Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

TP. Cần Thơ: Chăm lo phát triển vùng đồng bào DTTS

Như Tâm - 10:34, 22/09/2020

Trên địa bàn TP. Cần Thơ có 27 DTTS chung sống, chiếm tỷ lệ hơn 3% dân số, đông nhất là đồng bào Khmer. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của Thành phố lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015 - 2020, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể Thành phố quan tâm triển khai, thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc và công tác dân tộc.

Một buổi học tiếng Khmer thuộc Dự án “Dạy nghề và chữ viết cho người dân tộc Khmer”.
Một buổi học tiếng Khmer thuộc Dự án “Dạy nghề và chữ viết cho người dân tộc Khmer”.

Những năm qua, các phong trào học tập nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực; giữ gìn bản sắc văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc; chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường... trong đồng bào các DTTS được Thành phố quan tâm, thực hiện tốt; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững. Các phong trào thi đua yêu nước được đồng bào các DTTS hưởng ứng, tham gia tích cực, nhiều tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng...

Điển hình xã Thới Xuân (huyện Cờ Đỏ), là xã có 35% dân số là dân tộc Khmer. Những năm qua, từ nguồn vốn đầu tư của huyện, vốn đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, Thới Xuân xây dựng 5 tuyến đường với chiều dài 15km và xây dựng mới 10 cây cầu bê tông, với tổng kinh phí trên 53 tỷ đồng. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn trên 23%, đến cuối năm 2019, chỉ còn dưới 1%. Năm 2019, Thới Xuân đã về đích NTM.

Những năm qua, xuất phát từ mục đích tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ đồng bào Khmer trên địa bàn phát triển sinh kế và bảo tồn chữ viết, Ban Dân tộc TP. Cần Thơ đề xuất UBND TP. Cần Thơ thành lập dự án: “Dạy nghề và chữ viết cho người dân tộc Khmer”, với nguồn kinh phí gần 600 triệu đồng; nhóm nghiên cứu đã triển khai các nhóm mô hình dạy chữ và dạy nghề đan lục bình cho 183 học viên người Khmer từ 15 - 60 tuổi tại huyện Cờ Đỏ.

Phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố vận động xây dựng 3 cây cầu giao thông nông thôn do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại tại huyện Cờ Đỏ (cầu KH3) và Thới Lai (cầu Đầu Ngàn và Cầu Kênh 200), tổng kinh phí vận động hơn 1,09 tỷ đồng, dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2016; vận động Viện Giao lưu văn hóa châu Á Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh (ACEF) tài trợ xây dựng 21 căn nhà cho đồng bào DTTS nghèo tại huyện Cờ Đỏ, mỗi căn nhà trị giá 43 triệu đồng. Hiện nay, 2 cơ quan đang tiếp tục phối hợp vận động Chính phủ Australia hỗ trợ kinh phí 60 nghìn USD để thực hiện Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer” trong thời gian tới.

Từ việc quan tâm, chăm lo cho đồng bào DTTS, đến cuối năm 2019, 100% đường trục liên xã vùng DTTS được nhựa hóa, bê tông hóa; tỷ lệ hộ sử dụng điện, nước sạch, hộ xem truyền hình đạt 100%; trạm y tế đạt chuẩn quốc gia và có bác sĩ đạt 100%; tỷ lệ trẻ em DTTS nhập học đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 100%; 220 hộ được hỗ trợ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, với tổng kinh phí thực hiện hơn 30 tỷ đồng; số hộ nghèo DTTS đến cuối năm 2019 giảm còn 483 hộ, chiếm tỷ lệ 5,08%; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn DTTS đạt khoảng 44,5 triệu đồng/người/năm.

Nhận định về yếu tố làm đổi thay tích cực đời sống đồng bào Khmer, ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ khẳng định: “Đồng bào DTTS trên địa bàn Thành phố luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt chính sách, luật pháp của Nhà nước; đoàn kết phấn đấu tự vươn lên làm chủ kinh tế gia đình, xây dựng phum sóc ngày càng đổi mới”.