Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tiêm phủ vaccine nhanh nhất cho các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên

PV - 21:12, 05/11/2021

Bộ Y tế bảo đảm đủ nguồn vaccine phòng COVID-19 để các tỉnh Nam Bộ, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên tiêm phủ vaccine nhanh nhất cho 100% người trên 18 tuổi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên phải khẩn trương tiêm phủ 100% mũi 1 nhanh nhất cho người dân trên 18 tuổi trên tinh thần “tính bằng giờ, bằng ngày”. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên phải khẩn trương tiêm phủ 100% mũi 1 nhanh nhất cho người dân trên 18 tuổi trên tinh thần “tính bằng giờ, bằng ngày”. Ảnh: VGP/Đình Nam

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM; Bộ Y tế; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Giao thông vận tải; Văn phòng Chính phủ; 8 địa phương (Cần Thơ; Bạc Liêu; Kiên Giang; Sóc Trăng; An Giang; Tiền Giang; Đắk Lắk; Gia Lai)… về các biện pháp phòng, chống dịch, diễn ra chiều muộn 5/11, tại Hà Nội.

Số ca mắc tăng do người về từ địa bàn có dịch

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo 8 địa phương nhận định chung, trong khoảng 14 ngày qua, số ca mắc COVID-19 (F0) có xu hướng tăng, trong đó, phần lớn các ca mắc được phát hiện trong cộng đồng. Đáng chú ý, một số địa phương có số ca mắc cao như Cần Thơ (440 ca/ngày), Bạc Liêu (414 ca/ngày), An Giang (355 ca/ngày)…

Nguyên nhân số ca mắc tăng cao chủ yếu do người trở về từ các vùng có dịch (2% tổng số người trở về các địa phương); các địa phương nới lỏng giãn cách nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; lượng người dân di chuyển lớn cùng với tâm lý chủ quan. Đáng lưu ý, một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất trở lại nhưng vẫn chưa thực hiện đầy đủ hướng dẫn của Bộ Y tế…

Trong bối cảnh đó, các địa phương tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng. Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết, với mục tiêu nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trong thời gian sớm nhất, thành phố đang thực hiện xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng để ngăn chặn dịch bệnh cho đến khi đạt tỷ lệ phủ vaccine cần thiết. Bên cạnh đó, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra với các doanh nghiệp sản xuất trở lại; củng cố lực lượng cơ sở để ứng phó với dịch bệnh.

Tương tự, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh có chủ trương sàng lọc, xét nghiệm nhanh trong cộng đồng, đặc biệt ở những khu vực nguy cơ cao; từ đó, phong tỏa hẹp để tiếp tục sàng lọc nhằm mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trên quy mô từng xã, huyện. Cùng với việc tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, các khu điều trị tập trung chú trọng việc nâng cao sức khỏe cho các F0 để hạn chế chuyển nặng.

Cùng với các giải pháp xét nghiệm, điều trị, lãnh đạo tỉnh An Giang cho biết, địa phương này tăng cường thành lập Bộ phận phản ứng nhanh tại xóm/ấp/khu dân cư nhằm kịp thời phát hiện nhanh, quản lý từng hộ dân để truy vết, khoanh vùng; tầm soát nguy cơ cao…

Một số địa phương như Kiên Giang, Tiền Giang đã triển khai thí điểm điều trị F0 tại nhà.

Các địa phương cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, theo dõi thường xuyên để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; cải thiện hệ thống y tế cơ sở để hỗ trợ cách ly F1 và điều trị F0 không có triệu chứng tại nhà; có phương án, chính sách để phối hợp y tế công và tư nhân trong điều trị bệnh nhân mắc COVID-19; công nhận xét nghiệm nhanh do doanh nghiệp tự triển khai để giảm tải cho lực lượng y tế…

Do tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 cho người trên 18 tuổi của 8 địa phương đạt từ 70-94% nhưng tỷ lệ tiêm mũi 2 rất thấp, lãnh đạo các địa phương kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương phân bổ đủ vaccine để các địa phương triển khai thực hiện tiêm phủ 2 mũi vaccine cho người dân trên 18 tuổi; phân bổ đủ vaccine Pfizer tiêm cho trẻ em trên địa bàn. Một số địa phương kiến nghị Trung ương hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế… để phòng, chống dịch.

Nguyên nhân số ca mắc tăng cao tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên chủ yếu do người trở về từ các vùng có dịch (2% tổng số người trở về các địa phương). Ảnh: VGP/Đình Nam
Nguyên nhân số ca mắc tăng cao tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên chủ yếu do người trở về từ các vùng có dịch (2% tổng số người trở về các địa phương). Ảnh: VGP/Đình Nam

Giám sát tất cả người về từ TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM và các tỉnh phía nam đề nghị lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố này yêu cầu Sở Y tế đánh giá, theo dõi tỷ lệ mắc cũng như chuyển nặng của những người đã tiêm mũi 1, mũi 2 và chưa tiêm… từ đó có phương án ứng phó phù hợp, bám sát tình hình thực tế tại từng địa phương.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong 7 ngày qua, tỷ lệ xét nghiệm dương tính trong số những người trở về từ các vùng có dịch chiếm khoảng 2%. Trong khi đó, hiện đã xuất hiện tư tưởng chủ quan của người dân trong đi lại, sinh hoạt sản xuất cũng như công tác chủ động phát hiện, khai báo. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương phân tích, rà soát kỹ khả năng lây nhiễm chéo tại các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa do số lượng F0 tại đây có dấu hiệu tăng trở lại.

