Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam-Vương quốc Anh

PV - 08:15, 01/07/2022

Sáng 30/6, tại Trụ sở Bộ Tư pháp Anh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Anh Dominic Raab (Đ.Ra-áp).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Anh Dominic Raab. (Ảnh TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Anh Dominic Raab. (Ảnh TTXVN)

Tại cuộc gặp, hai bên nhất trí cho rằng quan hệ Việt Nam-Anh đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất và có rất nhiều tiềm năng, dư địa đang mở ra, nhất là khi Việt Nam và Anh đã trở thành Đối tác chiến lược và đã ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) cũng như thiết lập nhiều cơ chế hợp tác hiệu quả trên cả bình diện song phương và đa phương.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Dominic Raab cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ Anh trở thành đối tác đối thoại của ASEAN và mong được Việt Nam tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ để Anh sớm gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ cộng đồng người Việt sinh sống, làm việc một cách hợp pháp, sinh viên Việt Nam học tập thuận lợi.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Anh ký Ý định thư nhằm thể hiện quyết tâm của hai Bộ Tư pháp trong việc làm mới MOU 2008 hướng đến các lĩnh vực hợp tác mang tính ưu tiên trọng tâm hơn bám sát với nhu cầu của cả hai bên.

Dịp này, qua Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Anh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng chuyển lời thăm hỏi và lời mời thăm Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Thủ tướng Anh Boris Johnson (B.Giôn-xơn).

Tại trụ sở Bộ Tư pháp Anh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chứng kiến lễ ký Ý định thư về ký mới Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (Ý định thư hợp tác).

Chiều 29/6 (giờ địa phương), tại thủ đô London, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Tọa đàm cấp cao Việt Nam-Anh về kinh tế và thương mại. Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Anne Marie Trevelyan (A.Trê-vê-li-an), Nghị sĩ Graham Stuart (G.Xtiu-uốt), Đặc phái viên Thủ tướng Anh về thương mại, cùng đông đảo doanh nghiệp hai nước.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Anne Marie Trevelyan. (Ảnh TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Anne Marie Trevelyan. (Ảnh TTXVN)

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Anh đã có bước tiến quan trọng, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước. Với tiềm năng, lợi thế của các bên, trên nền tảng các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương mà hai bên đã ký kết, đây là cơ hội lớn để Việt Nam và Anh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược.

Tại Tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trực tiếp trao đổi, trả lời câu hỏi của các đại biểu, doanh nghiệp Anh. Trả lời câu hỏi về việc Việt Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào để vượt qua những thách thức trong năm 2022 và 2023, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam có chiến lược phát triển 10 năm và 5 năm, cùng với đó là kế hoạch cho tài chính, ngân sách, nợ công, đầu tư trung hạn 5 năm và đến nay, Việt Nam không điều chỉnh các mục tiêu mà chỉ bổ sung các chính sách, giải pháp cụ thể.

Nhắc đến UKVFTA đã được thực hiện vào đầu năm nay, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh bày tỏ vui mừng được chứng kiến các nhà tiêu dùng và các nhà sản xuất của Việt Nam nằm trong danh sách của nhà xuất khẩu Anh; cho biết các doanh nghiệp và thị trường vốn của Anh có thể cung cấp nguồn vốn vào Việt Nam và Anh cũng muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong kế hoạch phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành một trung tâm tài chính quốc tế…

Dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, các đại biểu chứng kiến Lễ trao các thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp, địa phương của Việt Nam và đối tác của Anh trong lĩnh vực giáo dục, phát triển dự án điện gió, công tác nghiên cứu, khảo sát, khám phá các hang động tại Quảng Bình.

Chiều 29/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Anne Marie Trevelyan. Cho rằng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước còn khiêm tốn, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hai bên cần khai thác tối đa tiềm năng hợp tác, phát huy hiệu quả các cam kết trong UKVFTA. Việt Nam sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Anh hoạt động tại Việt Nam. Đánh giá dư địa hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội Việt Nam sẽ luôn hỗ trợ, đồng hành với Chính phủ để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.

Trưa 30/6, tại trụ sở Bộ Nội vụ Anh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel (P.Pa-ten). Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Bản ghi nhớ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Cơ quan phòng, chống tội phạm quốc gia của Vương quốc Anh được trao nhân dịp này sẽ bổ sung cho kênh trao đổi rất cần thiết trong công tác phòng, chống tội phạm giữa hai quốc gia, nhất là đối với phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và phòng, chống tội phạm có liên quan.

