Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thủy điện Mông Ân, Cao Bằng: Nhiều khuất tất cần làm rõ!

PV - 09:54, 31/05/2019

Thời gian vừa qua, Báo Dân tộc và Phát triển nhận được đơn kêu cứu của hàng chục hộ đồng bào dân tộc Mông ở xóm Nà Ca, thị trấn Pác Miầu và xóm Nà Héng, xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng về việc thu hồi đất phục vụ cho thủy điện Mông Ân nhưng đền bù giá quá thấp, sai quy định. Cụ thể, công trình có tổng mức đầu tư hơn 900 tỷ, nhưng phương án, đền bù hỗ trợ chỉ vẻn vẹn hơn 5 tỷ đồng. Đáng nói, xung quanh phương án này còn nhiều khuất tất chưa được làm rõ.

Công trình thủy điện Mông Ân triển khai xây dựng khi chưa giải phóng xong mặt bằng. Công trình thủy điện Mông Ân triển khai xây dựng khi chưa giải phóng xong mặt bằng.

Từ lá thư kêu cứu của người dân

Trong đơn thư kêu cứu gửi Báo Dân tộc và Phát triển, người dân cho biết, từ năm 1979, nhiều hộ dân tộc Mông ở huyện Hà Quảng, Cao Bằng tới sinh sống lập nghiệp tại huyện Bảo Lâm. Tại đây, họ đã khai hoang, vỡ đất để lập nghiệp. Phần đất này được người dân canh tác ổn định, lâu dài, không có tranh chấp.

Tuy nhiên, năm 2017, công trình thủy điện Mông Ân triển khai trên địa bàn đã thu hồi số diện tích của khoảng 70 hộ dân ở hai thôn trên với một giá đền bù, hỗ trợ quá thấp. Cụ thể, mỗi m2 đất chỉ được đền bù khoảng 30 ngàn đồng. Thậm chí, trong quá trình làm xây dựng, đơn vị thi công còn thẳng tay xúc đi hơn 10 phần mộ của người dân, trong đó có phần mộ của gia đình ông Hoàng Sính Páo, Vừ A Sính…

Anh Hoàng Văn Tài, một trong những hộ dân bị mất đất ở thị trấn Pác Miầu cho biết: “Cả gia đình tôi hiện chỉ có duy mất mảnh đất để sinh sống. Tuy nhiên, khi nhà máy thủy điện Mông Ân triển khai thì toàn bộ diện tích đất ở, canh tác của gia đình tôi chỉ được tính giá đền bù hỗ trợ khoảng 21 triệu đồng. Với số tiền này, chúng tôi thực sự không thể biết đi đâu để sinh sống. Trong khi đó, Nhà máy tiếp tục triển khai, khiến nền móng nhà bị sụt nún, lứt toác vô cùng nguy hiểm. Hàng ngày vợ chồng con cái chúng tôi sống trong bất an không biết khi nào thì sập nhà”.

So với các hộ dân, số tiền hỗ trợ đền bù của gia đình ông Hoàng Văn Tài vẫn còn khá cao. Bởi, nhiều hộ trong diện bị giải tỏa chỉ nhận được phương án đền bù vẻn vẹn vài trăm nghìn đồng. Ví dụ như gia đình bà Chảo Mùi Mẩy trong phương án chỉ được đền bù 524 ngàn đồng, ông Mã Văn Sùng là 534 ngàn đồng, Phùng Văn Sâu là 570 ngàn đồng…

Xác nhận điều này, ông Lê Văn Đồng, Chủ tịch UBND thị trấn Pác Miầu cho biết, thời gian vừa qua, thị trấn nhận được nhiều phản ánh của người dân về giá đền bù quá thấp, vì vậy cơ bản người dân không chấp nhận phương án này nên không nhận tiền.

Lộ diện nhiều khuất tất

Thủy điện Anh Hoàng Văn Tài phản ánh vách nhà xuất hiện vết sụt lún sau khi công trường thi công.

Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, Chủ tịch Hội đồng Bồi thường giải phòng mặt bằng công trình thủy điện Mông Ân.

Theo tài liệu mà UBND huyện Bảo Lâm cung cấp, Công trình thủy điện Mông Ân do Công ty cổ phần xây lắp điện I (PCC1) làm chủ đầu tư. Công trình có tổng mức đầu tư là hơn 900 tỷ đồng (vốn của Công ty khoảng 182 tỷ đồng, huy động từ ngân hàng thương mại là gần 730 tỷ đồng); thời gian thi công từ quý 2/2017 đến quý 3/2019.

Về việc giải phóng mặt bằng, ngày 12/8/2015, UBND tỉnh Cao Bằng ra quyết định số 1343/QĐ-UBND về việc ủy quyền thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án đền bù hỗ trợ và tái định cư và giải phóng mặt bằng các công trình thủy điện tại huyện Bảo Lạc và huyện Bảo Lâm do Công ty Cổ phần xây lắp điện I làm chủ đầu tư. Công văn do ông Đoàn Văn Eng, khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký.

Theo đó, ngày 10 /1/2019, UBND huyện Bảo Lâm ra quyết định 32/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự toán bồi thường hỗ trợ và tái định cư công trình thủy điện Mông Ân, hạng mục lòng hồ thị trấn Pác Miầu, xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Cùng ngày, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Vũ Ngọc Lưu đã ký 68 quyết định thu hồi đất của các hộ dân có đất trong dự án trên.

Tuy nhiên, với các quyết định trên, người dân đã thắc mắc yêu cầu làm rõ dự án này thuộc cấp nào chấp thuận đầu tư (bởi liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng-Pv) thì UBND huyện Bảo Lâm không trả lời được.

Tìm hiểu thêm về dự án này, phóng viên ghi nhận, còn rất nhiều vấn đề khó hiểu liên quan đến dự án. Cụ thể, tại Nghị quyết số 20/NĐ-HĐND ngày 8/12/2017 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Cao Bằng thì dự án thủy điện Mông Ân thuộc diện công trình do Thủ tướng chính phủ chấp thuận đầu tư mà phải thu hồi đất.

Song, để kiểm chứng thông tin này, phóng viên đã liên lạc với ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương. Ông Quân khẳng định, qua kiểm tra, rà soát, dự án thủy điện Mông Ân không có quyết định chấp thuận đầu tư của Thủ tướng.

Vậy vì sao, HĐND tỉnh Cao Bằng lại tự ý xếp dự án này vào danh mục Thủ tướng chấp thuận đầu tư mà phải thu hồi đất. Dư luận đang chờ một câu trả lời chính thức từ lãnh đạo tỉnh Cao Bằng?

Ông Đỗ Xuân Trọng, giảng viên bộ môn đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội: “Công ty cần thỏa thuận với người dân trước khi triển khai dự án”

Theo các quy định của pháp luật trong Luật Đầu tư công 2014; Luật Đầu tư 2014; Điều 73 Luật Đất đai năm 2013; việc đầu tư Dự án thủy điện Mông Ân là phù hợp với quy hoạch nhưng không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo Điều 61, Điều 62 Luật Đất đai năm 2013.

Do vậy, để thực hiện dự án đầu tư xây dựng thủy điện Mông Ân, thì Công ty Cổ phần xây lắp điện 1 cần thỏa thuận với người dân có đất trong vùng dự án thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.

HIẾU ANH