Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tín dụng chính sách: Điểm tựa lập nghiệp của thanh niên

Mai Hương - 11:52, 26/03/2024

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, hàng nghìn đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có thêm nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, làm giàu trên chính quê hương. Đồng thời tạo việc làm, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp tại địa phương.

Lãnh đạo NHCSXH huyện Nghĩa Đàn kiểm tra hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay trên địa bàn
Lãnh đạo NHCSXH huyện Nghĩa Đàn kiểm tra hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay trên địa bàn

Điểm tựa cho thanh niên khởi nghiệp, làm giàu

Chị Nguyễn Thị Hồng ở xóm Bình Hải, xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn là một trong những tấm gương ĐVTN tiêu biểu trong phong trào lập nghiệp, phát triển kinh tế tại địa phương. Từ nguồn vốn 50 triệu đồng từ nguồn hộ cận nghèo từ năm 2015 của NHCSXH về đầu tư trồng cam và ổi, đến năm 2020 gia đình chị đã thoát nghèo, sau đó chị lại xin vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn GQVL cộng với nguồn vốn của gia đình gia đình, cộng thêm một ít vốn dành dụm trước đó, chị đã xây dựng mô hình trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGap bao gồm cây ổi, cam và mít.

Vườn cây của chị bước đầu đã phát huy tốt hiệu quả, trong năm qua vườn ổi được mùa, được giá đã cho gia đình chị khoản thu nhập trên 70 triệu đồng, thu nhập từ vườn cam và vườn mít là trên 100 triệu đồng. Ngoài việc có thu nhập, trả lãi hàng tháng, chị đã trả được một phần gốc theo hình thức trả phân kỳ theo quy định của NHCSXH. Tuy mới khởi nghiệp, nhưng Chị Nguyễn Thị Hồng vẫn hỗ trợ kỹ thuật, dạy nghề cho nhiều ĐVTN trong vùng và hướng dẫn họ vay vốn theo kênh này để phát triển sản xuất. “Nhờ có nguồn vốn cho vay từ NHCSXH, tôi và nhiều thanh niên đã lập thân, khởi nghiệp thành công trên mảnh đất quê hương. Những thành công bước đầu này sẽ tạo động lực lập nghiệp cho nhiều ĐVTN khác”, Chị Hồng chia sẻ thêm.

Nhiều thanh niên huyện Quế Phong khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách
Nhiều thanh niên huyện Quế Phong khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách

Hay như nói về mô hình của ĐVTN Hoàng Việt Hùng ở xóm Nam Thắng, xã Nghi Tiến (huyện Nghi Lộc) với mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa, mỗi năm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng. Anh Hùng chia sẻ: “Bước đầu cũng gặp khó khăn về nguồn vốn, tôi được Đoàn thanh niên địa phương giới thiệu vay vốn NHCSXH huyện Nghi Lộc 100 triệu đồng để có thêm vốn nuôi cua thương phẩm. Hiện nay, cua đang phát triển rất tốt, cảm ơn các cấp bộ Đoàn, NHCSXH huyện đã tạo điều kiện cho tôi làm ăn”.

Ông Lê Hồng Tuyên, Giám đốc Phòng Giao dịch (PGD) NHCSXH huyện Nghĩa Đàn cho biết: Hiện nay, PGD đang thực hiện 15 chương trình, tổng dư nợ hơn 643 tỷ đồng, với hơn 11.000 khách hàng đang vay vốn. Trong đó, nguồn vốn cho vay ủy thác qua Đoàn Thanh niên đạt trên 131 tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ cho trên 3000 khách hàng. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn ngày càng có nhiều ĐVTN dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế và đã đạt những kết quả mong đợi, từng bước thoát nghèo, nâng cao thu nhập.

Tín dụng chính sách xã hội là cầu nối hết sức thiết thực, hiệu quả

Thực tế đã chưng minh, việc cho vay ủy thác đã đáp ứng một phần nhu cầu về vốn của nhiều ĐVTN trong đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình. Đồng thời, thông qua hoạt động nhận ủy thác cho vay vốn của NHCSXH, cán bộ Đoàn các cấp trong tỉnh Nghệ An cũng nắm bắt sâu sát hơn tâm tư, nguyện vọng của thanh niên từ cơ sở. Thanh niên có nhu cầu vay vốn được tổ chức Đoàn tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ.

Từ nguồn vốn ủy thác qua Đoàn Thanh niên đã phát huy hiệu quả, giúp ĐVTN có thêm điều kiện phát triển kinh tế tại địa phương
Từ nguồn vốn ủy thác qua Đoàn Thanh niên đã phát huy hiệu quả, giúp ĐVTN có thêm điều kiện phát triển kinh tế tại địa phương

Qua đó, tạo được sự gắn kết giữa tổ chức Đoàn với ĐVTN. Nhờ vậy, hầu hết những trường hợp được vay vốn đều xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của từng địa phương như: Phát triển mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, mô hình trồng dưa trong nhà lưới, mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa…Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 350 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ có mức thu nhập trung bình từ 200 triệu đồng/hộ/năm đến 1 tỷ đồng/hộ/năm.

Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An Lê Văn Lương cho biết: Thực hiện kế hoạch số 598/KH-UBND ngày 16/8/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn Nghệ An. Tỉnh đoàn cùng NHCSXH phối hợp cho vay các đối tượng thanh niên khởi nghiệp bước đầu đạt kết quả tốt. Trong những tháng cuối năm 2023, đã phối hợp cho vay được 41 ĐVTN với số tiền gần 4 tỷ đồng, bước đầu nguồn vốn đã và đang được các ĐVTN sử dụng hiệu quả, hỗ trợ tích cực trong quá trình lập thân, lập nghiệp.

Hiện nay, Đoàn thanh niên tỉnh đang quản lý 1.108 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với tổng dư nợ đạt trên 2.250 tỷ đồng, tăng 345 tỷ đồng so với đầu năm 2023. Hàng tháng, tất cả các Tổ tiết TK&VV đều xếp loại Tốt, tỷ lệ nợ quá hạn của Đoàn Thanh niên quản lý chỉ chiếm 0,04%. Có được kết quả đó là nhờ có sự phối hợp tích cực với tinh thần trách nhiệm cao giữa Tỉnh đoàn và NHCSXH, đặc biệt là chú trọng kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An Lê Văn Lương cho biết thêm.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi chính sách xã hội ngày càng đi vào thực tiễn đời sống, hỗ trợ cho các mô hình của ĐVTN phát triển kinh tế thành công, giúp hàng nghìn thanh niên có cơ hội thể hiện khả năng sáng tạo, làm giàu cho bản thân, giúp ích cộng đồng xã hội, tạo hiệu ứng lan tỏa trong ĐVTN trên toàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An Lê Văn Lương chia sẻ: Trong thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo Đoàn thanh niên các huyện, xã, thị trấn thực hiện tuyên truyền về các chính sách tín dụng ưu đãi, các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; chỉ đạo kiểm tra đối với TK&VV, các hộ gia đình vay vốn và vận động gửi tiết kiệm để góp phần làm tăng nguồn vốn ủy thác của địa phương. Qua đó, tăng cường hỗ trợ giúp thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để khởi nghiệp, lập nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.