Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thủy điện Khánh Khê (Lạng Sơn): Có dấu hiệu tích nước không đảm bảo quy định

Hoàng Nghĩa - Thúy Hồng - 20:15, 15/04/2021

Mặc dù mới đi vào vào hoạt động, nhưng nhà máy thủy điện Khánh Khê (Lạng Sơn) đã có dấu hiệu tích nước không đảm bảo quy định về dòng chảy tối thiểu, khiến hạ lưu sông Kỳ Cùng cạn trơ đáy, người dân bức xúc do thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Các van xả của nhà máy thủy điện Khánh Khê đóng kín, nước chỉ chảy nhỏ giọt.
Các van xả của nhà máy thủy điện Khánh Khê đóng kín, nước chỉ chảy nhỏ giọt.

Nhà máy thủy điện Khánh Khê xây dựng trên sông Kỳ Cùng, thuộc địa bàn 2 xã Bình Trung (huyện Cao Lộc) và Khánh Khê (huyện Văn Quan), do Công ty Cổ phần thủy điện Thác Xăng làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công năm 2009, nhưng do thiếu nguồn vốn, công trình phải ngừng thi công từ năm 2013. Đến năm 2018, dự án này mới được tái khởi động. 

Cuối năm 2020, nhà máy bắt đầu tích nước để vận hành. Nhưng theo thông tin phản ánh của người dân các xã: Khánh Khê, Điềm He (huyện Văn Quan), Bình Trung (huyện Cao Lộc), thời gian gần đây, Nhà máy thủy điện Khánh Khê tích nước để phát điện khiến hạ lưu sông Kỳ Cùng cạn trơ đáy, ảnh hưởng đến việc tưới tiêu, sinh hoạt của người dân.

“Mấy hôm nay nước cạn trơ đáy, có lúc nước không chảy, từ nhỏ đến giờ chưa bao giờ thấy sông cạn kiệt như vậy. Thủy điện có tích nước, thì cũng phải xả để người dân tưới tiêu, sinh hoạt chứ đắp cạn kiệt thế biết lấy đâu nguồn nước để phục vụ sản xuất trong khi cuộc sống của chúng tôi chỉ trông chờ vào ruộng vườn. Chúng tôi đã kiến nghị việc này với nhà máy thủy điện nhưng chưa thấy giải quyết”, bà H.T.L, xã Khánh Khê bày tỏ sự lo lắng, bức xúc.

Còn ông L.V.T, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc thì cho biết, đã rất nhiều lần thủy điện Khánh Khê tích nước, khiến sông Kỳ Cùng cạn kiệt như thế này. Vì vậy, tôm, cua, ốc, cá ở dưới đập thủy điện gần như không thể sống nổi.

Theo ghi nhận của phóng viên vào lúc 8h30 sáng ngày 7/4/2021 cho thấy, phản ánh của người dân ở các xã trên là hoàn toàn có cơ sở. Cả khúc sông dưới đập thủy điện cạn trơ đáy, lộ rõ sỏi đá. Nước ở các van xả của thủy điện chảy nhỏ giọt, không đảm bảo dòng chảy tối thiểu theo quy định. 

Được biết, dòng chảy tối thiểu là dòng chảy ở mức thấp nhất, cần thiết để duy trì dòng sông hoặc đoạn sông, nhằm bảo đảm sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh và bảo đảm mức tối thiểu cho hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước của các đối tượng sử dụng nước. Việc bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu, là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với các công trình thủy điện.

Cả một khúc sông dài lộ rõ sỏi đá.
Cả một khúc sông dài khô kiệt, trơ đáy

Đối với Nhà máy thủy điện Khánh Khê, tại giấy phép khai thác, sử dụng nguồn nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp có quy định: Việc khai thác, sử dụng nguồn nước phải đảm bảo duy trì lưu lượng xả thường xuyên, liên tục, sau đập Khánh Khê không nhỏ hơn 3,1m3/s; Bảo đảm nguồn nước cung cấp cho công trình trạm bơm cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp thuộc các xã: Bình Trung (Cao Lộc), Khánh Khê, Điềm He (Văn Quan), Nhạc Kỳ (Văn Lãng) và nhu cầu sử dụng nước của Nhân dân địa phương phụ thuộc vào nguồn nước sông Kỳ Cùng.

Quy định là vậy, nhưng qua ghi nhận thực tế và phản ánh của người dân ở các xã trên, có thể thấy, phía Công ty Cổ phần thủy điện Thác Xăng, không hề tuân thủ theo giấy phép được cấp. Điều đáng nói là, doanh nghiệp này đã phớt lờ quy định về dòng chảy tối thiểu nhiều lần nhưng chưa hề bị xử lý.

Trao đổi vấn đề này với chính quyền địa phương, đại diện lãnh đạo xã Khánh Khê cho biết, những phản ánh của người dân là chính xác. UBND xã cũng đã tiếp nhận nhiều kiến nghị của người dân liên quan đến nguồn nước tưới tiêu sau khi thủy điện đi vào vận hành và đã đề nghị phía Công ty Cổ phần thủy điện Khánh Khê phải đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu, liên tục nhằm phục vụ sản xuất, sinh hoạt của bà con. 

Tuy nhiên, phía công ty không thực hiện đề nghị này khiến người dân địa phương rất bức xúc và lo lắng khi mùa vụ đến.

Thiết nghĩ việc tích nước của Nhà máy thủy điện phải đảm bảo đúng quy định dòng chảy tối thiểu. Các ngành chức năng cần vào cuộc kiểm tra giải quyết theo phán ánh của người dân để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu  vùng hạ lưu sông Kỳ Cùng.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này trong số báo tiếp theo.