Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Trải nghiệm du lịch Chợ Chu

Nguyễn Thế Lượng - 17:51, 19/08/2021

Chợ Chu là vùng đất trung tâm của huyện Định Hóa (Thái Nguyên), nơi có quần thể di tích lịch sử ATK trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Nơi đây với cảnh sắc thơ mộng và hữu tình, là điểm dừng chân lý tưởng của du khách khi khám phá vẻ đẹp vùng Đông Bắc của đất nước.

Những triền núi đá xanh thẳm bao bọc lấy những bản làng ở Chợ Chu.
Những triền núi đá xanh thẳm bao bọc lấy những bản làng ở Chợ Chu.

Kỳ thú núi non

Cách thành phố Thái Nguyên 50 km về hướng Đông Bắc, Chợ Chu là thị trấn phố núi của huyện vùng cao Định Hóa, nơi sinh sống từ lâu đời của đồng bào dân tộc Tày và một số dân tộc khác. Con đường từ thành phố Thái Nguyên dẫn lên Chợ Chu mang một sắc màu riêng, đó là màu sắc của núi non uốn lượn, của rừng và những thửa ruộng quanh triền núi cùng những ngôi nhà sàn…

Chợ Chu là một thung lũng bằng phẳng nằm dưới những triền núi đá như chạy tít đến chân trời. Phố núi này mang một vẻ đẹp riêng hiếm nơi nào sánh được. Đó là vẻ đẹp của sự quyện hòa giữa thiên nhiên,  núi non, bản làng, phố thị và vẻ chân chất của con người nơi đây. Phía xa xa là những triền núi đá cao sừng sững bao bọc lấy những bản làng, ở giữa là cánh đồng thẳng cánh cò bay, cùng với những ngôi nhà sàn ven suối khiến cho cảnh sắc nơi đây tựa như một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Bản làng đồng bào Tày ở Chợ Chu
Bản làng đồng bào Tày ở Chợ Chu

Chợ Chu mát lành quanh năm bởi sự bao bọc của núi đá, cánh đồng lúa và xa xa là những vạt rừng xanh thẳm. Vùng đất này sở hữu một tiềm năng du lịch khá đa dạng và phong phú. Có du lịch sinh thái, du lịch làng bản, du lịch tâm linh. Đặc biệt, nơi đây sẽ là địa điểm chào đón du khách mọi miền hành trình về ATK Định Hóa với một quần thể di tích rộng lớn.

Vẻ đẹp khiến du khách ngỡ ngàng khi đến với Chợ Chu là nét kỳ vĩ, thơ mộng của những triền núi uốn lượn quanh những bản làng, những dãy núi đá cao sừng sững, dạy dài tới hút tầm mắt. 

Những tảng đá to khổng lồ chồng xếp lên nhau khin khít dựng lên thành vách cao sừng sững nối tiếp nhau. Đôi chỗ, đá núi nhô lên thành vòng cung tựa như sóng biển vậy. Ở một ngách núi, có một hang sâu được người dân khám phá, tạo thành một ngôi chùa độc đáo gọi là chùa Hang. Chiều chiều, tiếng chuông chùa vang vang phả vào đá núi, hòa vào không gian thanh bình.

Phụ nữ Tày ở Chợ Chu đôn hậu và mến khách
Phụ nữ Tày ở Chợ Chu đôn hậu và mến khách

Dưới chân dãy núi, con suối chảy róc rách ngày đêm, những lũy tre xanh tốt và cả cánh đồng bát ngát một màu khiến cho cảnh nơi đây vừa hùng vĩ, vừa thanh bình lại vừa gần gũi. Vào mùa hè, tiết trời mát mẻ, không oi nồng. Vì thế, đến Chợ Chu, người ta tìm được cái cảm giác khoan khoái, dễ chịu ở bất kỳ mùa nào.

Khám phá chùa Hang

Không chỉ có núi đá với vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng, vùng đất Chợ Chu còn có chùa Hang, ngôi chùa tọa lạc trong lòng núi đá. Chùa Hang được “thiên tạo” trong hang đá. Bước vào cửa chùa là một vòng tròn cửa hang khá rộng và thoáng mát, bên trong là một hang sâu với vòm mái cao, phẳng được “sắp xếp” bởi nhiều hình khối khác nhau của đá. Không gian chùa có hai gian, gian trên gần cửa hang và gian dưới thấp hơn gần cửa sau của chùa. Phía bên trong nữa là hang sâu chưa được khám phá.

Chùa Hang, một thắng cảnh tâm linh độc đáo trong lòng núi đá Chợ Chu.
Chùa Hang, một thắng cảnh tâm linh độc đáo trong lòng núi đá Chợ Chu.

Chùa được “trang trí” bởi những nhũ đá rủ xuống như những chiếc đèn lồng, rồi những trụ đá tự thuở nào được tạo bởi những giọt “nước trời” từ trên vòm chảy xuống. Nếu để ý kỹ, du khách sẽ tưởng tượng và bất ngờ tìm thấy hình hài của những con vật bên trong vách chùa. Có đàn voi đông hàng chục con đang tiến vào trong hang. Có con hổ, con rồng uốn lượn phía cửa hang. Rồi có con cá, con khủng long trên vòm mái của chùa. Ngôi chùa là một quần thể gồm Hang Trên, miếu Mẫu, nhà Tam quan, Hang Dưới. Gian phía dưới có ban thờ tam tòa thánh Mẫu. Ở các hang nhỏ trên vách hang có các bàn thờ nhỏ thờ sơn thần, thổ thần.

Đến với vùng đất Chợ Chu, du khách có thể đi bộ trên những con đường thênh thang mà ngắm nhìn cánh đồng lúa, ngắm nhìn vẻ kỳ vĩ của núi non, thả mình trên những con đường dẫn vào các bản làng. Chiều chiều, đồng bào các dân tộc từ trong các bản ra, mang theo những sản vật núi rừng bán tại chợ. Hòa mình vào không gian chợ, du khách sẽ cảm nhận được những nét văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Ẩm thực đậm đà dư vị của đồng bào Tày ở Chợ Chu
Ẩm thực đậm đà dư vị của đồng bào Tày ở Chợ Chu

Ẩm thực ở Chợ Chu rất đậm đà dư vị với các món ăn bản địa như gà đồi, cá suối, xôi ngũ sắc, rau, măng rừng. Đặc biệt, ở Chợ Chu có đặc sản gạo bao thai vừa dẻo vừa thơm. Ngoài ra, Chợ Chu còn có cơm lam, trám đen, các loại bánh bếp do đồng bào các dân tộc chế biến. Đến Chợ Chu du khách có thể nghỉ ngay trên những căn nhà sàn ấm áp để cảm nhận không khí trong lành, yên tĩnh của cuộc sống nơi đây và xua tan đi bao ưu phiền mệt mỏi.

Chợ Chu, nơi đến của những ai ưa khám phá vẻ đẹp vùng Đông Bắc, là nơi gắn với hành trình du lịch về cội nguồn cách mạng ATK và là một điểm dừng chân lý tưởng cho cung đường du kịch Bắc Kạn, Cao Bằng với bao điều đang đón đợi con người.

Cơm lam, một đặc sản ở Chợ Chu
Cơm lam, một đặc sản ở Chợ Chu
Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Ngày 31/12, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đạt Chuẩn Nông thôn mới. Đến dự có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo đồng bào trên địa bàn huyện Châu Thành đến tham dự.