Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Trả lại bản sắc truyền thống cho lễ hội

Sỹ Hào - 06:53, 13/03/2024

Năm 2024, là năm đầu tiên áp dụng “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống”; đồng thời, luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cũng đã bổ sung các hành vi bị cấm trong các hoạt động tổ chức lễ hội. Đây được kỳ vọng là những chế tài đủ mạnh để không làm biến tướng các phong tục, tập quán của cộng đồng, nhất là đối với các cộng đồng DTTS.

Trả lại bản sắc truyền thống cho lễ hội
“Kéo vợ” hay “kéo dâu” là một phong tục cổ truyền có tính nhân văn, phản ánh truyền thống tốt đẹp của đồng bào một số DTTS. (Ảnh minh họa)

Nhận thức đúng về “sân khấu hóa” lễ hội

Dự án luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang được Chính phủ hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua. Tại Điều 9, dự án luật quy định các hành vị bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi “Xâm phạm, xúc phạm, xuyên tạc, làm sai lệch nội dung, giá trị, biểu đạt của di sản văn hóa phi vật thể liên quan tới các thực hành tập quán, tín ngưỡng, tính thiêng, những điều kiêng kỵ, thực hành kín hoặc tục hèm được thực hành qua nhiều thế hệ và là bản sắc văn hóa của cộng đồng chủ thể” (Khoản 5).

Đối chiếu quy định này với thực tế phục dựng, bảo tồn, phát huy một số các lễ hội dân gian của đồng bào các DTTS hiện nay, có thể thấy, tình trạng vi phạm đã và đang diễn ra khá phổ biến. Trong đó, cần đặc biệt lưu tâm đến các hoạt động phục dựng, bảo tồn các lễ hội truyền thống bằng hình thức sân khâu hóa.

Năm 2024 lần đầu tiên “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành tháng 8/2023 được triển khai tại các địa phương nhằm hướng tới một mùa lễ hội an toàn, văn minh, lành mạnh. Nhưng theo các chuyên gia, những tiêu chí này đang bao trùm cho tất cả lễ hội; chưa thể bám sát cấu trúc và không gian của một lễ hội truyền thống. Để Bộ tiêu chí này áp dụng hiệu quả, các chuyên gia cho rằng cần tham khảo ý kiến các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, lễ hội cổ truyền; đồng thời cũng cần lắng nghe ý kiến của cộng đồng.

Lấy “Lễ ăn mừng đầu lúa mới” của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) làm dẫn chứng. Đây là một nghi lễ lớn của mỗi gia đình người Raglai. Trong những năm gần đây, người dân ở địa phương ít tổ chức lễ này, các nghi thức trong buổi lễ cũng dần mai một.

Thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, cuối tháng 10/2023, UBND huyện Khánh Vĩnh đã thực hiện phục dựng “Lễ ăn mừng đầu lúa mới” của đồng bào Raglai bằng hình thức sân khấu hóa.

Trên sân khấu, ban tổ chức dựng mô hình một cây nêu bằng tre, bên dưới gốc cây nêu, các nghệ nhân và người dân đến từ thôn Bến Khế (xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh) lần lượt bày biện mâm cỗ cúng thần linh, thực hiện những nghi thức cúng tế truyền thống của đồng bào. Trong khi nguyên gốc, việc thực hành “Lễ ăn mừng đầu lúa mới” được tổ chức tại ngôi nhà dài của cộng đồng.

Theo TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, lễ hội truyền thống chỉ thực sự giữ được hồn cốt, bản sắc của nó khi được diễn ra ở chính trong cộng đồng đã sản sinh ra nó. Với những nghệ nhân, người dân trực tiếp tham gia trình diễn các lễ hội trên sân khấu, tin chắc rằng họ sẽ mong muốn được tham gia lễ hội ở chính không gian quê hương của mình hơn.

Không riêng “Lễ ăn mừng đầu lúa mới” mà nhiều lễ hội, nghi lễ truyền thống của đồng bào DTTS được phục dựng, bảo tồn bằng hình thức sân khấu hóa đang nằm trong “vùng cấm” nếu đối chiếu vào quy định tại Khoản 5 – Điều 9 của dự án luật Di sản văn hóa (sửa đổi). 

Theo các chuyên gia bảo tồn văn hóa dân gian, khi tái hiện lại các nghi lễ ,tín ngưỡng, lễ hội ở không gian khác, không phải là bản làng của đồng bào DTTS, phải có các dấu hiệu để người xem biết đó không phải là một lễ hội nguyên gốc.

