Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Trí thức Việt Kiều đóng góp cho quê hương

PV - 15:52, 13/02/2019

Cách đây đúng một năm, dịp Xuân Quê hương 2018, tôi gặp Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, kiều bào ở Canada đã về nước đầu tư kinh doanh nhiều năm qua. Tôi ấn tượng ngay trong lần đầu gặp mặt với cách ông say sưa kể về các dự án nông nghiệp công nghệ cao ông đang thực hiện tại Trà Vinh và một số địa phương.

Trong túi ông lúc nào cũng có ba điện thoại, vừa nói chuyện ông vừa trình diễn trên điện thoại cách đo độ mặn của nước sông Cổ Chiên tại Trà Vinh- quê hương ông, cách điều khiển tưới tiêu ở Thái Bình-quê vợ ông và đồng hồ nước thông minh thông qua các phần mềm do công ty của ông chế tạo. Quyết định về nước khởi nghiệp ở tuổi 60, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ mong ước được góp phần cải thiện đời sống cho bà con nông dân tại quê hương mình.

Công ty RYNAN Technologies của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ tại Trà Vinh thu hút hàng trăm kỹ sư công nghệ trẻ, tập trung nghiên cứu, sản xuất phân bón thông minh, phần mềm thông minh đo độ mặn của nước, điều khiển tưới tiêu và đánh giá ô nhiễm môi trường. Công nghệ mới này được áp dụng tại Trà Vinh, Đồng Tháp và Thái Bình đã giúp vực dậy nền nông nghiệp của các tỉnh bị nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Doanh nhân, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ bên mô hình theo dõi lưu lượng nước trên sông Cổ Chiên tại Trà Vinh. Doanh nhân, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ bên mô hình theo dõi lưu lượng nước trên sông Cổ Chiên tại Trà Vinh.

Một cái tên khác có thể kể đến là John Trần. Rời ánh hào quang của ngành tài chính mà nhiều người mong ước, John Trần từ Mỹ về Việt Nam, dấn thân vào con đường làm nông nghiệp thông minh với suy nghĩ có thể giúp người dân thay đổi tư duy làm nông nghiệp và tiếp cận với các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn tuyệt đối. Hiện, GreeOx-công ty nông nghiệp-công nghệ của anh tại TP. Hồ Chí Minh cung cấp mô hình trồng rau trong thùng container, vẫn được gọi là những “vườn rau di động”. Không cần đất, không cần ánh sáng mặt trời và có thể tái sử dụng nguồn nước tưới đến 90%, mô hình này cho thấy một hình thức canh tác hoàn toàn mới, được người tiêu dùng đón nhận.

Hay như ông Lương Thanh Văn và Tập đoàn Thủy sản Việt Úc (Viet Uc Seafood) với khát vọng “Nâng tầm tôm Việt”. Từ cơ sở ban đầu tại Bình Thuận năm 2001, đến nay, Tập đoàn đã phát triển lên 9 cơ sở nuôi, sản xuất tôm giống trải dài từ Bắc vào Nam, cung cấp 25% số lượng tôm giống cho cả nước. Cuối năm 2017 đã trở thành công ty duy nhất ở Việt Nam nghiên cứu sản xuất thành công tôm giống bố mẹ.

Còn Daniel Nguyễn Hoài Tiến, bạn trẻ gốc Việt được sinh ra và lớn lên ở Mỹ, cũng quyết định trở về, gắn bó với quê hương. Từ một người không am hiểu về Việt Nam và tiếng Việt, nhờ tình cảm của đồng bào, chàng trai sinh năm 1988 ngày càng yêu mến, đầu tư học tiếng Việt và khám phá cuộc sống quê nhà. Hoài Tiến đang triển khai nhiều dự án đem lại lợi ích cho người DTTS, trong đó có chuỗi dây chuyền đóng gói bao bì và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm mang yếu tố dân tộc, văn hóa.

Theo thống kê không chính thức, đội ngũ chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài có trên 500.000 người. Hàng năm, hơn 300 lượt người thường xuyên về nước cộng tác với các Bộ, ngành, địa phương.

Để phát huy nguồn lực trí thức KHCN, những năm qua, Uỷ ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đã tích cực đồng hành cùng kiều bào tổ chức nhiều hoạt động thiết thực.

Tiêu biểu là Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 (tháng 8/2018) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Ngoại giao, cùng các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức. Sự kiện quy tụ 100 trí thức, chuyên gia và nhà khoa học Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, đến từ nhiều lĩnh vực: trí tuệ nhân tạo, robot, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, sinh học, y tế... Các nhà khoa học đã đưa ra những ý kiến, đề xuất đầy tâm huyết với Lãnh đạo Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương. Đây là sự kiện rất có ý nghĩa, giúp phát huy tối đa nguồn lực chất xám, đặc biệt từ các chuyên gia NVNONN, khơi nguồn cảm hứng và tạo sự liên kết mới từ những tinh hoa KHCN trong và ngoài nước.

Các diễn đàn, hội thảo đã tạo sự gắn kết giữa kiều bào với quê hương, tạo cơ hội để kiều bào ở các nước và khu vực giao lưu, hiến kế, chia sẻ kinh nghiệm phát triển của các nước, cung cấp thông tin tham khảo có giá trị cho các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp trong nước...

Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đề xuất, thời gian tới, cần đưa mạng lưới chuyên gia KHCN là NVNONN đi vào hoạt động thực chất, hiệu quả; xác định các lĩnh vực KHCN ưu tiên thu hút chuyên gia; xây dựng cơ chế chính sách mới phù hợp, có chính sách đãi ngộ tương xứng, tạo môi trường thuận lợi để trí thức KHCN về nước làm việc có thể hợp tác, hòa nhập với các đồng nghiệp trong nước...

LƯƠNG THANH NGHỊ