Anh Sùng Mạnh Hùng quảng bá văn hóa, con người vùng caoAnh Sùng Mạnh Hùng (sinh năm 1992), dân tộc Mông, được biết đến là người khuấy đảo không khí âm nhạc sôi động về đêm tại phố cổ Đồng Văn, huyện Mèo vạc, tỉnh Hà Giang. Anh Hùng là chủ kênh TikTok “Hùng - Hà Giang” hiện có 6 triệu lượt thích và hơn 300.000 người theo dõi; các sản phẩm của anh trên nền tảng TikTok ghi lại những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, phiên chợ vùng cao đầy màu sắc và không khí đêm nhạc sôi động tại mỗi buổi giao lưu với khách du lịch.
Cũng từ các video được anh Hùng đăng tải, nhiều khách du lịch trên khắp mọi miền đã đến với Hà Giang để trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên, về văn hóa đồng bào các dân tộc và để hòa mình vào không khí vui nhộn trong những đêm nhạc đặc biệt. Tài khoản Facebook Tram Anh bày tỏ: Anh Hùng Mạnh xứng đáng là đại sứ du lịch Việt Nam nói chung, Hà Giang nói riêng. Tài khoản Nguyễn Quyên cũng bày tỏ, một hướng dẫn viên du lịch năng lượng, đầy nhiệt huyết, như thế này du khách lại muốn quay lại lần 2, lần 3 phải không bạn?…
Với những đóng góp thiết thực, hiệu quả, năm 2024, anh Sùng Mạnh Hùng được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác truyền thông lan tỏa hình ảnh Hà Giang trên môi trường số.
Tương tự, gia đình chị Vàng Thị Ly và anh Giàng A Dê đã khởi nghiệp rất thành công mô hình du lịch cộng đồng tại xã La Pán Tẩn, cũng là mô hình đầu tiên của Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Hiện Hello Mù Cang Chải có 8 bungalow, 1 homestay với 5 phòng, vận hành gần 20 tour du lịch trải nghiệm, du lịch kết hợp leo núi, dù lượn, tham quan bản làng, đi xe máy, bắt cá, làm ruộng…
Chị Vàng Thị Ly (bên trái) giới thiệu tới khách du lịch tour trải nghiệm vùng cao Mù Cang Chải.Theo chị Ly, thời điểm nào trong năm homstay của gia đình chị cũng đón được khách, thường vào dịp cuối tuần thì chật kín phòng. Khách du lịch đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, cho doanh thu của homestay mỗi năm đạt gần 800 triệu đồng.
Để có được thành công đó, hai vợ chồng anh chị đã tích cực quảng bá hình ảnh homestay của gia đình trên hầu hết các nền tảng không gian mạng. Chị Ly cười tươi: “Cứ là các trang wed, hội nhóm du lịch là chị đều tận dụng và đăng thông tin homestay mình lên như: Booking.com; tripadvisor.com.vn; amazingo.vn; các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo…”.
Chị Ly cho biết, việc áp dụng công nghệ số vào quảng bá du lịch là rất hiệu quả, giúp lượng khách đến với homestay của gia đình nói riêng và Mù Cang Chải nói chung ngày một đông hơn và đặc biệt, việc chốt đơn, chốt phòng, thanh toán cũng nhanh gọn hơn.
Trong thời đại công nghệ cao, việc ứng dụng công nghệ số là yếu tố then chốt để quảng bá du lịch hiệu quả, mà thanh niên có khả năng tiếp thu và phát huy công nghệ trong phục vụ phát triển du lịch.
Ngoài anh Sùng Mạnh Hùng ở Hà Giang, gia đình chị Vàng Thị Ly ở Yên Bái, tại vùng đồng bào DTTS hiện có rất nhiều thanh niên đã áp dụng nền tảng số để quáng bá du lịch hiệu quả như: Anh Rcom Bus, dân tộc Gia Rai, 22 tuổi, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai đã lập một fanpage cùng tên với hơn 12.000 lượt theo dõi, mang tới cho du khách hiểu rõ hơn về văn hóa, cảnh sắc thiên nhiên nơi Tây Nguyên đại ngàn; anh Hà Văn Luận, dân tộc Mường, trú Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ là một trong những thanh niên tiêu biểu trong phát triển du lịch cộng đồng, mỗi năm, homestay thu hút được khoảng 1.000 du khách trong nước và quốc tế, du khách biết đến dịch vụ homestay của anh Luận và danh thắng đồi chè Long Cốc chủ yếu qua các nền tảng xã hội Facebook, TikTok; anh Tráng A Chu, dân tộc Mông tiêu biểu cho mô hình du lịch cộng đồng tại bản Hua Tạt, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La có các clip đăng về homestay của gia đình trên TikTok, YouTube, Facebook… được nhiều du khách biết tới và lựa chọn.
Có thể thấy rằng, trong thời đại công nghệ cao, việc ứng dụng công nghệ số là yếu tố then chốt để quảng bá du lịch hiệu quả, mà thanh niên có khả năng tiếp thu và phát huy công nghệ trong phục vụ phát triển du lịch. Thanh niên DTTS đã chủ động hòa mình, là những tuyên truyền viên tích cực về du lịch trên nền tảng không gian số.