Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Trường Sa những điều không thể quên

PV - 09:03, 23/02/2018

Trung tuần tháng 5/2017, ước mơ một lần đến với Trường Sa của tôi đã được thực hiện khi được tham gia Đoàn công tác số 11, do Chuẩn Đô đốc Đoàn Văn Chiều, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân Việt Nam làm trưởng đoàn, đã đến thăm, động viên, tặng quà quân và dân trên các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Màu xanh trên đảo

Hơn 2 ngày đêm bồng bềnh trên biển, chúng tôi đã đặt chân đến đảo Song Tử Tây, một trong những hòn đảo xa nhất của cuộc hành trình. Một hòn đảo với cây xanh rợp mát, xinh xắn. Điều khiến chúng tôi ngỡ ngàng hơn là sự ngăn nắp, sạch sẽ và quy củ của chiến sĩ và các hộ dân trên đảo.

Các em bé trên Song Tử Tây sà vào lòng chúng tôi như thân thiết tự bao giờ, đồng thanh bi bô bài thơ “quê em ở Trường Sa” đầy xúc động: “... Mỗi bước em đến trường/Phong ba rợp bóng mát/Chú hải quân đứng gác/Thân thương quá đi thôi”.

Giờ học của học sinh đảo Song Tử Tây. Giờ học của học sinh đảo Song Tử Tây.

 

Những vườn rau xanh trồng cải, mướp, bầu bí, mồng tơi... là những thứ rau đặc trưng trên tất cả các đảo, điểm đảo mà chúng tôi đến. Rau xanh là một thực phẩm quý giá của đảo.

Đất đảo khô cằn chỉ có thể nuôi sống những cây chịu đựng được thời tiết khô hạn khắc nghiệt kéo dài như cây phong ba, bão táp, bàng vuông.... Từng bao đất, từng hạt giống mang từ đất liền vào được các chiến sĩ, người dân trên đảo nâng niu ươm trồng, chăm sóc.

Các vật nuôi như lợn, gà... được các chiến sĩ, người dân nuôi tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống.

Đảo không còn xa lạ, không còn khô cằn. Tất cả đều khoác lên màu xanh của sự sống mãnh liệt, màu xanh của niềm tin vào chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà các anh đang ngày đêm bảo vệ, canh giữ.

Nếu ở các đảo nổi như Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca... có diện tích rộng lớn, có những điều kiện hơn cho việc chăn nuôi, trồng trọt, thì ở các đảo chìm như Đá Thị, Đát Lát, Đá Nam, Len Đao... diện tích chật hẹp, các vườn rau xanh và nguồn nước ngọt sinh hoạt của các chiến sĩ trên đảo phải khéo léo tận dụng, chắt chiu.

Tất cả nước sinh hoạt trên đảo chủ yếu dựa vào nguồn nước mưa. Bởi thế, mọi thực phẩm trên các đảo chìm được tiết kiệm và sử dụng khéo léo để các chiến sĩ đều đảm bảo thể lực tốt, rèn luyện sức khỏe, đáp ứng các yêu cầu huấn luyện, tác chiến thường xuyên hằng ngày trên đảo.

Không dừng lại việc huấn luyện, bảo vệ, giám sát hoạt động trên vùng biển chủ quyền mà các chiến sĩ trên đảo còn phải hỗ trợ ngư dân khi đánh bắt, khi gặp khó khăn như, tránh bão, khám sức khỏe, cấp thuốc, nước ngọt...

Những thầy thuốc ở Trường Sa

Theo hồ sơ bệnh án, ngư dân Nguyễn Hoàng Điệp, 22 tuổi, quê Bình Thuận đã được các bạn thuyền đưa vào đảo trong tình trạng suy kiệt. Sau khi sơ khám ngay khi tàu vừa cập đảo, các thầy thuốc đảo Trường Sa Đông nhận thấy có dấu hiệu cấp cứu ngoại khoa, triệu chứng của bệnh viêm ruột thừa, đã đưa vào bệnh xá theo dõi và kịp thời chỉ định phẫu thuật.

