Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tìm hướng đi cho du lịch đường sông TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long

Tào Đạt - 20:10, 30/11/2024

Ngày 30/11, tại TP. Cần Thơ, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ tổ chức Tọa đàm “Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đường sông và công bố tuyến du lịch đường sông kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, cho rằng điểm đến trên bờ kết nối với du lịch đường sông rất quan trọng
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, cho rằng điểm đến trên bờ kết nối với du lịch đường sông rất quan trọng

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, đã chỉ ra những lợi thế của vùng sông nước phương Nam như: Hệ thống sông ngòi dày đặc, dài hơn 28.000km; đa dạng về văn hóa, đặc biệt là văn hóa sông nước phương Nam gắn với đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, với hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Nhà Bè kết nối với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), TP. Hồ Chí Minh có rất nhiều cơ hội để hình thành các chương trình du lịch đến miền Tây Nam bộ bằng đường thủy. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ các sản phẩm đặc trưng của ĐBSCL là du lịch sinh thái, văn hóa sông nước, miệt vườn, nghỉ dưỡng và biển đảo.

Trong nhiều năm qua, nhằm thu hút khách du lịch và gia tăng sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của các điểm đến ở phía Nam, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL đã liên kết, hợp tác xây dựng nhiều sản phẩm, góp phần gia tăng lượng khách đến với vùng. Tuy nhiên, các sản phẩm liên tuyến chủ yếu vẫn là sản phẩm trải nghiệm bằng đường bộ, chưa phát huy được lợi thế sông nước của cả vùng.

Do đó, nhằm phát huy thế mạnh sông nước và văn hóa sông nước của vùng trong xây dựng các sản phẩm, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch về phát triển du lịch đường thủy, trong đó có định hướng xây dựng các sản phẩm tầm trung và tầm xa đi các tỉnh lân cận và ngược lại.

Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức đoàn khảo sát tuyến điểm du lịch đường sông kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành ĐBSCL gồm Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Trà Vinh và Bến Tre để đánh giá thực trạng cầu bến, các cơ sở dịch vụ du lịch; các tuyến du lịch dọc tuyến sông, nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đường sông chất lượng cao và đa dạng.

Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cũng gợi mở về du lịch đường sông có thể kết nối ra biển gắn với với các đảo (Phú Quốc, Côn Đảo, Nam Du….). Đây sẽ là bước đột phá để xây dựng liên kết du lịch vùng gắn với TP. Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ phát biểu tại tọa đàm
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ phát biểu tại tọa đàm

Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đánh giá: TP. Hồ Chí Minh đóng vai trò cửa ngõ thu hút khách quốc tế lớn nhất Việt Nam lan tỏa thúc đẩy du lịch vùng ĐBSCL và các vùng khác phát triển. Vùng ĐBSCL có diện tích hơn 40.000km2, bờ biển dài 700km, dân số trên 18 triệu người.

Năm 2024, lượng khách đến ĐBSCL ước đạt trên 52 triệu lượt, tổng thu từ du lịch đạt trên 62.000 tỉ đồng. Riêng TP. Cần Thơ, tổng lượng khách đến tham quan, du lịch ước đạt 6,3 triệu lượt, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 6.226 tỉ đồng.

Du lịch đường sông là một trong các loại hình quan trọng của ngành Du lịch toàn cầu. Loại hình này góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, làm phong phú thêm các loại hình du lịch, từ du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm đến du lịch lịch sử và văn hóa thông qua trải nghiệm vẻ đẹp của thiên nhiên, hệ sinh thái và hệ thống di sản văn hóa ven sông. Phát triển du lịch đường sông cũng sẽ thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng, như cảng du lịch, bến tàu và các khu vực xung quanh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Quang cảnh tọa đàm
Quang cảnh Tọa đàm

Bàn về giải pháp phát triển du lịch đường sông kết nối TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL, ông Trần Tường Huy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch Xã hội, nhận định, trước hết, cần phải có chính sách thuận lợi, tháo gỡ các rào cản pháp lý về đầu tư, quy hoạch thuê đất. Đối với các bến bãi hiện hữu, cần tiếp tục đầu tư thêm không gian và các dịch vụ du lịch đi kèm.

Phương tiện vận chuyển đường sông cần đầu tư phù hợp với lịch trình tuyến và đa dạng hóa để tạo nên sự phong phú cho sản phẩm du lịch đường sông với các loại như: cano, tàu tham quan, tàu có lưu trú, du thuyền... Đầu tư cải tạo, đặt báo hiệu để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa. Xây dựng các bờ kè bảo vệ, đặc biệt các đoạn bờ đang bị sạt lở.

Trường hợp xây dựng thêm bến mới phải dựa trên việc đánh giá hiệu quả tài nguyên du lịch để tạo hiệu quả trong khai thác, dự báo được cầu tàu neo đậu được nhiều loại phương tiện khác nhau, đặc biệt là các tàu có khả năng liên kết trong khai thác với vùng ĐBSCL...

Du khách tham quan, trải nghiệm trên sông Cần Thơ
Du khách tham quan, trải nghiệm trên sông Cần Thơ

Tọa đàm cũng nhận được nhiều các tham luận, ý kiến thảo luận của các chuyên gia, các nhà quản lý đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, giao thông, môi trường ở Trung ương và địa phương; các nhà nghiên cứu từ các Viện nghiên cứu, trường đại học trên toàn quốc.

Các tham luận đã đặt ra nhiều vấn đề đối với việc phát triển du lịch đường sông ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL… Đồng thời nhấn mạnh đến phát triển du lịch đường sông đòi hỏi sự cân bằng tinh tế giữa bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường và tính bền vững kinh tế.

Tin cùng chuyên mục
Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Ngày 4/12, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị truyền thông tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, Trung học cơ sở xã Bắc La.