Trả lại bản sắc truyền thống cho lễ hội 1
“Lễ ăn mừng đầu lúa mới” của đồng bào Raglai được UBND huyện Khánh Vĩnh (Khánh hòa) phục dựng, quảng bá bằng hình thức sân khấu hóa tháng 10/2023.

Giữ tính thiêng cho nghi lễ truyền thống

Không thể phủ nhận hiệu quả của việc “sân khấu hóa” trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, vừa góp phần bảo tồn, quảng bá vừa giữ lại những nét đẹp văn hóa và loại trừ những hủ tục. Tuy nhiên, cần thấy rằng, một lễ hội, một di sản văn hóa phi vật thể chỉ thực sự có được sức sống khi ở trong chính môi trường sinh ra nó; việc tái hiện không đúng không gian, không đúng “bản gốc” đã và đang làm không ít lễ hội bị biến tướng, sai lệch.

Hệ lụy rõ ràng nhất là, sau mỗi lần được “sân khấu hóa” không đúng nguyên gốc, văn hóa truyền thống của đồng bào lại bị hiểu sai lệch. “Sai số” ngày càng lớn khi được truyền tải trên mạng xã hội, lan truyền theo hình thức “Một đồn mười – Mười đồn trăm”. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS bị suy diễn, hiểu sai như: lễ chém súc hiến tế, lễ hội chợ tình, phong tục kéo vợ, đi sim, chọc sàn,...

Trả lại bản sắc truyền thống cho lễ hội 2
Chợ tình Khâu Vai (Hà Giang) - Di sản phi vật thể quốc gia, chỉ diễn ra duy nhất một ngày trong năm là 27/3 âm lịch.

Một vấn đề cũng cần đặc biệt lưu tâm trong công tác bảo tồn văn hóa của đồng bào DTTS là tôn trọng tính thiêng trong các nghi lễ truyền thống. Ở không ít lễ hội truyền thống được tái hiện bằng hình thức sân khấu hóa, các nghệ nhân phải thể hiện các bài cúng cấm kị; hoặc có những nghi lễ chỉ được thực hiện trong cộng đồng. Đơn cử như các nghi lễ: cúng thần làng, xua đuổi ma ác của đồng bào Tày, Thái, Giáy, Lào, Bố Y, Xá Phó...; khi cúng, đồng bào đặt các dấu hiệu kiêng kỵ cấm người lạ vào làng.

Tình trạng một số lễ hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào DTTS bị biến tướng, hiểu sai một phần do quy định pháp luật chưa chặt chẽ trong công tác bảo tồn di sản phi vật thể. Điều 13 - Luật Di sản văn hóa năm 2013 (hợp nhất Luật số 28/2001/QH10 và Luật số 32/2009/QH12) chưa quy định rõ cấm hành vi làm biến tướng, sai lệch việc thực hành lễ hội, phong tục, tập quán của cộng đồng.

Bởi vậy, việc Dự án luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bổ sung quy định cấm hành vi “Xâm phạm, xúc phạm, xuyên tạc, làm sai lệch nội dung, giá trị, biểu đạt của di sản văn hóa phi vật thể liên quan tới các thực hành tập quán, tín ngưỡng, tính thiêng, những điều kiêng kỵ, thực hành kín hoặc tục hèm được thực hành qua nhiều thế hệ và là bản sắc văn hóa của cộng đồng chủ thể” có thể xem là bước tiến lớn cho công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. 

Trước khi Luật được thông qua, thiết nghĩ, đây cũng là vấn đề cần được các địa phương quan tâm nghiên cứu khi triển khai các hoạt động phục dựng, bảo tồn nghi lễ, tín ngưỡng, lễ hội của đồng bào các DTTS; nhất là trong thực hiện Dự án 6 thuộc Chươngtrình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miềnnúi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg.

Để phục dựng và giữ gìn bản sắc văn hóa lễ hội các DTTS, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) yêu cầu các Sở VHTT&DL chú trọng việc chỉ đạo tổ chức phục dựng lễ hội truyền thống giàu bản sắc, được lưu giữ trong đời sống các DTTS trên địa bàn. Thông qua lễ hội, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, lồng ghép đưa các yếu tố văn hóa mới tiến bộ nhằm tăng cường giao lưu quảng bá, giới thiệu, phù hợp với nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tâm linh của đồng bào các dân tộc, góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở vùng đồng bào DTTS, loại bỏ yếu tố lạc hậu, hủ tục không phù hợp trong đời sống cộng đồng.