Phần lễ trong Lễ hội Gầu Tào được tổ chức tại khu đất rộng có dựng cây nêu, đây cũng là vị trí thầy cúng thực hiện các nghi lễ. Ảnh Hà Minh HưngNăm 2021, tôi và Thào Hoàng Hải, học sinh Trường THPT Sìn Hồ quyết định tham gia Hội thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp tỉnh với dự án “Bảo tồn và phát huy Lễ hội Gẩu Tò (Gầu Tào) của đồng bào dân tộc Mông ở Sìn Hồ”. Chúng tôi mong muốn góp một phần nhỏ để bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của Lễ hội Gầu Tào, để lễ hội ấy mang những đặc điểm riêng của người Mông ở Sìn Hồ chứ không phải ở một nơi nào khác.
Hành trình đi tìm hồn cốt của Lễ hội Gầu Tào ở Sìn Hồ may mắn khi tôi gặp anh Sùng A Dờ (lúc ấy là Chủ tịch xã Sà Dề Phìn). Anh là người luôn tâm huyết, trăn trở bảo tồn văn hóa của dân tộc Mông. Anh đã đi khắp nẻo Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái… để nghiên cứu về Lễ hội Gầu Tào của người Mông tại các địa phương. Sau nhiều năm, cùng với những ghi chép về “Văn hóa dân tộc Mông” của bác Mùa A Tủa, cố Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ, anh Sùng A Dờ đã phục dựng, tổ chức thành công Lễ hội Gầu Tào ở Sà Dề Phìn. Anh Sùng A Dờ tâm sự: “May mà trước lúc về với tổ tiên, bác Tủa còn ghi lại được chứ bây giờ Lễ hội nó khác xưa nhiều lắm”.
Đúng là khác thật. Tôi hỏi nhiều bạn trẻ về Lễ hội, về những đặc trưng nhất của văn hóa dân tộc Mông nhưng nhiều bạn vẫn mơ hồ. Vì thế, khi tôi đề xuất mong muốn được tìm hiểu sâu về Lễ hội Gầu Tào thì anh Dờ đề nghị: Cô gặp ông Gió đi, sau bác Tủa thì ông Gió là người biết nhiều nhất ở vùng này.
Thi giã bánh giầy trong Lễ hội Gầu Tào. Ảnh Hà Minh HưngAnh Dờ cho biết thêm, mấy năm tổ chức Lễ hội Gầu Tào ở Sìn Hồ, già Gió chính là chủ tế. Thiếu người chủ tế thì linh hồn của Lễ hội sẽ chẳng có nữa. Người chủ tế trong Lễ hội Gầu Tào nhất thiết phải là người am hiểu văn hóa, có uy tín và mang ý nghĩa tâm linh và là người có thể “kết nối” được với thần linh, trời đất và tổ tiên của người Mông.
Già Gió được coi là người nắm giữ linh hồn tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Mông ở Sà Dề Phìn. Khi biết tôi vào gặp già để khai thác tư liệu làm dự án, ánh mắt của già trở nên vui vẻ khác thường. Trong cái rét căm căm của Sìn Hồ cuối Xuân, bếp lửa bập bùng, già Gió nói: “Gần 100 năm nay mới có ngày vui như thế”!
“Ngày vui” ấy chính là ngày Lễ hội Gầu Tào ở Sìn Hồ được tổ chức lại sau rất nhiều năm bị quên lãng. Lễ hội Gầu Tào diễn ra từ ngày mùng 6 đến hết ngày 12 tháng 01 âm lịch. “Ngày xưa, người Mông tổ chức Lễ hội Gầu Tào cùng với dịp Lễ cơm mới. Người Mông mình cũng ăn cái Tết chung với Tết dân tộc nên chính quyền xã, trưởng các dòng họ Mông họp bàn và chọn vào dịp đầu Xuân mới tổ chức để bà con các dân tộc khác cũng chơi Xuân được”, già Gió kể.
Già Gió giơ bàn tay gầy guộc về phía mặt trời đang lùi sau đỉnh núi, nơi con suối Vái Dê như dải lụa bạch trên cái nền xanh thẳm của rừng núi và nói: “Đó là nơi hạ cây nêu khi Lễ hội Gầu Tào tàn cuộc. Còn sáng sớm ngày mùng 6, khi mặt trời chưa ngủ dậy thì thanh niên, trai tráng trong bản đã đi rừng chọn cây nêu để dựng ở phía mặt trời mọc kia kìa”.
Khi bình minh rạng rỡ phía ấy, cây nêu đã dựng lên để đón ánh mặt trời. Khi ấy đất trời hội tụ thì giữa bãi đất rộng thênh thang, già Gió thắp hương hành lễ. Phần lễ linh thiêng được già Gió thực hiện rất chu đáo. Lễ vật nhất thiết phải có gà trống, tiền bạc giấy, rượu và nông sản người Mông làm ra để tạ ơn trời đất, thần linh và tổ tiên người Mông đã phù độ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, anh em các dòng họ người Mông đoàn kết cùng phát triển.
Các thiếu nữ Mông trổ tài thêu thùa trong không gian văn hóa tại Lễ hội Gầu Tào. Ảnh Hà Minh HưngSau phần lễ mới đến phần hội kéo dài suốt cả ngày đêm với rất nhiều trò chơi dân gian như: Nhảy bao, đẩy gậy, đánh tù lu, ném còn… Tôi đặc biệt ấn tượng với màn hát qua ống bơ sợi chỉ. Nó gần giống như cách hát giao duyên của liền anh, liền chị ở hội Lim nhưng có nhiều điểm hấp dẫn riêng. Mỗi một cặp đôi tham gia hát cùng nhau đều có một mối quan hệ nào đó. Nếu không phải là đang yêu nhau, thích nhau thì họ cũng đã từng yêu. Nhờ có hội Xuân mới có cơ hội gặp lại. Vì thế, lời hát bằng ngôn ngữ riêng nhưng người nghe vẫn cảm nhận được nỗi nhớ da diết họ gửi đến nhau. Người trẻ hát dân ca với giọng khấp khởi, vui mừng; người già hát dân ca trầm bổng vọng núi rừng chiều Xuân. Có người kéo dây chỉ nối ống bơ hát lời hò hẹn. Có cặp hát lại nhìn nhau ngấn lệ, lời hát run run mà khó tả. Chỉ nhìn cách họ cầm ống đặt lên môi để đáp lời đối phương cũng thấy lòng lâng lâng những nỗi niềm…
Những ngày hội Gầu Tào ở Sà Dề Phìn, người Mông ở các xã lân cận cùng đổ về chật kín con đường nhỏ vốn dĩ bình yên mỗi khi chiều về. Hội chưa tàn, thấp thoáng trên nương chè, nương ngô sau vụ thu hoạch là những cặp đôi cảm mến nhau, gặp gỡ, hò hẹn. Phía đầu núi, tiếng sáo, tiếng khèn lá cứ ngân vang trong gió khiến tôi cứ ngây ngất như chính mình là chủ nhân của cuộc hẹn.
Mùa Xuân năm nay, người Mông ở Sìn Hồ đã có một Lễ hội Gầu Tào mang dấu ấn trên hành trình di trú từ thuở xa xưa. Trong khí Xuân phảng phất, tôi thấy ấm lòng, bởi sau rất nhiều năm Lễ hội Gầu Tào đã được hồi sinh.