Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Trách nhiệm cá nhân trong cuộc chiến chống dịch

Văn Hoa - 19:22, 23/08/2021

Trước diễn biến khôn lường và phức tạp của dịch Covid-19, khi mỗi ngày có hàng nghìn người nhiễm bệnh, cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương đang nỗ lực nhằm đảm bảo sự an toàn cho người dân. Tuy nhiên, một bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan, thậm chí là thiếu ý thức, chống người thi hành công vụ khiến việc kiểm soát dịch bệnh thêm khó khăn. Việc lựa chọn giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng, giữa sự sống và cái chết.. lúc này sẽ tùy thuộc rất nhiều vào ý thức mỗi người.


Số ca nhiễm Covid-19 vẫn đang tăng nhanh. Ảnh Bộ Y tế.
Số ca nhiễm Covid-19 đang tăng ở một số địa phương trong những ngày gần đây. Ảnh Bộ Y tế.

Dịch Covid-19 và những hiểm họa khôn lường

Tính đến ngày 23/8/2021, trên thế giới đã có hơn 212 triệu người nhiễm Covid-19, trong đó số ca tử vong là hơn 4,446 triệu người. Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có hơn 358 nghìn ca nhiễm, hơn 8.000 ca tử vong.

Đại dịch Covid-19 với sự xuất hiện của biến chủng mới, có khả năng lây lan nhanh, nguy hiểm hơn, tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân.

Để khống chế đại dịch, nhiều địa phương đã triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg; trong đó nhiều địa phương còn thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn như nghiêm cấm người dân ra đường theo các khung giờ. Mục đích chính là, phòng chống dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, tận dụng tối đa thời gian, nguồn lực để bảo vệ Nhân dân.

Điều đáng buồn là, một bộ phận người dân đã không tuân thủ các chỉ thị và yêu cầu của Chính phủ một cách nghiêm túc, đi ngược lại với những nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Nhiều người không hiểu là coi thường dịch bệnh, hay thích “chơi ngông”, vẫn hồn nhiên tập thể dục tại nơi công cộng, hay không đeo khẩu trang, thậm chí còn tỏ ra khó chịu khi bị nhắc nhở. Phải chăng, việc đeo khẩu trang khó khăn hơn cả đeo máy thở?

Còn nhớ 3 đợt dịch trước, Việt Nam được truyền thông thế giới ca tụng đã có nhiều biện pháp phòng chống dịch hiệu quả; các y, bác sĩ Việt Nam rất giỏi, có thể chữa được những bệnh nhân đứng giữa bờ vực sinh tử có thể sống lại, nhiều bệnh nhân khỏi bệnh được tặng hoa khi xuất viện...

Những hình ảnh đó, khiến một bộ phận người dân lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch bệnh, coi nhẹ những hậu quả có thể xảy ra. Thế là, một số người dân vẫn ra ngoài đường như chưa có lệnh giãn cách, một số cuộc "trà dư tửu hậu", một số quán Massage, karaoke vẫn hoạt động… bất chấp lệnh cấm.

Phải chăng, đợt dịch thứ 4 đã cướp đi sinh mạng của hơn 8.000 người, một phần nguyên nhân cũng do ý thức lơ là, chủ quan? Trong số đó, không ít người bị vạ lây bởi những người thân vô ý thức, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng. 

Nhân viên y tế xử lí thi thể bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ảnh tư liệu
Nhân viên y tế xử lí thi thể bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ảnh tư liệu

Trách nhiệm cá nhân

Những ngày qua, lực lượng các y, bác sĩ đang gồng mình, chạy đua với thời gian để chống dịch; đang mặc trong mình những bộ đồ bảo hộ kín mít cháy da, cháy thịt để đảm bảo an toàn, sinh mạng cho chính chúng ta. Và hầu hết trong số họ, đã vài tháng không được về với gia đình. Vậy mà vẫn có những đối tượng là F0, F1 trốn khỏi các khu cách ly, gây nguy hiểm cho người khác.

Kể từ khi có dịch bệnh, cả hệ thống chính trị, các tổ chức thiện nguyện đã nỗ lực nhằm hỗ trợ cho người dân, không để ai bị thiếu lương thực. Thế mà, hình ảnh không chịu xếp hàng, xô đẩy, thậm chí còn “tranh cướp” bấp chấp khuyến cáo về khoảng cách đã xảy ra. Nhiều người tự ý về quê, với lý do không nhận được gói hỗ trợ nào, vì túng quẫn nên phải về. Trong khi đó, khi được hỏi họ tên, địa chỉ họ lại không trả lời được. Phải chăng, chính họ đã phủ nhận lại những tình cảm, tình thương mà người khác dành cho họ.

Dẫu biết là khó khăn, nhưng khi ở giữa vùng dịch, khi mà mỗi ngày có hàng ngàn ca nhiễm bệnh và chính bản thân mỗi người cũng có thể đã mang mầm bệnh, vậy có lý do gì mang sự nguy hiểm ấy về cho người thân, gia đình.

Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã căng mình bám chốt để đảm bảo an toàn cho người dân. Nhưng ngược lại, nhiều đối tượng lại trốn khỏi hoặc thâm nhập vào các khu cách ly, khi bị nhắc nhở đeo khẩu trang hoặc các quy định giãn cách lại cảm thấy khó chịu, chống đối, thậm chí tấn công tổ phòng chống dịch. Việc đó có nghĩa là tấn công lại những người đang bảo vệ mình.

Đáng buồn hơn nữa là, trong khi cả nước đang gồng mình chống dịch, thì lại có những đối tượng đóng giả lực lượng kiểm soát phòng chống dịch để cưỡng đoạt tài sản; giả danh công an lừa đảo làm giấy xét nghiệm Covid-19; tung tin đồn và bán thuốc giả chữa Covid-19 nhằm trục lợi, tung tin đồn về số ca nhiễm và tử vong…

Còn với nhiều người “điếc không sợ súng”, họ lạc quan tụ tập nơi phòng trọ, các ngõ xóm để đánh bài, hàn huyên tâm sự, ăn nhậu với nhau. Đây cũng là nguyên nhân của những gia đình, ngõ xóm đều là F0 sau nhiều ngày thực hiện giãn cách xã hội.

Đặt một giả thiết rằng, khi dịch đang ở mức độ nhẹ, nếu người dân ai cũng tuân thủ theo các chỉ thị và yêu cầu của Chính phủ một cách nghiêm túc, thì mỗi người dân sẽ là những kháng thể tạo thành một “lá chắn thép”; thử hỏi, virus nào có thể xâm nhập được.

Trong khoảng thời gian gần đây, tỷ lệ F0 trong cộng đồng có xu hướng tăng. Nguyên nhân chính là do người dân không thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, nhiều trường hợp còn sử dụng giấy đi đường khống. 

Theo ghi nhận, tại TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ F0 trong cộng đồng tăng vọt trên 70% trong những ngày gần đây. Còn Hà Nội, vẫn không thể bóc tách hết số F0 trong cộng đồng. Trong khi cả nước đang căng mình phòng chống dịch bệnh, thì chỉ cần một vài cá nhân thiếu ý thức có thể làm sụp đổ những thành quả của biết bao con người đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh.

Và nếu cứ theo đà này, khi hệ thống y tế đã không còn đủ sức đáp ứng, hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc. Vậy nên mới nói, chuyện sinh - tử phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của mỗi người./.

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)