Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tre nứa Ba Tơ rộn tiếng rừng

Minh Ngọc - Phạm Tiệp - 07:19, 02/05/2021

Mang tiếng lòng thổi vào tre nứa, cho tre nứa chở hồn dân tộc đi muôn nơi, già làng ở Ba Tơ đã làm được điều ít người có thể làm.

Già làng Phạm Văn Sự biểu diễn nhạc cụ dân tộc Hrê
Già làng Phạm Văn Sự biểu diễn nhạc cụ dân tộc Hrê

Dùng nhạc cụ làm liên lạc cho cách mạng

Đồng bào dân tộc Hrê sinh sống ở vùng phía Tây Quảng Ngãi, có bản sắc văn hóa khá đa dạng và còn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa giá trị, trong đó nổi bật về âm nhạc dân gian. Người có công khôi phục lại âm nhạc truyền thống của người Hrê là Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Sự.

Giữa lúc nhịp sống hối hả đổi thay từng ngày, những làn điệu, nhạc cụ dân tộc của đồng bào vùng cao dần mai một, thì già Phạm Văn Sự ở thôn Nước Lui, xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) vẫn một lòng gìn giữ những giai điệu truyền thống của dân tộc mình.

Già làng Phạm Văn Sự có dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt sáng, trong và nụ cười hồn nhiên, đôn hậu. Nụ cười của già khiến bất cứ ai, dù mới gặp lần đầu, đều cảm thấy gần gũi, thân thiện. Già kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của già với hơn 82 mùa rẫy, cũng bằng nụ cười ấy.

Năm 13 tuổi, già đã chơi thành thạo các loại nhạc cụ, như: Proot, Rơdong, đàn môi, Karau, sáo Talia và cả cồng chiêng. Năm 18 tuổi, già thoát ly gia đình theo cách mạng ở núi Cao Muôn. Già kể, thời điểm này chiến tranh ác liệt lắm, lực lượng chống đối cách mạng và bè lũ tay sai bán nước đã dùng mọi âm mưu mua chuộc dân làng theo chúng, chống lại cách mạng. Lúc này già được tổ chức giao nhiệm vụ vừa làm liên lạc cho cách mạng, vừa tìm cách tuyên truyền cho bà con hiểu và theo cách mạng. Trong những lần sinh hoạt cùng với bà con, già đã chơi các loại đàn của dân tộc mình để kêu gọi bà con về với cách mạng. Rồi già bị địch phát hiện, bị bắt đi tù ở nhà lao Quảng Ngãi. Khi hòa bình lập lại, trở về địa phương, già tiếp tục theo cách mạng và dạy các loại nhạc cụ cho rất nhiều người ở xã Ba Vinh.

Khi ấy, Đảng, Chính phủ khuyến khích khôi phục văn hóa truyền thống, già mới bắt đầu lại việc chế tác. Nhưng làm sao âm thanh lại đạt chuẩn như thế? Già bảo là do kinh nghiệm, đầu óc phải suy nghĩ thôi. Nếu không có đôi tay khéo léo và năng khiếu thì không làm được.

Thời điểm ấy, già Sự được chính quyền xã Ba Vinh giao nhiệm vụ làm Trưởng Ban Văn hóa xã. Với nhiệm vụ và khả năng của mình, già Sự được chính quyền xã Ba Vinh và huyện Ba Tơ đưa đi tham gia nhiều hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng ở huyện và tỉnh, cả Trung ương để phục vụ Nhân dân.

Già Phạm Văn Sự dạy cách chơi đàn Vinh vút
Già Phạm Văn Sự dạy cách chơi đàn Vinh vút

Giữ cho con cháu sau này

Với tình yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình, già Phạm Văn Sự không chỉ giỏi sử dụng các loại nhạc cụ, mà còn chế tác được rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau, như Proot, Rơdong, đàn môi, Karau, sáo Talia, chỉnh chiêng. Già Phạm Văn Sự hào hứng giới thiệu những nhạc cụ do mình chế tác: “Đây là Proot, Rơdong, đàn môi này, Karau, sáo Talia này. Có nhiều cái chế tác lâu và khó lắm, phải cả tháng mới xong. Cái này là mình mới làm, tên là Rơdong, để chơi khi phụ nữ, trai gái cùng đan lát, dệt thổ cẩm, thổi cho vui”, già Sự chia sẻ.

Đối với người dân địa phương, già Phạm Văn Sự là già làng, là người được nhân dân vô cùng yêu mến và kính trọng. Già nói gì bà con cũng nghe. Đối với du khách hay các nhà nghiên cứu văn hóa, già là cái tên được nhắc đến đầu tiên, là điểm đến đầu tiên khi họ đến địa phương này để tìm hiểu về văn hóa dân tộc Hrê. Giống như chiếc “cầu nối” văn hóa, già am hiểu tường tận các phong tục tập quán và những nét văn hóa độc đáo của người Hrê. Già mang bản sắc văn hóa của dân tộc Hrê giới thiệu với du khách khắp nơi trong nước và quốc tế. Vì vậy, người ta gọi già là “Người giữ hồn dân tộc”.

Nói về Nghệ nhân Phạm Văn Sự, ông Cao Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Ba Vinh cho biết: “Già Sự có công rất lớn trong việc lưu giữ và truyền dạy lại các loại hình nhạc cụ mang bản sắc riêng của dân tộc Hrê. Ngoài ra, già còn là Người có uy tín và gương mẫu để mọi người trong thôn cũng như trong xã học tập và làm theo”.

Ở tuổi “bát thập” già Sự vẫn nhanh nhẹn như con chim rừng. Già vẫn cùng Đoàn nghệ nhân của làng đi biểu diễn khắp nơi trong cả nước. Với vai trò là già làng, già Sự thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con, đặc biệt là thế hệ trẻ phải biết yêu quý vốn văn hóa của dân tộc, bảo tồn, lưu giữ và tiếp nối công tác truyền dạy cho thế hệ sau. Già cùng với một số nghệ nhân lớn tuổi trong làng đã tổ chức hướng dẫn, truyền dạy cho bao nhiêu thế hệ trẻ, những thanh, thiếu niên trong làng về kỹ thuật đánh cồng chiêng, kỹ thuật chế tác nhạc cụ.

Và, điều già Sự mong muốn nhất chính là ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa cho người Hrê. Già là người duy nhất biết làm được hàng chục loại nhạc cụ và đã truyền nghề cho nhiều thanh niên trong làng và cả chính con trai già. Già Sự đã động viên con mình là Phạm Văn Dôn chơi đàn, gõ túc chiêng và hát những bài dân ca.

Không chỉ là “con chim đầu đàn” của Nước Lui, già còn là người tiếp lửa cho các nghệ nhân. Nhiệt huyết của già Sự đối với văn hóa dân tộc Hrê giống như ngọn lửa đêm xoang vậy, cứ bập bùng cháy mãi, sáng mãi... Với những cống hiến của mình, năm 2005, già được Sở Văn hóa Thể thao tỉnh tặng Giấy khen; năm 2008 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Và mới đây nhất, già vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.