Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Trăn trở trước nguy cơ mai một nghệ thuật hát giao duyên của người Dao

Long Vũ - 08:35, 09/12/2021

Người Dao Thanh Y xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã sinh sống ở vùng đất dưới chân núi Yên Tử hằng trăm năm qua. Bên cạnh những nét văn hóa rất phong phú và đặc sắc như: Lễ cấp sắc, lễ mừng cơm mới, lễ mừng tân gia…, người Dao Thanh Y nơi đây còn bảo lưu nhiều nét đẹp văn hóa, trong đó có lối hát đối đáp đầy tình tứ.

Nghệ nhân Triệu Thị Xinh (thứ 3 từ trái sang) truyền dạy hát đối đáp cho thế hệ trẻ trong làng
Nghệ nhân Triệu Thị Xinh (thứ 3 từ trái sang) truyền dạy hát đối đáp cho thế hệ trẻ trong làng

Câu hát tìm người thương

Những làn điệu hát giao duyên từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc riêng có của người Dao Thanh Y ở thôn Khe Sú xã Thượng Y Công, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Đây là lối hát đối đáp giữa nam với nữ đậm chất dân gian, được người Dao Thanh Y sử dụng trong nhiều dịp cưới hỏi, lễ cấp sắc, hội làng cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Trong các sự kiện trọng đại như vậy, hát giao duyên được ví như cơi trầu mở đầu câu chuyện và thường có lời sẵn theo những nguyên tắc nhất định, không thể xê dịch.

Lời ca của hát giao duyên gồm có 7 chữ, thường được gọi là “Thất ngôn trường thiên”, cũng có khi xen câu tứ ngôn, ngũ ngôn, thể hiện được sự giàu đẹp, hấp dẫn của ngôn ngữ Dao. Giá trị văn hóa của hát đối giao duyên chính là định hướng giáo dục con người hiểu biết cội nguồn dân tộc, quê hương, gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Người Dao Thanh Y cũng có thể hát giao duyên bất cứ lúc nào, khi lên nương, đi hội, hay đơn giản là những câu chào hỏi thường ngày được người Dao Thanh Y sáng tạo thành những câu hát giao duyên dễ đi vào lòng người. Lời ca trong hát giao duyên của người Dao Thanh Y thường mộc mạc, giản dị nhưng lại ẩn chứa nhiều ý tứ, nhất là khi trai gái hát giao duyên tìm bạn. Những câu hát giao duyên ngọt ngào dẫn lối trái tim của các chàng trai, cô gái người dân tộc Dao Thanh Y. Để rồi từ đó, nhiều chuyện tình được kết trái ngọt trăm năm.. Có thể nói, đây là nội dung hay thú vị nhất trong hát dao duyên của người Dao Thanh Y. Từ nội dung này, trên các nền các giai điệu truyền thống, các cô gái sẽ cảm nhận được sự thông minh, dí dỏm qua sự ứng tác của các chàng trai và có tể đối đáp lại một cách ý tứ, sắc sảo.

Chàng trai: Mặt trời đã chiếu ngang sườn núi/ Em ngồi ở đó, em đợi ai/ Anh đến rủ em cùng lên núi hái cây thuốc về cứu muôn dân. Cô gái: Em ngồi em đợi anh lên núi/ Hái lá thuốc về để cứu người/ Xóm làng mạnh khỏe vui cày cấy, dựng xây làng bản mãi yên vui.

Trước mỗi câu hát giao duyên, người Dao Thanh Y thường hò đệm ngân dài, da diết, trầm bổng, nghe say đắm lòng người. Sau đó là lời tâm tình, thủ thỉ. Chàng trai nắm tay cô gái và hát: Hai bên tình hòa hợp một ý/ Ước định ngàn năm chẳng lừa nhau/ Nếu là duyên do trời ban định/ Hai bên đầu cầu thuận một lòng.

Các cung bậc tình cảm diễn ra nhẹ nhàng, đa dạng, song điều làm cho người nghe thấy day dứt nhất chính là lời trai gái chia tay: Quay chân lui bước nước mắt rơi/ Chẳng biết khi nào mới gặp gỡ/ Gặp gỡ một lần nhớ vạn lần/ Mong khi hội ngộ vẫn duyên này/ Nhàn rỗi một mình lòng chẳng vui/ Ra vào thường thường được thấy nhau/ Ước gì hóa thân thành lá dong/ Cho nàng gói muối, ngọt bốn mùa.

Các chàng trai, cô gái người Dao Thanh Y hát giao duyên
Các chàng trai, cô gái người Dao Thanh Y hát giao duyên

Nguy cơ mai một

Các bài hát đối đáp giao duyên của người Dao Thanh Y thường được chép bằng chữ Hán Nôm, chia thành nhiều phần, lời hát gần gũi với đời sống thường nhật của bà con. Chính vì vậy việc trao truyền những lời ca cổ tới thế hệ trẻ là một bài toán khó. 

Ông Nguyễn Năng Văn, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố Uông Bí cho biết: Hát giao duyên của người Dao Thanh Y đứng trước nguy cơ mai một, chính vì vậy, chúng tôi đang nỗ lực cùng các nghệ nhân sưu tầm, truyền dạy cho thế hệ trẻ nhằm bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhận thức được làn điệu đối đáp giao duyên là tài sản vô giá của cộng đồng, bà Triệu Thị Xinh, ở thôn Khe Sú xã Thượng Y Công, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều thời gian và công sức để sưu tầm, lưu giữ. Hiện, bà đã sưu tầm và lưu giữ được 6 tập sách ghi chép với rất nhiều bài hát với lời ca cổ. Mỗi buổi sinh hoạt câu lạc bộ, bà Xinh lại mang những cuốn ghi chép này trao truyền cho thế hệ trẻ.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Xinh nhớ lại: Từ nhỏ, tôi đã được nghe những làn điệu hát đối đáp từ ông bà, người thân, những câu ca đó theo tôi khi đi chăn trâu, làm rẫy, đi vào từng giấc ngủ, lớn lên làn điệu giao duyên cũng giúp tôi gặp gỡ bạn bè, rồi xe duyên chồng vợ.