Hai bên nhất trí cho rằng quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Anh cần được tiếp tục thúc đẩy và tăng cường theo hướng hiệu quả, thực chất với những kết quả cụ thể; nhấn mạnh tầm quan trọng hợp tác cùng nhau trong giải quyết các thách thức chung như an ninh truyền thống, phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật và đào tạo kỹ năng liên quan.

Tại trụ sở Bộ Nội vụ Anh, trước sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel đã trao Biên bản ghi nhớ về phòng, chống rửa tiền.

Chiều 29/6, tại thủ đô London, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp Quyền Thị trưởng Khu tài chính London Peter Estlin (P.Ít-lin). Đánh giá cao vai trò của Khu Tài chính London, một trong bốn trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phía Anh hỗ trợ phía Việt Nam hoàn thiện cơ sở pháp lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, hệ thống chấm điểm các công ty và doanh nghiệp.

Quyền Thị trưởng chia sẻ, một trong những niềm tự hào của nước Anh là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ở đây trong những năm 1910; cho biết phía Anh sẵn sàng hợp tác với Việt Nam và ASEAN, trong đó có phát triển thị trường tài chính, ủng hộ thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các ngân hàng của Anh nhằm đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm tài chính.

Sáng 30/6, tại thủ đô London, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam. Diễn đàn được tổ chức tại trụ sở trường Imperial College London-một trong 10 trường đại học hàng đầu thế giới, thu hút đông đảo lãnh đạo các trường đại học, tổ chức giáo dục hai nước tham dự.

Tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã chứng kiến lễ trao các MOU giữa các trường đại học của hai nước.

Tại thủ đô London, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Chủ tịch Mạng lưới Hữu nghị Việt Nam-Anh (Vietnam-UK Network). Ông Warwick Morris (U.Mo-rít), từng là Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, với tình cảm yêu mến dành cho đất nước và con người Việt Nam, sau khi kết thúc nhiệm kỳ, ông đã sáng lập Mạng lưới nhằm kết nối, thúc đẩy các hoạt động hợp tác, hữu nghị giữa các tổ chức, cá nhân hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, rất đặc biệt khi có một Mạng lưới như vậy đóng góp hiệu quả cho việc tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết giữa các tổ chức, cá nhân của hai nước. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Mạng lưới phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Anh cùng các đơn vị, tổ chức ở Việt Nam tổ chức thêm nhiều hoạt động thiết thực nhằm phát triển hơn nữa quan hệ tốt đẹp giữa hai bên.

Ngày 29/6, tại thủ đô London, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp lãnh đạo một số tập đoàn tại Anh, gồm: Prudential, Standard Chartered, Pacific Land, Pearson, Tập đoàn Enterprize Enegy.

Cùng ngày 29/6, tại London diễn ra phiên thứ nhất Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt Nam-Anh lần thứ 4 do đồng chí Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng và Nữ Nam tước Baroness Goldie (B.Gôn-đi), Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Anh chủ trì.

Sáng 30/6, tại trụ sở Trường Imperial College London, Giáo sư, Tiến sĩ Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội tiếp Giáo sư Maggie Dallman (M.Đan-man), Phó Hiệu trưởng Imperial College London. Chủ tịch Quốc hội nhất trí với các đề xuất của Giáo sư Maggie Dallman về các biện pháp thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Vương quốc Anh nói chung, giữa Imperial College London với các đối tác tại Việt Nam nói riêng.

Nhấn mạnh hợp tác giáo dục giữa hai nước có ý nghĩa hết sức quan trọng, Giáo sư Maggie Dallman cũng cho rằng một biện pháp rất hiệu quả để tăng cường hợp tác về giáo dục, công nghệ là thông qua các khóa học, liên kết đào tạo trình độ tiến sĩ, hai bên có thể cùng bỏ kinh phí để tài trợ cho các chương trình nghiên cứu chung.

Sáng 30/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp ông Kenneth Atkinson (K.Át-kin-sơn), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BritCham), cùng đại diện một số tập đoàn, quỹ đầu tư của Anh đang kinh doanh tại Việt Nam.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam rời thủ đô London lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland./.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.