Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Triển khai chính sách dân tộc ở Đắk Nông: Nhìn từ kết quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS

Hoàng Thùy - Nguyên Dương - 18:03, 12/08/2024

Song song với việc thực hiện các chương trình, chính sách của Trung ương, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều chính sách đặc thù đối với đồng bào DTTS. Thực hiện hiệu quả công tác dân tộc (CTDT), chính sách dân tộc (CSDT) không chỉ làm thay đổi diện mạo buôn làng, mà còn giúp đồng bào DTTS giảm nghèo bền vững.

Vùng đồng bào DTTS huyện Đắk Glong ngày càng phát triển
Vùng đồng bào DTTS huyện Đắk Glong ngày càng phát triển

Trao cần câu cho đồng bào DTTS

Đắk Glong là huyện nghèo của tỉnh Đắk Nông, với 70% đồng bào DTTS sinh sống. Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện Đắk Glong được phân bổ kinh phí 364 tỷ đồng. Huyện tập trung hỗ trợ hộ nghèo DTTS về sinh kế, nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm,…

Theo báo cáo, năm 2021 toàn tỉnh Đắk Nông có 11,19% hộ nghèo, trong đó đồng bào DTTS tại chỗ chiếm 32,81%. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh giảm còn 5,1%, hộ nghèo DTTS 13,21%, hộ nghèo DTTS tại chỗ 16%, giảm 8,1%, vượt chỉ tiêu đề ra. Đắk Nông trở thành tỉnh đứng đầu khu vực Tây Nguyên về công tác giảm nghèo.

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, gia đình chị H’Na Sốp, dân tộc Mạ, ở bon Sa Ú Dru, xã Quảng Khê được hỗ trợ 16 triệu đồng mua dê giống. Bên cạnh đó, địa phương còn tạo điều kiện cho chị vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để làm chuồng trại, đầu tư chăm sóc cây trồng. Chị H’Na Sốp cho biết: Vừa phát triển chăn nuôi, vừa đầu tư chăm sóc cây trồng bài bản giúp năng suất cao hơn, thu nhập của gia đình ngày càng cải thiện. Từ hộ nghèo, vươn lên cận nghèo, năm 2023 gia đình tôi đã thoát nghèo.

Huyện biên giới Tuy Đức có 23 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 43,66%. Sinh kế chính phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Cùng với sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã nỗ lực vươn lên.

Điển hình như gia đình ông Điểu Đắk ở bon Bu Prăng là hộ nghèo lâu năm của xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Mấy năm trước, gia đình ông được hỗ trợ 300 cây giống mắc ca và được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đến nay vườn cây đã cho thu hoạch ổn định, gia đình ông đã có nguồn thu nhập khá từ cây mắc ca.

Ông Điểu Đắk chia sẻ: Gia đình có đất sản xuất nhưng không biết cách chuyển đổi cây trồng phù hợp và thiếu vốn đầu tư nên mãi không thoát được hộ nghèo. Mấy năm trước, được Nhà nước hỗ trợ cây mắc ca và cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng bệnh cho cây, vườn mắc ca đã mang lại thu nhập chính cho gia đình. Cây mắc ca đã giúp gia đình tôi và nhiều hộ dân khác trong bon thoát nghèo.

Được hỗ trợ cây giống phát triển kinh tế, đồng bào DTTS huyện Đắk Glong từng bước thoát nghèo
Được hỗ trợ cây giống phát triển kinh tế, đồng bào DTTS huyện Đắk Glong từng bước thoát nghèo

Thúc đẩy giảm nghèo hiệu quả

Xác định CTDT và thực hiện CSDT có tầm quan trọng trong phát triển chung của tỉnh, những năm qua tỉnh Đắk Nông tập trung triển khai các dự án, chương trình, chính sách vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt là công tác giảm nghèo, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có những cách làm phù hợp điều kiện từng xã, thôn, buôn, thậm chí đến từng hộ dân.

Ông Trần Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức chia sẻ: Trên cơ sở phân tích nguyên nhân và tìm giải pháp hỗ trợ phù hợp, huyện huy động nguồn lực đầu tư từ nhiều chương trình, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế. Huyện Tuy Đức nghiên cứu điều kiện từng hộ dân, từng bon, từng xã để có phương án hỗ trợ, nâng cao mức sống, thu nhập cho người nghèo, phấn đấu thoát khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước.

Tập trung giúp đồng bào DTTS nghèo, các bon đặc biệt khó khăn, kết quả giảm nghèo hằng năm huyện Tuy Đức đều đạt và vượt kế hoạch. Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện còn 18,78%, hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ còn 31,39% hộ nghèo toàn huyện. Năm 2024, huyện Tuy Đức đặt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm 3% trở lên, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm 5% trở lên.

Tại huyện Đắk Glong, thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG 1719, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Đắk Glong giảm mạnh. Năm 2023, hộ nghèo toàn huyện còn 13,44% giảm 12%, cao gấp đôi so với kế hoạch. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 6%.

Có thể khẳng định, nhờ có các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên làm giàu.