Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tình trạng “giải cứu” trong lĩnh vực nông nghiệp: Góc nhìn từ chính sách

PV - 10:20, 15/03/2019

Nông nghiệp lâu nay vẫn được xem là “bệ đỡ” của nền kinh tế. Nhưng, trước những khó khăn, bấp bênh trong lĩnh vực này, có ý kiến cho rằng, dù đã có một hệ thống chính sách hỗ trợ nhưng lại đang thiếu một chiến lược đủ tầm để phát triển nông nghiệp bền vững.

Hỗ trợ nhiều, vẫn phải “giải cứu”

Bước vào năm 2019, ngành Nông nghiệp tiếp cận nhiều chính sách mới, được đánh giá là “hết sức cởi mở” để thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững. Có thể kể đến những bước đột phá trong Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 (NĐ 116) sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (NĐ 55).

 Làm nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn vốn lớn. (Ảnh minh họa) Làm nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn vốn lớn. (Ảnh minh họa)

So với NĐ 55 thì NĐ 116 không chỉ mở rộng phạm vi đối tượng được vay vốn mà còn mở rộng cả hạn mức cấp tín dụng đối với nông nghiệp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, Dự án ứng dụng công nghệ cao có thể được cấp tín dụng không có tài sản bảo đảm đến 70% giá trị của Dự án. Thêm vào đó, Dự án còn có thể sử dụng chính tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm.

Để “gia cố” cho ngành Nông nghiệp, trong năm 2018, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 98/2018/NĐ-CP quy định việc liên kết giữa người sản xuất và người tiêu thụ sản phẩm (NĐ 98). Theo đó, các bên tự chủ việc liên kết, ký hợp đồng liên kết; Nhà nước sẽ có một số biện pháp ưu đãi, hỗ trợ nếu các bên thỏa mãn được các điều kiện đề ra và có nhu cầu được hỗ trợ…

NĐ 116, NĐ 98 là sự bổ sung kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển tất yếu của ngành Nông nghiệp trước tình hình mới. Đồng thời, hai chính sách này cũng làm phong phú thêm hệ thống chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực được xem là “bệ đỡ” của nền kinh tế. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp, và tình trạng “giải cứu” vẫn thường xuyên xảy ra.

Thực ra, những “điểm nghẽn” trong sản xuất Nông nghiệp đã được nhận diện. Đó là tình trạng sản xuất manh mún, lạc hậu; là sự lỏng lẻo trong liên kết sản xuất,… Nhưng từ nhận diện đến giải quyết tận gốc vấn đề lại là câu chuyện khác.

Chẳng hạn như, để giải quyết tình trạng manh mún, lạc hậu trong sản xuất nông nghiệp thì phải thực hiện tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư theo hướng hiện đại. Vấn đề này đã được bàn từ nhiều năm nay, được Chính phủ cũng như các đại biểu Quốc hội ủng hộ, nhưng về mặt pháp lý thì hiện vẫn là một khoảng trống.

“Cú hích” chưa đủ tầm?

Trong năm 2018, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (NĐ 57). Đây được kỳ vọng là “cú hích” để thu hút doanh nghiệp làm nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nhưng một vấn đề khiến các chuyên gia kinh tế cũng như doanh nghiệp băn khoăn là quy định về nguồn vốn hỗ trợ. Theo Điều 14 của NĐ 57 thì ngân sách Trung ương và địa phương sẽ dành tối thiểu 5% vốn đầu tư phát triển hằng năm cho ngành Nông nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp. Số vốn hỗ trợ này là quá nhỏ, khó tạo ra sức hút cho doanh nghiệp, nhất là đầu tư vào các tỉnh miền núi.

Lấy tỉnh Hà Giang làm ví dụ. Theo tính toán của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Giang, mỗi năm tỉnh có thể thu xếp được khoảng 30 tỷ đồng từ tổng nguồn vốn đầu tư phát triển ngành Nông nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp. Số vốn hỗ trợ này là quá nhỏ nếu để thu hút những dự án lớn. Đơn cử như với một dự án đầu tư nuôi bò của Tập đoàn TH cũng cần tới 200 tỷ đồng. Đó là chưa kể, tỉnh phải thực hiện “rải mành mành” nguồn vốn này cho nhiều dự án chứ không thể đổ dồn cho một dự án.

Tính rộng ra cả nước, nếu dựa trên nguyên tắc bố trí 5% vốn đầu tư phát triển hằng năm cho ngành Nông nghiệp để thực hiện NĐ 57 thì kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp cũng chẳng đáng là bao. Như năm 2018, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng vốn đầu tư phát triển ngành Nông nghiệp là 231 nghìn tỷ đồng; vị chi nếu thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp theo NĐ 57 thì kinh phí cũng chỉ khoảng 4.620 tỷ đồng; trong khi một dự án nông nghiệp công nghệ cao ít cũng vài chục tỷ đồng, nhiều thì hàng trăm tỷ đồng, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng (như Dự án Khu Nông nghiệp công nghệ cao Đông Quảng Nam có tổng vốn hơn 3.300 tỷ đồng).

Một vấn đề cũng đáng quan tâm trong NĐ 57 là Chính phủ cho phép các bộ, ngành, địa phương được sử dụng lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần phải tính rằng, việc lồng ghép nguồn vốn phải có quy định cụ thể từ trên xuống, nếu không sẽ không thể thực hiện (hiện chưa có quy định cụ thể cho việc lồng ghép vốn này-Pv). Có thể thấy, câu chuyện hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tiếp tục lặp lại vòng luẩn quẩn, chính sách “đẹp” nhưng chưa thực sự phù hợp thực tiễn.

SỸ HÀO