Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Trên cung đường xuyên Á, xuyên Việt

Thanh Nguyễn - 10:38, 03/05/2021

Nếu có dịp đi qua các tỉnh Bắc Trung Bộ, chúng ta cảm nhận rất rõ sự đổi thay đến không ngờ. Trên các cung đường chiến lược xuyên Việt, xuyên Á đã mọc lên những đô thị, bản làng sầm uất; những mô hình kinh tế với đồi sắn, nương chè và cả những nhà máy, công xưởng rộn rã ngày đêm. Nhưng, bấy nhiêu vẫn chưa thể xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng đất này.

Một góc huyện miền núi Anh Sơn (Nghệ An).
Một góc huyện miền núi Anh Sơn (Nghệ An).

Tất cả các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ đều giáp với nước bạn Lào, có cửa khẩu thông thương sầm uất. Con đường dẫn đến các cửa khẩu đều là những quốc lộ chiến lược quan trọng. Những Lao Bảo, Cha Lo hay cầu Treo, Nậm Cắn… mới chỉ được nhắc đến thôi đã khiến người nghe nghĩ ngay đến kim ngạch tăng trưởng ấn tượng, những khu biên mậu nhộn nhịp. Rồi, con đường xuyên Việt – Đường Hồ Chí Minh vắt qua 6 tỉnh như dải lụa mềm chạy dưới những tán rừng già, kết nối nhiều vùng, miền nơi cực Tây giáp biên.

Dẫu là người khó tính nhất thì vẫn phải có niềm tin rằng, bộ mặt miền núi, vùng DTTS nơi đây đã thay đổi cơ bản nhờ “hiệu ứng” tích cực từ địa thế vùng đất nơi có những cung đường xuyên Á, xuyên Việt đi qua.

Cả vùng đất đỏ bazan vùng Phủ Quỳ (Nghĩa Đàn, Nghệ An), nơi có cộng đồng người Thái, người Thổ sinh sống đã trở nên nhộn nhịp, sầm uất hơn kể từ khi các dự án của tập đoàn TH vào đầu tư. Những cánh đồng cỏ bất tận, những cánh đồng hoa hướng dương vàng ươm… làm thức ăn cho bò sữa đến những nông trại với hàng ngàn con bò, những khu nhà máy chế biến sữa, chế biến rau quả… đã biến khu vực này trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế đầy tiềm năng của xứ Nghệ.

Trên hành trình xuôi vào phương Nam, thị trấn Phố Châu (Hà Tĩnh) đã khiến khách hành hương bất ngờ về sự đổi thay đến không ngờ. Nằm trên cung đường 8 giao cắt với đường Hồ Chí Minh, vùng miền núi phía Bắc Hà Tĩnh đã có thêm cơ hội để chuyển mình. Chẳng biết từ bao giờ, từ thị trấn Phố Châu ngược theo đường 8 lên cửa khẩu cầu Treo luôn tấp nập những chuyến xe tải hạng nặng ngược xuôi. Dù mới chỉ là hàng quá cảnh nhưng cũng đã mang về nhiều nguồn lợi đáng kể từ các dịch vụ “ăn theo”.

Một góc bản Dộ ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) nơi có cộng đồng người Chứt sinh sống vẫn còn nhiều khó khăn.
Một góc bản Dộ ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) nơi có cộng đồng người Chứt sinh sống vẫn còn nhiều khó khăn.

Còn đất lửa Quảng Trị cũng đã có một diện mạo không ngờ. Trên cung đường 9 chiến lược hay đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, nhánh Đông đã hiện hữu nhiều đô thị sầm uất. Tôi đã đi qua tất cả các đường 7, 8, 12, 9 ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Điều cảm nhận rõ là sự tấp nập, nhộn nhịp, sầm uất, năng động tăng lên theo thứ tự ấy. “Ăn theo” sự nhộn nhịp của cửa khẩu Lao Bảo, cuộc sống đồng bào Pa Cô, Vân Kiều ở các huyện phía Tây Quảng Trị ngày một đổi thay, khấm khá. Trong số các địa phương khu vực miền núi và vùng đồng bào DTTS, Quảng Trị là một trong những tỉnh có cửa khẩu sầm uất bậc nhất Bắc miền Trung với những đô thị “vàng” Lao Bảo, “thiên đường” đáng sống ở Khe Sanh.

Từ những nỗ lực lớn của các cấp chính quyền, hầu hết tất cả các xã nơi miền núi, vùng DTTS đây đã có đường giao thông thuận lợi, xe ô tô đã vào đến tận trung tâm xã. Có đường, có điện… đã mở mang phát triển kinh tế, nhận thức của đồng bào ngày càng được nâng lên, con trẻ được đến trường học chữ…

Cũng nhờ kết cấu hạ tầng được tăng cường nên sản xuất của vùng đồng bào DTTS có bước phát triển khá hơn trước, nhất là sản xuất nông, lâm nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Một bộ phận đồng bào đã chuyển đổi tập quán từ sản xuất nương rẫy sang sản xuất thâm canh lúa nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn đồi với các loại cây có giá trị như: Chè, cà phê, cao su, chanh leo… và đã xuất hiện nhiều tỷ phú chăn nuôi bò, dê và làm rẫy của cộng đồng người Mông bản Huồi Cọ, xã Mai Sơn huyện Tương Dương (Nghệ An). Chạy xe trên những cung đường xuyên Á lên các huyện miền Tây ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…, người ngoại tỉnh sẽ choáng ngợp trước những đổi thay của các xã dọc hai bên đường; choáng ngợp trước những trung tâm kinh tế đang hiện diện, kết nối chặt chẽ các vùng, miền. Xuất phát từ Nghệ An, anh bạn đồng nghiệp cứ mãi tấm tắc rằng: Hình như càng đi vào các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, tốc độ phát triển và sự nhộn nhịp của khu vực miền núi càng rõ nét hơn. Còn tôi lại nghĩ rằng, phải chăng, đó là sự ảnh hưởng của những con đường “xương sống” như đường xuyên Á, xuyên Việt làm nên?