Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tìm giải pháp khôi phục đàn voi nhà

PV - 14:33, 17/06/2019

Trong khi đàn voi nhà ở Đăk Lăk đang ngày càng già, số lượng suy giảm nhanh chóng, nhưng gần 30 năm qua, voi nhà không sinh sản khiến công tác bảo tồn voi càng gặp nhiều khó khăn. Trung tâm Bảo tồn Voi Đăk Lăk đã nghiên cứu, tìm giải pháp khôi phục khả năng sinh sản của đàn voi nhà. Đến nay, Trung tâm đã ghép 8 cặp voi cho giao phối, trong đó 3 con voi cái đã mang thai.

Một con voi cái trong thời kỳ mang thai. Một con voi cái trong thời kỳ mang thai.

Trước thực trạng đàn voi nhà suy giảm nhanh chóng và không sinh sản trong nhiều năm, năm 2013, UBND tỉnh Đăk Lăk phê duyệt Dự án khẩn cấp bảo tồn voi đến năm 2020, với tổng mức đầu tư 84,6 tỷ đồng. Mục tiêu của Dự án là quản lý bền vững quần thể voi hoang dã, giảm thiểu khả năng xung đột giữa voi và người. Đồng thời, bảo tồn văn hóa bản địa, tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường sinh thái, khôi phục, bảo vệ nguồn gen động, thực vật nguy cấp quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi. Đặc biệt, việc nghiên cứu, tìm kiếm các phương án khả thi cho voi nhà sinh sản là một nhiệm vụ hết sức cấp bách.

Theo Dự án, đàn voi hoang dã và voi nhà sẽ được theo dõi, chăm sóc sinh sản tại 2 Trạm Bảo tồn voi đặt ở huyện Ea Súp và Lăk. Không gian quy hoạch cho voi khoảng 350ha đất rừng để tạo sinh cảnh sống tự nhiên cho đàn voi và xây dựng bệnh viện chăm sóc voi. Sau 6 năm triển khai, đến nay đàn voi nhà hiện nay được theo dõi về sức khỏe, quản lý, lập hồ sơ lý lịch, khám chữa bệnh định kỳ, lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra các chỉ tiêu sinh lý, tẩy ký sinh trùng… bằng phương pháp chữa trị truyền thống kết hợp với các phương pháp chẩn đoán thú y hiện đại.

Tháng 8/2016, UBND tỉnh cho phép Trung tâm Bảo tồn Voi triển khai Đề tài khoa học “Nghiên cứu khả năng sinh sản voi thuần dưỡng tại Đăk Lăk” nhằm xác định khả năng sinh sản của đàn voi, đề xuất các giải pháp để cải thiện khả năng sinh sản của voi nhà. Trung tâm Bảo tồn Voi đã lấy mẫu máu làm xét nghiệm để xác định chu kỳ động dục và phát hiện sớm voi cái mang thai để có phương án chăm sóc phù hợp. Việc xác định chính xác chu kỳ động dục của voi cái và voi đực giúp Trung tâm Bảo tồn Voi cùng với các chủ voi chọn được thời điểm thích hợp để tiến hành thả voi cho chúng tự do ghép cặp, giao phối với nhau, tăng khả năng sinh sản của voi và bước đầu đạt kết quả.

Mới đây, Trung tâm Bảo tồn Voi vừa tổ chức Hội thảo “Kết quả nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trên voi thuần dưỡng tại Đăk Lăk và đề xuất một số giải pháp khôi phục khả năng sinh sản”. Theo báo cáo, hiện 8 cá thể voi cái có nhu cầu động dục bình thường và có thể sinh sản; 14 cá thể voi đực còn khả năng giao phối sinh sản. Trung tâm Bảo tồn Voi áp dụng những tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong nghiên cứu cũng như hỗ trợ đàn voi nhà sinh sản, ghép cặp cho voi giao phối và đã có 3 voi cái mang thai.

Từ khi mang thai, voi cái được thả về rừng ăn uống và nghỉ ngơi, dưỡng thai. Ngoài thức ăn kiếm trong rừng, chủ voi còn cắt cử người hằng ngày vào cắt chuối cho voi ăn, dẫn đi uống nước. Voi được bố trí nơi nghỉ dưỡng trong điều kiện tự nhiên, không khí mát mẻ, yên tĩnh, cách xa khu dân cư để “vượt cạn”. Tuy nhiên, 2 cá thể voi đã sinh sản nhưng không thành công, voi con đã chết trong quá trình chuyển dạ. Hiện vẫn còn 1 con voi cái đang mang thai, dự kiến sẽ sinh con vào tháng 2/2020.

Tại Hội thảo, Ban Chủ nhiệm Đề tài đề xuất các giải pháp khôi phục khả năng sinh sản của đàn voi nhà Đăk Lăk như: tiếp tục thực hiện lấy máu, kiểm tra khả năng sinh sản của 8 cá thể voi tham gia nghiên cứu và những cá thể voi cái khác dưới 45 tuổi để xác định thời điểm rụng trứng thả giao phối sinh sản; sớm hoàn thiện khu nuôi nhốt voi tại huyện Buôn Đôn để thả voi tự do cho giao phối. Do số voi cái trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk trên 35 tuổi, vượt ngưỡng tuổi sinh sản tốt nhất của voi, cần bổ sung nguồn giống hoặc hợp tác quốc tế để đề nghị các nước trong khu vực hỗ trợ nguồn giống sinh sản.

LÊ HƯỜNG