Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tiếp tục tiến hành và xét nghiệm thật nhanh để kiểm soát dịch

PV - 18:02, 08/08/2020

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị, thành phố Hà Nội phải coi vấn đề xét nghiệm là điểm mấu chốt, quan trọng đầu tiên trong kiểm soát dịch. Chỉ có xét nghiệm, mới có thể khoanh vùng được một cách nhanh chóng. Bộ sẽ hỗ trợ Hà Nội triển khai xét nghiệm RT- PCR.

Đồng chí Nguyễn Thanh Long phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Đồng chí Nguyễn Thanh Long phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Ngày 8/8, đồng chí Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng đoàn công tác của Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội.

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội; đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố, lãnh đạo vụ, đơn vị của Bộ Y tế; các sở, ngành, đơn vị liên quan của thành phố Hà Nội

Xét nghiệm tối đa của thành phố có thể đạt hơn 5.600 mẫu/ngày

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, qua rà soát, thống kê đến nay, toàn thành phố có hơn 96.400 người về từ Đà Nẵng, trong đó có 74.900 người về từ ngày 15/7 đã được thực hiện xét nghiệm. Tính đến sáng 8/8, thành phố ghi nhận 5 ca mắc tại cộng đồng có liên quan đến Đà Nẵng.

 Theo Sở Y tế Hà Nội, do lượng người từ Đà Nẵng về thành phố rất lớn và chưa tuân thủ việc cách ly nên nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn thành phố là rất lớn. Hiện, thành phố đã chuẩn bị 1.000 giường bệnh và 1 bệnh viện dã chiến, bảo đảm công tác tiếp nhận điều trị người bệnh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội có 4 máy RT-PCR công suất 1.000 mẫu/ngày; có khả năng đặt thêm được 5 máy RT-PCR, khi đó sẽ có tổng cộng 9 máy và nâng công suất lên từ 3.200 mẫu/ngày.

Ngoài ra, Hà Nội có thêm 11 bệnh viện thực hiện được xét nghiệm RT-PCR, gồm 8 bệnh viện công lập và 3 bệnh viện ngoài công lập có tổng công suất 2.484 mẫu/ngày. Như vậy, công suất xét nghiệm tối đa của thành phố có thể đạt hơn 5.600 mẫu/ngày. Từ hôm nay, Hà Nội bắt đầu triển khai xét nghiệm RT-PCR cho người dân trở về từ Đà Nẵng…

Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Bệnh viện Phổi trung ương, Bệnh viện Nhi trung ương... đã có báo cáo về năng lực xét nghiệm RT-PCR. Các đơn vị này khẳng định sẵn sàng hỗ trợ ngành Y tế Thủ đô triển khai xét nghiệm cho người dân trở về từ Đà Nẵng.

Đề cập vấn đề nâng cao kiểm soát dịch tại các cơ sở y tế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) lưu ý, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố phải nâng cao bài học cảnh giác, tránh để xảy ra tình trạng như Bệnh viện Đà Nẵng. Riêng một số bệnh viện điều trị bệnh nhân có bệnh nền, có khoa cấp cứu, khoa hồi sức phải quan tâm đến vấn đề sàng lọc người bệnh, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm. Bởi, tại những nơi này, nếu chỉ để lọt một bệnh nhân là nguy cơ rất cao.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đề xuất 5 vấn đề đối với Bộ Y tế. Trong đó, đề nghị các bệnh viện của Bộ hỗ trợ thành phố cho phép được chuyển ngay các mẫu xét nghiệm RT-PCR đến ngay trong chiều nay. Đồng thời, đề nghị, kinh phí xét nghiệm cho các tất cả các trường hợp được Bộ Y tế hỗ trợ. Còn về công tác khám, chữa bệnh, hiện các trường hợp mắc COVID-19 của thành phố được chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2. Khi nào, bệnh viện này quá tải, thành phố sẽ bắt đầu chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Thăng Long và tiếp đến là Bệnh viện dã chiến Mê Linh.

 Bộ Y tế hỗ trợ tối đa cho Hà Nội trong phòng, chống dịch COVID-19

Phát biểu tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị, thành phố phải coi vấn đề xét nghiệm là điểm mấu chốt, quan trọng đầu tiên trong kiểm soát dịch. Chỉ có xét nghiệm, chúng ta mới có thể khoanh vùng được một cách nhanh chóng.

Đồng chí Nguyễn Thanh Long cho rằng, Hà Nội là vùng có nguy cơ cao bởi, lượng người dân của Thủ đô trở về từ Đà Nẵng rất lớn. Bộ sẽ hỗ trợ Hà Nội triển khai xét nghiệm RT- PCR. Cụ thể, 4 đơn vị trực thuộc Bộ được phân công tiến hành xét nghiệm cho khoảng 70.000 người dân Thủ đô bằng kỹ thuật RT-PCR. Bộ Y tế hỗ trợ hoàn toàn việc xét nghiệm cho Hà Nội và tiến hành làm thật nhanh.

Đồng ý với kiến nghị của Hà Nội, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Trung ương sẵn sàng tiếp nhận cho Hà Nội nếu như số lượng nhiễm cao hơn. Trước mắt, Bộ giao Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tiếp tục tiếp nhận các bệnh nhân của Hà Nội, nếu tăng lên, sẽ có kịch bản tiếp theo cho phù hợp.

"Chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa, cấp độ cao trong công tác phòng, chống dịch của Hà Nội để giữ an toàn cho Thủ đô trong mọi tình huống, Bộ Y tế cũng cử chuyên gia hỗ trợ cho Hà Nội trong thời gian tới đây”, đồng chí Nguyễn Thanh Long khẳng định./.