Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tin giả tràn về vùng DTTS và miền núi: Cần bị xử lý nghiêm khắc

Thiên Đức - 11:33, 25/02/2021

Thời gian qua, trong khi các ngành chức năng đang phải căng mình phòng chống dịch bệnh Covid - 19, nhiều đối tượng lại tung tin giả gây hoang mang dư luận. Điều đáng nói, việc tin giả xuất hiện ở các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu vùng xa khiến cho công tác phòng chống dịch vốn đã khó hơn các địa bàn khác lại càng thêm khó khăn.

Các đối tượng tung tin sai sự thật ở Lâm Đồng bị nhắc nhở tại cơ quan Công an
Các đối tượng tung tin sai sự thật ở Lâm Đồng bị nhắc nhở tại cơ quan Công an

Liên tục xuất hiện tin giả

Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Lâm Đồng thông tin, mới đây đơn vị đã xác định được, các trường hợp chỉnh sửa, giả mạo văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học để phòng, chống Covid - 19 từ ngày 19/2.

Cụ thể, ngày 18/2, Phòng An ninh chính trị nội bộ phát hiện trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh văn bản số 781/UBND-VX1, ngày 18/2/2021, của UBND tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, văn bản có nội dung “đồng ý chủ trương cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, sinh viên, học viên nghỉ học từ ngày 19/2/2021”. Đây là văn bản giả mạo, sai sự thật, gây nhiễu loạn thông tin.

Sau khi phát hiện vụ việc, Phòng An ninh chính trị nội bộ phối hợp lực lượng công an các đơn vị, địa phương nhanh chóng điều tra, làm rõ. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 19/2, lực lượng an ninh đã xác định, người làm ra văn bản giả mạo trên là T.T.H (SN 2006, học lớp 9, tại huyện Lâm Hà, Lâm Đồng).

Triệu tập T.T.H lên làm việc, lực lượng chức năng phát hiện thêm một trường hợp khác là B.V.N.H (SN 2006, học sinh lớp 9, tại huyện Lâm Hà), và hơn 20 học sinh khác tại huyện Lâm Hà, TP. Đà Lạt liên quan trực tiếp đến vụ việc.

Đáng nói đây không phải là trường hợp hy hữu. Thời gian qua, các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi liên tiếp xuất hiện tin giả về dịch Covid - 19.

Đơn cử, ngày 17/2/2021, Thanh tra Sở Thông tin Truyền thông Gia Lai cũng phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 7,5 triệu đồng đối với ông H. (SN 1987, trú phường Hoa Lư, TP. Pleiku) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội liên quan đến dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, ngày 2/2/2021, ông H. sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook, đăng tải bài viết có nhiều nội dung sai sự thật như: "Sao Gia Lai lãnh đạo chống dịch toàn đưa phó và đều là nữ ra trực tiếp chỉ đạo chống dịch vậy nhỉ” và “Gia Lai đang loạn, để lọt nhiều lắm, ít bữa nữa có triệu chứng đi khám mới biết ai dính, lúc đó cả Pleiku dính…”.

Cùng với các địa phương Lâm Đồng, Gia Lai, nhiều địa phương khác như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc,Tiền Giang, Khánh Hoà…thời gian qua, cũng liên tiếp phát hiện tin giả về Covid - 19 gây hoang mang dư luận.

Có thể bị xử lý hình sự

Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: "Tình hình đăng tải, đưa thông tin xấu độc, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân diễn ra ngày càng phức tạp, với rất nhiều thủ đoạn. Đặc biệt, chúng tôi cũng phát hiện tấn công mã độc; trong đó có đính kèm những tin tức giả mạo chỉ thị về công tác phòng chống dịch bệnh Covid - 19".

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc & Phát triển về vấn đề này, luật sư Trịnh Thị Toan, Văn phòng luật sư Lê Quốc Hiền nhấn mạnh, hiện nay, nhiều đối tượng (trong đó có học sinh, trẻ vị thành niên) hồn nhiên đăng tin giả về dịch Covid - 19 trên các trang mạng xã hội như, Facebook, Zalo chỉ với mục đích câu view, câu like. Thế nhưng, những trường hợp này gần như không nhận thức được rằng, những thông tin này không chỉ gây hoang mang dư luận mà còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Luật sư Trịnh Thị Toan cho biết, theo quy định hiện hành, người tung tin giả có thể bị xử phạt hành chính 10 - 20 triệu đồng (theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP). Thậm chí, những người này có thể bị xử lý hình sự theo Điều 288 (Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông), với mức hình phạt cao nhất lên tới 7 năm tù.

Có thể nói, việc tung tin giả về dịch Covid - 19, nhất là ở những địa bàn vùng DTTS và miền núi là hết sức nguy hiểm. Bởi đây vốn là vùng lõm thông tin, "sức đề kháng" với thông tin sai sự thật, tin xấu độc còn rất kém. Do đó, ngoài việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong tổ chức xã hội, nhà trường...;thì cơ quan chức năng cần mạnh tay xử phạt nghiêm minh, cần thiết có thể bị xử lý hình sự nhữngi đối tượng tung tin giả, đảm bảo những thông tin chính xác cần thiết đến được với người dân.