Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tổng rà soát các công trình nước sạch: Việc cần làm ngay

PV - 08:38, 12/01/2018

Nước sạch và vệ sinh môi trường là tiêu chí quan trọng để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Với tình trạng các công trình cấp nước hư hỏng, xuống cấp không được khắc phục kịp thời như hiện nay, trong 5 năm tới, Việt Nam khó có thể đạt mục tiêu 50% số xã về đích nông thôn mới.

Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch vẫn còn thấp. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch vẫn còn thấp.

 

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), cả nước hiện có 16.342 công trình nước sinh hoạt tập trung. Ngoài ra còn có hàng trăm nghìn công trình nước sinh hoạt tự chảy, chủ yếu tập trung ở vùng DTTS và miền núi.

Đánh giá của Bộ NNPTNT cho thấy, trong tổng số 16.342 công trình nước sinh hoạt tập trung thì hiện có 16,7% công trình hoạt động kém hiệu quả; 12% công trình ngừng hoạt động. Trong khi đó, số liệu của các địa phương lại cho thấy một thực trạng đáng báo động hơn khi đa số các công trình nước sinh hoạt đều hư hỏng, xuống cấp hoặc hoạt động cầm chừng.

Tại khu vực Tây Nguyên, thống kê mới đây của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho thấy, hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt đang hư hỏng, xuống cấp. Chỉ tính các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai và Đăk Nông đã có trên 450 công trình cấp nước tập trung nằm ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS hoạt động kém hiệu quả và ngừng hoạt động.

Riêng tỉnh Gia Lai, trong số 300 công trình nước sạch nông thôn, do nhiều ngành, nhiều cấp làm chủ đầu tư và từ nhiều nguồn vốn khác nhau thì đã có 120 công trình hoạt động kém hiệu quả, ngừng hoạt động.

Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, số công trình nước sạch hư hỏng, xuống cấp hoặc hoạt động không hiệu quả cũng rất lớn. Chỉ tính riêng tỉnh Hòa Bình, trong tổng số 303 công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn thì đã có 1,2 công trình kém hiệu quả hoặc không hoạt động.

Còn tại Hà Giang, toàn tỉnh có 828 công trình cấp nước sinh hoạt thì có đến 174 công trình hoạt động kém hiệu quả và 181 công trình không hoạt động. Thậm chí, trong số 181 công trình không hoạt động có tới 80 công trình không có khả năng tu sửa, nâng cấp, đề nghị thanh lý.

Dẫn chứng thực tế vài địa phương nêu trên cho thấy, tình trạng hư hỏng, xuống cấp, hoạt động kém hoặc không hoạt động phải lớn hơn con số 1/3 tổng số công trình nước sạch trên cả nước như thống kê của Bộ NNPTNT.

Cũng theo số liệu của Bộ NNPTNT, hiện tỷ lệ dân số nông thôn của cả nước được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 85,7%; nhưng tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế thì chỉ đạt 49%. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch chưa cao là do các công trình cấp nước tập trung hoạt động chưa hiệu quả.

Tình trạng các công trình nước sạch hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động, hoặc hư hỏng, xuống cấp nhưng không sửa chữa đã làm lãng phí nguồn lực ngân sách không hề nhỏ. Nhiều năm nay, hàng chục nghìn tỷ đồng, được huy động từ nhiều nguồn khác nhau đã được bố trí để đầu tư các công trình nước sạch. Chỉ tính riêng Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015 đã có tổng vốn là 27.600 tỷ đồng; trong đó kinh phí để xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt và môi trường chiếm tới 19.725 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, cả nước phấn đấu có 95% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh và 55% dân số được sử dụng nước sạch. Một trong những giải pháp được ngành Nông nghiệp xác định là tăng cường nguồn vốn đầu tư cho các công trình nước sạch; trong đó chú trọng nguồn lực xã hội hóa.

Nhưng dù là nguồn lực ngân sách hay nguồn lực xã hội hóa thì bài toán đặt ra ở đây là cần thiết phải có những can thiệp hiệu quả để khắc phục tình trạng đầu tư xây dựng các công trình nước sạch nhưng không mang lại hiệu quả, hoặc các công trình nước sạch đã hư hỏng, xuống cấp nhưng không có kinh phí để sửa chữa.

Nói thẳng ra là phải có một tính toán kỹ để tránh lãng phí nguồn lực, qua đó thúc đẩy tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Vì vậy, việc cần làm lúc này là phải tiến hành một cuộc tổng rà soát hiện trạng các công trình nước sạch để có những giải pháp căn cơ hơn trong thực hiện mục tiêu cấp nước sạch cho người dân nông thôn.

KHÁNH THƯ