Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Trưng bày "Đứng lên và Cất tiếng" tại di tích Nhà tù Hỏa Lò

Nguyệt Anh - 18:06, 18/05/2022

Trưng bày "Đứng lên và Cất tiếng" chính thức ra mắt sáng 18/5 và kéo dài đến hết ngày 31/12/2022 tại di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Những tấm gương nhà báo - liệt sĩ Việt Nam thu hút công chúng tham quan, tìm hiểu
Những tấm gương nhà báo - liệt sĩ Việt Nam thu hút công chúng tham quan, tìm hiểu

Trưng bày “Đứng lên và Cất tiếng” là hoạt động hướng tới kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022), 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022).

Trưng bày “Đứng lên và cất tiếng” điểm lại những dấu ấn của báo chí cách mạng Việt Nam qua 97 năm hình thành và phát triển. Trên chặng đường vẻ vang nhưng cũng đầy thăng trầm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người cũng là một nhà báo lỗi lạc, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp báo chí cách mạng nước nhà. Những lời dạy của Người đã trở thành bài học giá trị để báo chí cách mạng Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc. Học tập và làm theo lời Bác, các nhà báo - chiến sĩ, dù ở nơi ngục tù tăm tối hay chiến trường khốc liệt, luôn dùng ngòi bút làm “vũ khí mềm” để đấu tranh và cất cao tiếng nói dân tộc.

Trưng bày gồm hai phần nội dung: “Tiếng nói dân tộc” và “Vì nước dấn thân, vì dân cất tiếng”. Trong đó “Tiếng nói dân tộc” điểm lại những mốc son lịch sử trên chặng đường 97 năm hình thành và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng đầu tiên vào ngày 21/6/1925, với tâm niệm viết báo là để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Hoạt cảnh về chế độ lao tù hà khắc tại Nhà tù Hỏa Lò.
Hoạt cảnh về chế độ lao tù hà khắc tại Nhà tù Hỏa Lò.

Phần "Vì nước dấn thân, vì dân cất tiếng" kể những câu chuyện về các nhà báo, chiến sỹ can trường trên chiến trường khốc liệt. Trong phạm vi trưng bày giới thiệu 10 tấm gương nhà báo, liệt sỹ tới công chúng như Nhà báo - liệt sỹ Trần Mai Ninh, Nhà báo - liệt sỹ Trần Kim Xuyến, Nhà báo, liệt sỹ - Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Đình Dư…

Tại lễ khai mạc Triển lãm, các đại biểu và công chúng đã cùng xem hoạt cảnh về quá trình “xuất bản” và “phát hành” những tờ báo đặc biệt sau song sắt tại Nhà tù Hỏa Lò; gặp gỡ các nhân chứng lịch sử là các nhà báo chiến trường năm xưa như: Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành; nhà báo Trần Hồng; nhà báo Trịnh Hải; đại diện gia đình nhà báo liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng, nhà báo chiến trường Chu Quang Tuấn...