Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Toàn thế giới đã ghi nhận trên 107,5 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

PV - 21:35, 10/02/2021

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h00 ngày 10/2 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 107.510.735 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.353.744 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là trên 79,4 triệu người và vẫn còn trên 102.598 ca bệnh nặng và nguy kịch.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Cho đến nay, Mỹ có tổng cộng 479.810 ca tử vong trong tổng số 27.804.262 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 155.280 ca tử vong trong số 10.858.300 ca bệnh. Với 233.588 ca tử vong trong tổng số 9.602.034 ca mắc, Brazil đứng thứ 3 thế giới về số ca mắc nhưng đứng thứ 2 về số trường hợp không qua khỏi do COVID-19.

Tại châu Âu, Nga thông báo số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt ngưỡng 4 triệu ca sau khi giới chức ghi nhận 14.494 ca mắc mới. Hiện số ca mắc COVID-19 tại nước này là 4.012.710, cao thứ tư thế giới. Trong 24 giờ qua, Nga cũng ghi nhận thêm 536 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 78.134 ca.

Trong 24 giờ qua, các cơ quan y tế Đức ghi nhận có thêm 8.072 ca nhiễm mới và 813 ca tử vong. Hiện số trường hợp không qua khỏi do dịch bệnh COVID-19 là 62.969 ca. Chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày trong 100.000 dân đã giảm xuống 68, mức giảm mạnh so với đỉnh điểm lên tới 197,6 vào ngày 22/12/2020. Tuy nhiên, Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đang dự định gia hạn các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt chống dịch cho tới ngày 13/3 tới do nguy cơ gia tăng trở lại số ca nhiễm mới vẫn hiện hữu với sự bùng phát của những biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Bộ Y tế Croatia thông báo đã phát hiện trường hợp đầu tiên mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 xuất hiện đầu tiên tại Anh. Theo bộ trên, biến thể mới được phát hiện trong các mẫu xét nghiệm của 3 người, trong đó có 1 em bé 3 tuổi.

Tại Trung Đông, Israel ngày 10/2 thông báo tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 được ghi nhận thông qua xét nghiệm tại nước này đã giảm xuống còn 7,8%, mức thấp nhất trong 4 tuần. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Israel đang là 70.500 người, trong đó trên 5.200 ca đã tử vong. Chính phủ Israel đang tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng vaccine toàn dân, bao gồm cả người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại đây.

Tại châu Á, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á khi Indonesia, Phillipines và Thái Lan ghi nhận thêm nhiều ca mắc và tử vong trong ngày 10/2. Với số ca nhiễm mới tăng 8.700 ca, đến nay Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 1.174.779 ca mắc COVID-19, trong khi số ca tử vong lên tới 31.976 ca, tăng thêm 213 ca trong 24 giờ qua. Hơn 29.700 binh sĩ đã được triển khai để hướng dẫn, truy vết virus SARS-CoV-2 tại các huyện, làng xã thuộc 7 tỉnh ở khu vực Java - Bali, bên cạnh sự tham gia của 1.768 lính hải quân và 102 lính không quân.

Bộ Y tế Philippines cũng thông báo phát hiện 1.345 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 541.560 trường hợp. Có thêm 114 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này tại Philippines lên 11.401 trường hợp.

