Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG, mang lại lợi ích cho người dân là quan trọng nhất”

Thanh Huyền - 20:15, 27/04/2022

Đó là ý kiến phát biểu của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tại buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về thực hiện công tác dân tộc, công tác triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG), ngày 27/4, tại tỉnh Gia Lai.

Đoàn công tác của UBDT làm việc với UBND tỉnh Gia Lai
Đoàn công tác của UBDT làm việc với UBND tỉnh Gia Lai

Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Quốc Tuấn; lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc UBDT. Về phía tỉnh Gia Lai, tiếp và làm việc với Đoàn có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên; lãnh đạo Ban Dân tộc và các sở, ban, ngành của tỉnh.

Báo cáo kết quả thực hiện công tác dân tộc 4 tháng đầu năm 2022 và tình hình triển khai Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai Kpă Đô cho biết: Việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh chỉ đạo sâu sát.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành phát biểu tại buổi làm việc
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành phát biểu tại buổi làm việc

Công tác tuyên truyền vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đã góp phần chuyển tải đầy đủ các thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đến quần chúng Nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh; từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK); kinh tế - xã hội (KT-XH) ở vùng sâu, vùng xa đã có bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần; trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động được nâng cao; chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Hoàn thiện hạ tầng KT-XH khu vực vùng DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK, phục vụ đời sống dân sinh, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan Ban Dân tộc được sắp xếp, kiện toàn. Tỷ lệ cán bộ, công chức là người DTTS tại cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh đạt 26,3%. Có 15/17 huyện, thị xã, thành phố thành lập Phòng Dân tộc (riêng thị xã An Khê và Tp. Pleiku không thành lập Phòng Dân tộc, nhiệm vụ theo dõi thực hiện công tác dân tộc được giao cho Văn phòng HĐND - UBND thị xã, thành phố thực hiện).

Về tình hình triển khai thực hiện Chương trình MTQG, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. UBND tỉnh đang khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình.

Chương trình hành động đã đánh giá khái quát được tình hình KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, từ đó xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể của Chương trình để phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Trong đó, nhấn mạnh nhiệm vụ huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình MTQG, ưu tiên bố trí thêm ngân sách địa phương thực hiện một số lĩnh vực, như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất; phát triển dân cư vùng biên giới; ổn định dân cư vùng đồng bào DTTS và miền núi; huy động trẻ em trong độ tuổi đi học đến lớp; củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng tỉnh Gia Lai giàu bản sắc văn hóa dân tộc…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đánh giá cao những chính sách dân tộc đặc thù của tỉnh Gia Lai
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đánh giá cao những chính sách dân tộc đặc thù của tỉnh Gia Lai

Hiện nay, tỉnh đã tổng hợp xong nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Tỉnh kiến nghị UBDT quan tâm hỗ trợ tỉnh tháo gỡ một số khó khăn liên quan đến việc triển khai một số chính sách dân tộc và quá trình tổ chức thực hiện Chương trình MTQG.

Các đại biểu tham dự đề xuất giải pháp thu hút các doanh nghiệp đầu tư, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; chương trình đào tạo sinh viên dự bị; chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng, phát triển rừng; giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán đồng bào; lồng ghép các chương trình, dự án; có quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh, hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp tục được mua bảo hiểm y tế; phát triển giao thông vùng DTTS; bảo đảm an toàn giao thông vùng DTTS và miền núi; dạy nghề cho lao động nông thôn; đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở; khôi phục, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS; có quy định chung, phù hợp với từng vùng trong việc tuyển dụng cán bộ người DTTS…

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành khẳng định: Việc lần đầu tiên nước ta có Chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào DTTS có ý nghĩa rất quan trọng, tập trung nguồn lực phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, ưu tiên nguồn lực cho vùng khó khăn. Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẳng định, thời gian qua, tỉnh luôn dành sự quan tâm đến công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc. Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề liên quan đến chính sách dân tộc, như: Hỗ trợ vay vốn; thu hút, kêu gọi đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển xanh, nâng cao độ che phủ của rừng; hỗ trợ ổn định dân cư; chuyển đổi số...

Chia sẻ một số khó khăn đặc thù ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai mong muốn UBDT tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để tỉnh thực hiện tốt chính sách dân tộc thời gian tới, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh sẽ chủ động vào cuộc, quyết tâm triển khai hiệu quả Chương trình MTQG, mang lại lợi ích tốt nhất cho đồng bào DTTS.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh bày tỏ đồng tình và phấn khởi khi tỉnh Gia Lai đã dành nhiều sự quan tâm đến vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đặc biệt là tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, có chính sách đặc thù, chủ động triển khai thực hiện chính sách dân tộc, Chương trình MTQG.

Chia sẻ những khó khăn của tỉnh; đồng tình với những kế hoạch, giải pháp của tỉnh Gia Lai trong thực hiện chính sách dân tộc, trọng tâm là Chương trình MTQG trong giai đoạn tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh mong muốn, tỉnh quan tâm phối hợp, lồng ghép các nguồn lực thực hiện các Chương trình MTQG; tăng cường công tác phối hợp giữa Ban Dân tộc với các sở, ngành trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự tham gia của người dân trong triển khai các chương trình, dự án; tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và đội ngũ Người có uy tín trong việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc…

Để triển khai hiệu quả Chương trình MTQG và các chính sách dân tộc khác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm mong muốn UBND tỉnh tích cực phối hợp với UBDT nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, để làm sao tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình là rất quan trọng, góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn bức thiết nhất ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh.

Về những kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đã giải đáp và cho biết sẽ tiếp thu, tham mưu, phối hợp giải quyết theo thẩm quyền.

Gia Lai là tỉnh vùng cao biên giới nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, với tổng diện tích tự nhiên 15.510,13 km2. Toàn tỉnh có 17 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 2 thị xã và 14 huyện) với 220 xã, phường, thị trấn và 1.576 thôn, làng, tổ dân phố. Dân số toàn tỉnh hơn 1,56 triệu người, với 44 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 46,23% (dân tộc Gia Rai chiếm 30,37%, dân tộc Ba Na 12,51%, các dân tộc khác chiếm 3,35%).

Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn tỉnh hiện có 45.688 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12,09% tổng số hộ dân; trong đó có 40.475 hộ nghèo đồng bào DTTS, chiếm 25,58% tổng số hộ đồng bào DTTS toàn tỉnh; có 33.866 hộ cận nghèo, chiếm 8,96% tổng số hộ dân; trong đó có 24.839 hộ cận nghèo đồng bào DTTS, chiếm 15,7% tổng số hộ đồng bào DTTS toàn tỉnh.