi hỏi người học phải kiên trì

Tiếng khèn gắn với Vừa Lầu Phổng từ thuở còn nằm nôi, từ những ngày nằm địu theo mẹ cha lên nương lên rẫy. Nhưng cây khèn đã nằm trong tay nghệ nhân Phổng, trở thành người bạn tâm giao để ông gửi trọn niềm vui, nỗi buồn cũng đã hơn 40 năm rồi. 

Biết bao biến cố cuộc đời đã trải qua, biến bao đổi thay của bản làng từ thuở khai sơn lập địa… nhưng tiếng khèn thì với Vừ Lầu Phổng vẫn vậy. Chúng tôi chợt nhận ra rằng, vũ điệu khèn - giai điệu âm nhạc của người Mông không chỉ đơn thuần là những bài ca lao động mà là lịch sử, tâm hồn của tộc người. Đó còn là cuộc đấu tranh sinh tồn của một dân tộc trên đỉnh núi cao.

Nỗ lực trao truyền cho thế hệ trẻ

Vừa Lầu Phổng bảo rằng: Điệu khèn, điệu xia (dân ca dân tộc Mông), trang phục, nhạc cụ vẫn còn thì bản sắc văn hoá người Mông mới không mất đi. Nghĩ vậy nên những năm tháng qua, ông Phổng đã tích cực truyền dạy cho con cháu trong nhà và lớp trẻ người Mông trong xã, trong huyện về việc sử dụng nhạc cụ dân tộc.

Đã ngoài 50 tuổi, nhưng mỗi khi nói đến khèn, sáo; đến việc truyền dạy cho hậu thế, bước chân ông Phổng hãy còn nhanh nhẹn, hăm hở như thuở đổi mươi. Trong số 20 thành viên của Câu lạc bộ Văn nghệ quần chúng xã Tây Sơn, ông Phổng là người tích cực nhất. Cũng bởi tài năng, tâm huyết và trách nhiệm, nghệ phân Phổng đã được Trường PTCS DTBT Tây Sơn mời tham gia truyền dạy biểu diễn múa khèn và trình diễn dân ca, nhạc cụ dân tộc trong chương trình ngoại khoá cho các em học sinh.

Thổi và múa khèn là hoạt động văn hóa đặc sắc của người Mông
Thổi và múa khèn là hoạt động văn hóa đặc sắc của người Mông

Rồi không chỉ bản thân, những thành viên khác trong gia đình, cũng đã được ông Phổng định hướng để mang vốn kiến thức, kinh nghiệm về thổi, biểu diễn khèn, hát cự xia… tham gia luyện tập cùng con em trong bản. 

Để mọi người tin theo, ngay gia đình ông đã là tấm gương về việc lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc Mông, khi 2 người con trai của ông đều biểu diễn khèn Mông thuần thục, 2 người con gái biết múa hát cự xia (dân ca người Mông), và cô cháu gái mới học lớp 7 Vừ Y Dở cũng múa hát cự xia rất giỏi.

 Ngay vợ của ông, bà Lầu Y Mỷ cũng thường xuyên tham gia luyện tập hát cự xia cùng với con em trong bản. Bà Mỷ nói: cứ sợ không hát cự xia thì quên mất thôi. Bọn trẻ thời nay ít hát lắm, người già như ta biết hát thì không còn mấy đâu.

Tây Sơn là xã có 100% đồng bào Mông sinh sống (336 hộ, khoảng 1.760 nhân khẩu). Điều rất đặc biệt, không chỉ gia đình ông Phổng mà ở trong toàn xã đã hình thành nên phong trào lưu giữ nghệ thuật biểu diễn múa khèn và trình diễn dân ca, nhạc cụ dân tộc sôi nổi. Đáng chú ý, loại hình nhạc cụ dân tộc đã có đất sống trong các hoạt động ngoại khóa của các trường học, trong lễ hội, trong hiếu hỉ của bản làng…

Với đồng bào Mông ở Tây Sơn, múa khèn, hát cự xia không đơn thuần là những khoảnh khắc của xúc cảm cá nhân mà hơn hết còn là chuyện kể về lịch sử, bản sắc của dân tộc mình. Trao truyền các giá trị ấy chính là để nhắc nhở cháu con nhớ về cội nguồn với những cuộc đấu tranh sinh tồn của một dân tộc trên đỉnh núi cao.

Lớp người trẻ chỉ dừng lại ở mức biết thổi khèn, còn người để biểu diễn thuần thục phục vụ các lễ hội, các dịp hiếu hỉ không nhiều - Trong ảnh: một động tác múa khèn Mông
Lớp người trẻ chỉ dừng lại ở mức biết thổi khèn, còn người để biểu diễn thuần thục phục vụ các lễ hội, các dịp hiếu hỉ không nhiều - Trong ảnh: một động tác múa khèn Mông

Nằm trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc, trong một số hoạt động lễ, hội của địa phương thì đã tổ chức múa khèn, ném pao, hát cự xia giao duyên, bắn nỏ, đánh gù, đẩy gậy, chọi bò… Song song đó, xã Tây Sơn cũng đã bước đầu mở được 1 cửa hàng, lập 3 nhóm hộ thêu đồ trang phục truyền thống của người Mông tại các bản Huồi Giảng 1,2,3.

Rất đáng mừng là cùng với nỗ lực của những cá nhân như ông Vừ Lầu Phổng, bà Lầu Y Mỷ, thì Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đưa ra mục tiêu thành lập Câu lạc bộ khèn sáo và Câu lạc bộ múa dân gian ở cộng đồng; vừa bảo tồn văn hoá truyền thống, vừa gắn với chủ trương phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. 

Theo lãnh đạo địa phương, đến nay mới phát triển thêm được 1 Câu lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật trình diễn dân gian trong Trường PTCS Dân tộc bán trú của xã; chưa thành lập được CLB Múa dân gian ở cộng đồng, bởi thiếu nhân lực vì thôn bản chỉ toàn người già và trẻ con trong khi thế hệ trẻ đi làm ăn xa. Thậm chí có một số thanh niên nữ dù đã được truyền dạy nhưng sau một thời gian lại đi lấy chồng ở bản khác nên mất nguồn.

Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng đau đáu: Tôi rất trăn trở khi lớp người trẻ chỉ dừng lại ở mức biết thổi khèn, còn người để biểu diễn thuần thục phục vụ các lễ hội, các dịp hiếu hỉ không nhiều. Cứ sợ nếu con trẻ không tiếp cận nghệ thuật dân gian của dân tộc thì sẽ ngày càng phải nhạt và biến mất.

Tin cùng chuyên mục
Xây dựng nông thôn mới ở Trà Vinh: Tạo “bệ đỡ” cho sản phẩm du lịch xanh

Xây dựng nông thôn mới ở Trà Vinh: Tạo “bệ đỡ” cho sản phẩm du lịch xanh

Với quan điểm “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”, Ban Chỉ đạo Nông thôn mới (NTM) tỉnh Trà Vinh đã chủ động tham mưu xây dựng và trình Tỉnh ủy phê duyệt Nghị quyết về xây dựng lộ trình để tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn NTM trước năm 2025. Là cơ quan tham mưu, chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch trình Ban Chỉ đạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã linh hoạt chọn ưu thế, tiềm năng về nông nghiệp để phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM, đặc biệt là du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.