Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tiếng chiêng làng Grang

PV - 11:01, 07/08/2019

Làng Grang là 1 trong 3 làng thuộc xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai có đông đồng bào DTTS sinh sống. Dù điều kiện kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn, nhưng cộng đồng người Jrai nơi đây luôn có ý thức xây dựng đời sống văn hóa và tích cực lưu giữ văn hóa cồng chiêng của dân tộc.

Dưới mái nhà rông của làng, già làng Siu Lý nâng niu mang 2 bộ cồng chiêng quý ra cẩn thận lau chùi từng chiếc. Theo già Siu Lý chia sẻ: Đây là 2 bộ chiêng cuối cùng của làng nên đối với bà con trong làng, cồng chiêng là báu vật quý giá. Trong đó có 1 bộ do Siu Phiu, một hộ dân trong làng tặng lại trước lúc lâm chung cách đây 2 năm.

Bộ chiêng này đánh rất hay, âm thanh chuẩn nên thường được dân làng đánh vào những ngày lễ. Lúc chiêng còn ở nhà Siu Phiu, nhiều người tìm đến ngỏ ý mua với giá cao nhưng bà Phiu không bán. Sau này bà đổ bệnh, biết làng còn ít chiêng, bà liền tặng lại với hy vọng người dân làng này có thể giữ gìn nó và mong dân làng Grang sẽ đoàn kết, cùng nhau luyện tập nhằm gìn giữ nét đẹp văn hóa cồng chiêng của dân tộc.

Già làng Siu Lý và nghệ nhân Kpuih Don là những người tích cực gìn giữ nét đẹp của văn hóa cồng chiêng tại làng Grang. Già làng Siu Lý và nghệ nhân Kpuih Don là những người tích cực gìn giữ nét đẹp của văn hóa cồng chiêng tại làng Grang.

Còn bộ chiêng thứ 2 là dân làng Grang góp mỗi nhà 500.000 ngàn đồng để mua với giá 33 triệu đồng. Khi mua được chiêng, người dân làng Grang vui mừng phấn khởi, kéo nhau ra nhà rông để ăn mừng ngày chiêng về làng, cùng nhau đánh những bản nhạc hay và thưởng thức nó.

Già Siu Lý là một nghệ nhân chỉnh chiêng giỏi nhất làng Grang và cũng là Người có uy tín trong làng. Ông động viên bà con cùng nhau giữ gìn những nét đẹp truyền thống quý báu của dân tộc. Đặc biệt là văn hóa cồng chiêng. Già đã dạy đánh chiêng cho nhiều thế hệ trẻ trong làng. Để giữ cho tiếng chiêng luôn ngân nga, làng Grang còn thành lập được 2 đội chiêng, đội chiêng người lớn và đội chiêng thiếu niên.

Đội chiêng người lớn thường xuyên được đi biểu diễn, còn đội chiêng thiếu niên vẫn còn đang tập luyện. Đặc biệt, với những bài khó đánh thì những nghệ nhân lớn tuổi sẽ trực tiếp đứng ra chỉ dạy cho lớp trẻ. Năm 2018, đội chiêng làng Grang đã vinh dự góp mặt tại sự kiện Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Ông Kpuih Don, nghệ nhân đánh chiêng làng Grang, cho biết: “Vào những ngày lễ, người lớn trong làng thường cho các cháu nhỏ đi nghe đánh chiêng nhằm khơi gợi tình yêu chiêng cho thế hệ trẻ. Đồng thời nhắc cho các cháu biết văn hóa dân tộc của ông bà ta để lại từ ngày xưa”.

Khi biết làng Grang còn giữ chiêng quý, nhiều người cũng đã tìm đến hỏi mua với giá rất cao nhưng người dân nơi đây không bán. Hiện, làng Grang không chỉ có những người đánh chiêng hay, người chỉnh chiêng tài mà còn có một cộng đồng có ý thức bảo vệ văn hóa truyền thống. Tại nhà rông, người dân vẫn giữ 1 cây đàn T’rưng để đánh trong những ngày lễ lớn. Ở làng Grang hiện vẫn còn giữ được nghề tạc tượng gỗ, một nghề truyền thống đang dần mai một từng ngày tại các làng đồng bào DTTS lân cận.

Anh Phạm Anh Trung, Bí thư Đoàn xã Ia Phìn cho biết: Hiện làng Grang còn giữ được 2 bộ cồng chiêng, mỗi bộ gồm 36 chiếc và 1 cây đàn T’rưng, tất cả hiện đang được lưu giữ tại nhà rông. Đời sống văn hóa của dân làng Grang rất sôi nổi, vừa rồi đội chiêng thanh niên của làng tham gia lễ hội cồng chiêng do Huyện Đoàn Chư Prông tổ chức và đạt giải Khuyến khích.

THÙY DƯƠNG - LÊ HƯỜNG