Ca mổ tiến hành thành công sau 55 phút. Bệnh nhân lưu trú 8 ngày trên đảo được xuất viện. Toàn bộ chi phí được cán bộ chiến sĩ Đảo Trường Sa Đông hỗ trợ miễn phí. Đây chỉ là một trong hàng trăm trường hợp ngư dân phải cấp cứu và tiến hành phẫu thuật ngay trên đảo.

Thiếu tá, BSCKI Phạm Tuấn Vũ, Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa Đông chia sẻ: Ngư dân thường chủ quan với bệnh tật, lại có thói quen tự ý mua thuốc dùng, vậy nên khi bệnh tật bùng phát, trong tình trạng nặng thì mới ghé vào đảo xin trợ giúp. Đối với những ngư dân mắc các bệnh lý cấp cứu, “thời điểm vàng” để xử lý là rất quan trọng giữa mênh mông biển nước như thế này.

Mỗi thầy thuốc trên đảo đều phải khám, xử lý đa dạng các bệnh, mức độ từ nhẹ đến nặng. Trong khi đó, trang thiết bị ở tất cả các cơ sở y tế trên đảo lại rất thô sơ, thiếu thốn. Một bệnh xá được xem là lớn như ở đảo Sinh Tồn, đảo Sơn Ca hay ở Trường Sa Đông ngoài thuốc men, bộ dụng cụ phẫu thuật đơn giản, thì những thiết bị y tế quan trọng như máy siêu âm, xét nghiệm máu là những đòi hỏi xa vời!

Dù vậy, những chiến sĩ thầy thuốc trên các đảo khắc phục mọi thiếu khó để đảm bảo các điều kiện chăm sóc y tế tốt nhất có thể.

Nhiều đảo trồng thêm vườn cây thuốc Nam, tăng cường công tác y tế dự phòng, làm sạch môi trường sinh sống, kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên cho các chiến sĩ và người dân để phát hiện sớm bệnh tật, có phương án xử trí, điều trị sớm...

Biển Đông là không gian sinh tồn của dân tộc

Trường Sa giờ đã bớt khó khăn, thiếu thốn hơn xưa nhờ sự quan tâm của đất liền với đảo. Nhưng những khó khăn từ vật chất và tinh thần vẫn hiện hữu. Đặc biệt, tình cảm của những người con xa quê hương luôn ngóng về quê mẹ.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Trần Văn Cấp, thủy thủ trưởng của tàu Đá Tây 06 thuộc Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá trên Đảo Đá Tây tâm sự: Anh đã ra đảo Đá Tây từ năm 2011 và gắn bó từ đó. Cuộc sống trên biển anh đã quen và ngày càng không thể rời đảo, rời tàu.

Thường 3 tháng hoặc lâu hơn anh Cấp mới về thăm nhà. Không chỉ anh Cấp mà nhiều đồng chí, đồng đội anh cũng luôn xác định tâm nguyện “đảo là nhà, biển cả là quê hương”.

Còn những chiến sĩ hải quân vượt qua mọi gian khó, ngày đêm nơi đầu sóng ngọn gió như, Thiếu tá Lê Hữu Nhuần, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/7 đã khẳng định: mọi lúc, mọi nơi chúng tôi và đồng đội luôn sẵn sàng hy sinh quên mình để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền của Tổ quốc.

Vượt sóng để mang những tình cảm của đất liền đến với các anh, và điều chúng tôi nhận lại chính là niềm tin, sự quả cảm của các anh mang lại.

Có lẽ, đối với các anh, những giây phút chia tay chỉ biết thốt lên hai từ: cảm phục!

Người Việt Nam tự hào về các anh, những người con kiên cường, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Các anh tiếp tục truyền cảm hứng yêu nước, giúp chúng tôi nhận thức sâu sắc hơn bài học chủ quyền thiêng liêng mà qua bao thế hệ vun đắp, bảo vệ, gìn giữ.

Giữa biển khơi, trên hành trình trở về đất liền, chúng tôi càng thấm thía hơn mỗi khi nói: biển đảo quê hương là không gian sinh tồn của dân tộc Việt Nam!

VƯƠNG MINH