Cùng ngày, Thái Lan xác nhận có thêm 1 ca tử vong mới do mắc bệnh COVID-19, ngoài ra có 157 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 23.903 trường hợp. Hiện số ca không qua khỏi do dịch bệnh này tại Thái Lan là 80 người. 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Petaling Jaya, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Petaling Jaya, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia ghi nhận 3.288 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này tới nay lên 251.604 ca. Theo giới chức Bộ Y tế, trong số các ca mắc mới, bang Selangor nhiều nhất với 1.757 ca, tiếp đó là Kuala Lumpur với 408 ca và Johor với 369 ca. Nếu tính về tổng số, Selangor cũng là địa phương có nhiều số ca mắc nhất với 82.199 ca, tiếp đó là Sabah với 50.855 ca và Kuala Lumpur với 30.348 ca. Điều đáng chú ý là lệnh cấm đi xuyên bang và xuyên quận đã phát huy tác dụng ngăn chặn thành công các ổ dịch xuyên bang, vốn mang lại 4.376 ca mắc chỉ trong thời gian từ ngày 16/12/2020 đến ngày 30/1/2021. Do đó, theo Bộ trưởng Y tế Malaysia Adham Baba, Lệnh Hạn chế di chuyển (MCO) sẽ vẫn được duy trì tới ngày 18/2 và chưa thể dỡ bỏ lệnh cấm đi lại xuyên bang, xuyên quận.

Tại Đông Bắc Á, số ca mắc mới COVID-19 ở Hàn Quốc đã quay trở lại ngưỡng trên 400 ca chỉ một ngày trước Tết Nguyên đán 2021. Số liệu thống kê của Cơ quan Quản lý và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết tính đến 0h ngày 10/2, nước này ghi nhận thêm 444 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 81.930 ca, trong đó có tới 414 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 30 ca nhập cảnh. Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun đã lên tiếng kêu gọi toàn dân cần đảm bảo các biện pháp chống dịch trong dịp lễ Tết Nguyên đán.

Trong khi đó, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 từ ngày 18/2 tới. Thông báo trên được người đứng đầu cơ quan thực phẩm và y tế Hong Kong Sophia Chan đưa ra ngày 10/2 trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 theo ngày tại vùng lãnh thổ này liên tục giảm trong thời gian gần đây. Tới nay, đặc khu Hong Kong ghi nhận 10.694 ca mắc COVID-19, trong đó có 188 ca tử vong.

Liên quan đến việc cấp phép và triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, New Zealand đã xác nhận việc cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp bào chế.

Cũng trong ngày 10/2, Bộ An toàn dược phẩm của Hàn Quốc thông báo nước này sẽ phê chuẩn sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca bào chế và áp dụng đối với tất cả mọi người dân, kể cả những người trên 65 tuổi.

Bahrain cùng ngày cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine Sputnik V phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do Nga sản xuất.

Campuchia ngày 10/2 đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa dịch COVID-19, sử dụng 600.000 liều vaccine do Trung Quốc viện trợ. Việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được tổ chức tại 4 địa điểm gồm Bệnh viện Calmette, Bệnh viện Ang Doung, Bệnh viện Hữu nghị Khmer-Soviet và Viện Nhi quốc gia.

Tại Nam Phi, Bộ Y tế nước này thông báo sẽ bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson (Mỹ). Trước đó, Nam Phi đã tạm dừng sử dụng vaccine của AstraZeneca/Đại học Oxford (Anh) trong chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 sau khi dữ liệu cho thấy vaccine chỉ có hiệu quả tối thiểu đối với các trường hợp nhẹ và trung bình mắc biến thể của virus đang được ghi nhận ở nước này. Trong khi đó, hãng Pfizer cho biết có thể bàn giao vaccine ngừa COVID-19 trực tiếp cho các điểm tiêm chủng ở Nam Phi.

Cùng ngày, Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết những người dưới 55 tuổi từng nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ phải chờ ít nhất 6 tháng kể từ khi được chẩn đoán mới được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Biện pháp này sẽ được áp dụng cho 3 loại vaccine hiện đang được phân phối ở Tây Ban Nha và đang tạm thời chờ nghiên cứu thêm. Biện minh cho quyết định ưu tiên tiêm chủng cho những người chưa từng mắc COVID-19, bộ trên cho rằng các trường hợp tái nhiễm trong vòng 6 tháng là "hiếm có". Tuy nhiên, thời gian chờ trên không áp dụng với những người ngoài 55 tuổi hay có nguy cơ sức khỏe khiến họ dễ bị tái nhiễm.