Về vaccine phòng COVID-19, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các địa phương tổng hợp chi tiết nhu cầu vaccine để tiêm cho từng nhóm đối tượng (trên 18 tuổi, từ 12-17 tuổi…); thống kê đầy đủ kết quả tiêm các loại vaccine, số vaccine đã được phân bổ và tiếp nhận… Khi các lô vaccine về, Bộ Y tế sẽ phân bổ ưu tiên cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên. “Các địa phương cần tiêm phủ nhanh nhất mũi 1 vaccine, trong trường hợp cần hỗ trợ nhân lực tiêm thì khẩn trương đề xuất”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, vừa qua Bộ Y tế đã phân bổ vaccine Pfizer tiêm phòng COVID-19 cho trẻ. Hiện nay, đây là loại vaccine duy nhất được khuyến cáo tiêm cho trẻ em. Trong những ngày tới, khi những loại vaccine khác (dành cho người trên 18 tuổi) về Việt Nam, Bộ Y tế sẽ phân bổ ngay cho các địa phương.

Trao đổi thêm về những vướng mắc, bất cập khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, Quyết định 4800/QĐ-BYT, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng các tỉnh cần quán triệt tinh thần “các quy định của Nghị quyết 128 được áp dụng thống nhất trên toàn quốc, nhưng các địa phương cũng có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp cụ thể để bổ sung nhưng không trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân”.

“Có thể, tình hình dịch trên toàn tỉnh ở cấp độ 2 nhưng nhiều huyện lại ở cấp độ 1. Tương tự, linh hoạt đánh giá cấp độ dịch các xã, phường để có biện pháp ứng phó phù hợp, bám sát tình hình thực tế”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu ví dụ.

Trong trường hợp các quy định, hướng dẫn không phù hợp hoặc không khả thi, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương báo cáo kịp thời Bộ Y tế để nghiên cứu, tháo gỡ. Hiện Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các địa phương giám sát tất cả người từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và vùng có cấp độ dịch mức độ 3 hoặc 4; chủ động giám sát những người có nguy cơ cao; có hình thức cách ly phù hợp ở các địa phương.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ thuốc để điều trị tích cực, từ sớm cho người mắc COVID-19. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ thuốc để điều trị tích cực, từ sớm cho người mắc COVID-19. Ảnh: VGP/Đình Nam

Tăng cường hệ thống giám sát cộng đồng

Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, sau khi ưu tiên vaccine phòng COVID-19 cho TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Hà Nội… đến nay phải ưu tiên tối đa cho các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên… Các địa phương phải khẩn trương thống kê rõ ràng, đầy đủ nhu cầu từng loại vaccine và có kế hoạch tiêm phủ 100% mũi 1 nhanh nhất cho người dân trên 18 tuổi trên tinh thần “tính bằng giờ, bằng ngày”.

Các tỉnh Nam Bộ, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giao lưu, đi lại rất lớn với TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Tương tự, đối với các tỉnh Tây Nguyên, thời gian qua đón rất nhiều người trở về từ địa phương đã nhiễm rất sâu dịch COVID-19. Bộ Y tế có trách nhiệm bảo đảm đủ vaccine; tổ chức tiêm gọn từng tỉnh, khu vực, sau đó hỗ trợ chi viện lẫn nhau. Trong trường hợp các địa phương cần hỗ trợ nhân lực cần báo cáo, Bộ Y tế phối hợp Bộ Quốc phòng để điều động, chi viện lực lượng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, khi chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 không thể không có ca nhiễm trong cộng đồng. Vì vậy, hệ thống giám sát dịch bệnh phải được tăng cường thêm một mức, để sớm phát hiện, nhanh chóng xử lý ca mắc.

Cụ thể, các địa phương phải tăng cường xét nghiệm sàng lọc tại các cơ sở y tế; phát huy vai trò của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng để phát hiện người từ nơi khác về, người có triệu chứng để xét nghiệm, điều trị từ sớm.

Về kiến nghị cho phép doanh nghiệp tự xét nghiệm, cập nhật kết quả lên ứng dụng phòng, chống COVID-19, Phó Thủ tướng cho rằng, đối với những doanh nghiệp, nhà máy đã tiêm vaccine cho toàn bộ công nhân, khi phát hiện ca mắc, cần có phương án khoanh vùng gọn từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất thay vì đóng cửa toàn bộ nhà máy.

“Công nhân đã tiêm vaccine, kể cả 1 mũi đã qua 14 ngày, nếu mắc COVID-19 thì cũng rất nhẹ. Vì vậy, Bộ Y tế cần có hướng dẫn linh hoạt thay vì quy định cứng tỷ lệ xét nghiệm định kỳ người lao động. Các địa phương cũng cần thống kê, hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm cho doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ thuốc để điều trị tích cực, từ sớm cho người mắc COVID-19.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng xây dựng cơ chế phối hợp để đón người Việt Nam đã tiêm vaccine nhập cảnh qua các cửa khẩu trên đường bộ.