Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Trăm năm thương hiệu Bún Sòng

Khánh Ngân - 16:57, 23/02/2022

Nghề làm bún của người dân làng Cẩm Thạch, xã Cam An, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) dường như đã vượt qua khỏi giới hạn của chuyện nghề mưu sinh. Đó là sự tiếp nối truyền thống từ những đời cha ông trước từ nghề làm bún ở xứ Thanh, theo người dân di cư, để rồi trở thành đặc sản với thương hiệu bún Sòng được người dân đất Quảng Trị ưa chuộng.

Trong miên man trí nhớ, ông Bùi Minh Thành kể về xuất xứ nghề làm bún ở làng Cẩm Thạch, xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị
Ông Bùi Minh Thành kể về xuất xứ nghề làm bún ở làng Cẩm Thạch, xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị

Nghề mưu sinh bền vững

Di dân từ tỉnh Thanh Hóa vào Quảng Trị từ thế kỷ XIV để sinh sống, nhiều đời trước của ông Bùi Minh Thành, năm nay 82 tuổi, và những người đồng hành vào đất Cam Lộ (Quảng Trị) đã “lận lưng” mỗi nghề làm bún để mưu sinh. Từ đó đến nay, trải qua hàng trăm năm, những người con xứ Thanh, tại làng Cẩm Thạch đã tạo nên một thương hiệu bún Sòng dẻo thơm nức tiếng, được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận Làng nghề từ năm 2014.

Kể về nguồn gốc của thương hiệu bún Sòng, dòng nhớ của ông Bùi Minh Thành rất mông lung. Ông chỉ nhớ là, các cụ truyền lại, người làng di dân từ tỉnh Thanh Hóa vào đây từ thế kỷ XIV. Khi vào đây lập nghiệp, nhiều đời trước đã mang theo nghề làm bún. Và cứ thế, thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau, trải qua các giai đoạn lịch sử, đến nay nghề làm bún làng Cẩm Thạch vẫn tiếp tục phát triển, là nghề chính của nhiều gia đình nơi đây.

Làm bún ở làng Cẩm Thạch không chỉ đơn thuần là nghề mưu sinh, đó còn là sự tiếp nối và “chắp cánh” cho nghề mà tổ tiên đã để lại
Làm bún ở làng Cẩm Thạch không chỉ là nghề mưu sinh, đó còn là sự tiếp nối giữ nghề truyền thống của cha ông để lại

Làng Cẩm Thạch hiện có có 108 hộ dân, thì có đến 2/3 số hộ theo nghề làm bún truyền thống. Nhờ vào vị ngọt, dẻo thơm nức tiếng, mà bún Cẩm Thạch làm đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Do vậy, bún Sòng không ngừng mở rộng được thị trường tiêu thụ, quy mô sản xuất trong hộ gia đình cũng không ngừng được tăng lên.

Hiện nay, mỗi ngày làng nghề bún Cẩm Thạch cung cấp cho thị trưởng khoảng 8 tấn bún, doanh thu hơn 80 triệu đồng. Góp phần giải quyết việc làm cho gần 200 lao động có thu nhập ổn định từ 6-7 triệu đồng/ người/ tháng. Nhờ có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, nhiều hộ gia đình trở nên khá giả.

Điều phấn khởi là, không chỉ là con cháu nội tộc được truyền nghề làm bún, nhiều con cháu ngoài tộc và người làng lân cận cũng học làng Cẩm Thạch mà theo.

Ông Võ Đình Du (62 tuổi), đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề làm bún. Ông nói, ông sinh ra không phải người làng Cẩm Thạch, sau khi cưới vợ ở làng này, nên gắn bó với làng rồi yêu nghề làm bún lúc nào không hay. Ban đầu gia đình ông Du cũng chỉ sản xuất nhỏ lẻ, mỗi ngày ít mẻ. Cùng với sự phát triển của làng bún, thị trường được mở rộng, quy mô sản xuất của gia đình cũng được tăng lên.

 Hiện nay, mỗi ngày gia đình ông sản xuất và cung cấp ra thị trường hơn 1 tấn bún. Trừ hết chi phí, mỗi ngày gia đình ông cũng kiếm được 500 ngàn đồng. Cũng từ nghề làm bún, vợ chồng ông Du đã nuôi được 5 người con ăn học đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định. 

Bún Sòng làng Cẩm Thạch dẻo thơm nức tiếng
Bún Sòng làng Cẩm Thạch dẻo thơm nức tiếng

 “Chắp cánh” cho thương hiệu

Trên thị trường hiện có nhiều loại bún, nhưng bún Sòng luôn có một chỗ đứng trong lòng khách hàng, bởi chất lượng và danh tiếng của làng nghề. Bún Sòng có mùi vị đặc trưng, những người xa quê dù lâu năm đến mấy khi trở về vẫn nhận ra mùi vị quen thuộc đó. Nhiều người tiêu dùng nói rằng, người dân làng Cẩm Thạch làm bún bằng cái tâm, có lẽ cũng chính vì thế mà người tiêu dùng luôn đặt niềm tin vào bún Sòng, cũng nhờ đó mà nhiều hộ trở nên khá giả.

Bún Sòng được sản xuất qua nhiều công đoạn: Ngâm - ủ - đãi - xát - lọc - gạn khô - luộc bột - giã - nhồi - vặn. Quy trình này trải qua 5 - 6 ngày. 1 kg gạo chỉ làm ra 8 lạng bột, đây là điều khác biệt so với các cách làm bún nơi khác.

"Tôi và nhiều người dân Cẩm Thạch không muốn chạy theo lợi nhuận mà dần đánh mất đi cái hồn cốt của làng nghề”, ông Võ Đình Du cho hay.

Hiện nay, bún Sòng làng Cẩm thạch có đầu ra ổn định. Sản lượng và số hộ tham gia làm bún không ngừng được tăng lên, trong đó hơn nửa hộ làm bún đã đầu tư máy móc hiện đại. Điều đặc biệt, năm 2014, UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định công nhận làng làm bún Cẩm Thạch, là làng nghề truyền thống

Để tiếp tục khuyến khích làng nghề ngày càng phát triển, chính quyền địa phương, luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân nơi đây phát huy năng lực làm nghề. UBND huyện Cam Lộ đã xây dựng vùng sản xuất tập trung, di dời các hộ làm nghề ra khỏi khu dân cư.

Khu sản xuất bún tập trung được đầu tư xây dựng trên diện tích 3,3 ha, gồm các hạng mục: Đường giao thông, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cấp nước, điện sinh hoạt và sản xuất. Hiện các hộ sản xuất bún đã vào khu sản xuất tập trung; hơn nửa trong số đó đã đầu tư máy móc hiện đại.

Đặc biệt, để phát triển làng nghề bền vững, chính quyền đã có những định hướng cụ thể, về việc quy hoạch vùng sản xuất và vùng nguyên liệu cho làng bún Cẩm Thạch. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu, nhãn mác cho bún Sòng, thành lập các tổ hợp tác, ưu tiên vay vốn ưu đãi, làm cầu nối để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm…

Với tâm huyết của hậu thế đối với nghề truyền thống, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, làng nghề bún Sòng sẽ tiếp tục được “chắp cánh” bay cao, vươn xa trên thị trường.