Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tín dụng chính sách chưa đẩy lùi tín dụng đen - Vì sao? Tín dụng chính sách “phao cứu sinh” của người nghèo (Bài 1)

Lê Hường - 14:43, 18/02/2021

Nguồn vốn tín dụng từ hệ thống Ngân hàng chính sách đã phát huy hiệu quả tốt trong những năm qua, nhiều hộ nghèo, hộ DTTS vay vốn ưu đãi đã thoát nghèo, kinh tế từng bước ổn định, khá giả hơn. Tuy nhiên, thực tế, rất nhiều người muốn vay nhưng không tiếp cận được nguồn vốn chính thống này nên đã sa chân vào tín dụng đen dẫn đến hậu quả đáng buồn. Do đó, cần phải có cơ chế linh hoạt, thuận lợi hơn để người nghèo có thể tiếp cận vốn chính sách, góp phần ngăn chặn tín dụng đen.

Nhờ nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH gia đình chị H’Nhật Êban Vườn có cà phê xen bơ, sầu riêng cho thu nhập ổn định
Nhờ nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH gia đình chị H’Nhật Êban Vườn có cà phê xen bơ, sầu riêng cho thu nhập ổn định

Dù số tiền được vay không lớn nhưng nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng chính sách đã kịp thời giúp nhiều hộ nghèo có vốn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp để phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Tạo sinh kế cho người nghèo

Đứng trong rẫy cà phê trồng xen bơ xanh mướt, chị H’Nhật Êban, ở buôn Sứt M’Đưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đăk Lăk vui mừng bảo: Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), mình chuyển đổi dần diện tích cà phê già cỗi, trồng xen canh bơ, sầu riêng trong rẫy cà phê. Đến nay, cà phê đã vào thu hoạch chính, còn bơ bắt đầu cho thu chính vụ đầu. Cuộc sống của gia đình bây giờ so với trước đã khá hơn rất nhiều.

Sau khi kết hôn, vợ chồng chị H’Nhật tách hộ ra ở riêng. Gia đình cho 4 sào cà phê già cỗi, lại không có vốn đầu tư chăm sóc và tái canh nên năng suất rất thấp, vợ chồng chị quanh năm đi làm thuê trang trải mọi chi phí. Vì vậy, những năm đầu mới tách hộ gia đình chị thuộc diện nghèo nhất xã. 

Năm 2017, gia đình chị được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư M’gar tạo điều kiện cho vay vốn, với số tiền 30 triệu đồng để tái canh vườn cà phê. Sau 2 năm chăm sóc, vườn cà phê cho thu hoạch lứa đầu được hơn 4 tạ, chị bán gần 15 triệu lấy tiền đầu tư trồng xen bơ, sầu riêng trong vườn cà phê.

“Cà phê giống mới năng suất cao, 4 sào cà phê vụ này mình thu được khoảng 2 tấn cà nhân, với giá thị trường hiện nay, mình trả hết nợ ngân hàng và còn dành được tiền sắm Tết. Từ vụ sau, mình tích lũy tiền mua thêm đất sản xuất để mở rộng diện tích cà phê xen canh cây ăn trái”, chị H’Nhật chia sẻ.

Tương tự, năm 2016, gia đình ông Djung, làng Đak Trôk, xã Đak Yă, cũng được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai cho vay 30 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm. Sử dụng vốn vay để chăm sóc 1.000 cây cà phê, 2.000 cây bời lời và nuôi 4 con bò. 

Có nguồn thu ổn định, hai năm sau, gia đình ông Djung trả nợ ngân hàng trước thời hạn, và tiếp tục được Phòng gia dịch NHCSXH huyện, tạo điều kiện cho vay phát triển sản xuất với số tiền 50 triệu đồng. Ngoài đầu tư chăm sóc vườn cây, ông mua máy xay xát gạo phục vụ bà con trong làng. Đến nay, gia đình ông Djung không chỉ thoát nghèo mà hàng năm thu nhập gần 100 triệu đồng.

Ông Võ Ngọc Hãn, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư M’gar cho biết:  100% hộ vay vốn từ phòng giao dịch sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả, đến hạn trả lãi, trả gốc đúng thời gian. Nhiều hộ sau khi trả nợ đã vay thêm để mở rộng sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế. Nhờ vậy, hàng năm có hàng trăm hộ trên địa bàn huyện vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.

Góp phần giảm nghèo bền vững

Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi, kịp thời từ Ngân hàng chính sách xã hội mà nhiều hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS đã cải thiện đời sống, phát triển kinh tế từng bước thoát nghèo bền vững. Theo báo cáo, năm 2020, NHCSXH tỉnh Đăk Lăk đã cho 47.067 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, với tổng số tiền trên 1.548 tỷ đồng. 

Trong đó, có hơn 17 nghìn lượt khách hàng là đồng bào DTTS đang thụ hưởng, hầu hết các chương trình tín dụng, với tổng dư nợ đạt 1.878 tỷ đồng, chiếm 35,9% tổng dự nợ NHCSXH tỉnh, dư nợ bình quân mỗi hộ đồng bào DTTS đạt 26 triệu đồng. Cùng với hỗ trợ vốn vay, ngân hàng cũng thực hiện cơ chế xoay vòng vốn linh hoạt hơn để hỗ trợ người dân trong quá trình trả lãi, trả nợ.

Một hộ dân ở huyện Cư M’Gar tỉnh Đăk Lăk phát triển đàn dê từ nguồn vốn Ngân hàng CHXH
Một hộ dân ở huyện Cư M’Gar tỉnh Đăk Lăk phát triển đàn dê từ nguồn vốn Ngân hàng CHXH

Đối với NHCSXH tỉnh Gia Lai, năm 2020 cũng đã cho 50.174 lượt người được vay vốn, với tổng số tiền 1.748,6 tỷ đồng. Trong đó, tạo điều kiện cho 5.625 lượt hộ nghèo vay với tổng số vốn 211,5 tỷ đồng; 9.337 hộ cận nghèo vay với số tiền 383,3 tỷ đồng; 7.953 lượt hộ mới thoát nghèo, với số tiền 331,6 tỷ đồng; 10.774 lượt hộ vùng khó khăn vay sản xuất kinh doanh với số tiền 385,3 tỷ đồng…Tính đến 31/12/2020, tổng dư nợ đạt 4.895,6 tỷ đồng, tăng 310,7 tỷ đồng so năm 2019 với 140.209 hộ dư nợ.

Ông Lê Văn Chí, Giám đốc NHCSXH tỉnh Gia Lai cho biết: Tình hình dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân, ảnh hưởng nặng nhất, là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. NHCSXH tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ kịp thời, từng bước khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống cho người nghèo bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Đồng thời, cũng đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chuyển nguồn ngân sách địa phương cho NHCSXH để tạo lập nguồn vốn. Tranh thủ nguồn vốn Trung ương, tích cực thu nợ cho vay quay vòng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách; triển khai các chương trình tín dụng chính sách sát với thực tế, gắn với giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Hoạt động vốn tín dụng chính sách, đã góp phần quan trọng vào giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh Gia Lai còn 4,5%, giảm 2,5% so năm 2019; 18 xã được công nhận nông thôn mới năm 2020. 

Có thể nói, nguồn vốn chính sách đã và đang phát huy hiệu quả hữu ích như vậy, nhưng trong thực tế, tín dụng đen vẫn vươn vòi bạch tuộc đến các buôn làng, gây nên những hậu quả nghiêm trọng... Nguyên nhân của vấn nạn này là từ đâu? Báo Dân tộc và Phát triển sẽ thông tin đến bạn đọc ở kỳ báo sau.