Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thực hiện tốt chính sách dân tộc, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số là nhân tố quan trọng góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - 06:30, 04/05/2021

Nước ta có 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với gần 14,2 triệu người, sinh sống chủ yếu ở vùng miền núi, biên giới, địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020.

Trong mọi thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn xác định chính sách dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng; được các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị quán triệt và triển khai thực hiện nhất quán theo nguyên tắc: bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ ta đối với miền núi là rất đúng đắn. Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t10, tr.608).

Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng và lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu về chính sách dân tộc, 75 năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành một hệ thống chính sách khá đồng bộ, đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi trên tất cả các lĩnh vực. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 – 2020, triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 118 nghị quyết, nghị định, quyết định về chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện các chính sách đã ban hành nhằm đạt được kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến trò chuyện với Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS tỉnh Hà Giang.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến trò chuyện với Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS tỉnh Hà Giang.

Nhờ đó, diện mạo vùng DTTS và miền núi đã thay đổi căn bản, đời sống của của đồng bào các dân tộc được nâng lên rõ rệt. Công tác xóa đói giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng, được bạn bè quốc tế đánh giá cao; Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả bước đầu đáng khích lệ. Theo đó, hằng năm tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm 2 - 3%; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3 - 4%; các huyện nghèo giảm 4 - 5%; đã có 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Cùng với phát triển kinh tế, sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở vùng đồng bào DTTS và miền núi ngày càng phát triển cả về quy mô, mạng lưới và chất lượng. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng, phát triển cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ; chất lượng khám, chữa bệnh có chuyển biến tích cực. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các DTTS được chú trọng và đạt được kết quả rõ nét hơn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và đồng chí Đỗ Văn Chiến trao Bằng khen cho học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu, năm 2020.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và đồng chí Đỗ Văn Chiến trao Bằng khen cho học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu, năm 2020.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội đã ban hành những quyết sách có ý nghĩa lịch sử đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.

Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 24 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc. Trên cơ sở đó, đã ban hành Kết luận số 65 - KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Bộ Chính trị xác định các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết số 24 - NQ/TW vẫn còn nguyên giá trị. Đồng thời yêu cầu các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể Nhân dân các cấp tiếp tục thực hiện có hiệu quả 8 nhóm giải pháp chủ yếu trong tình hình mới nhằm phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến cùng Đoàn đại biểu tỉnh Tuyên Quang trao đổi bên lề Đại hội lần thứ XIII của Đảng sáng 30/1/2021.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến cùng Đoàn đại biểu tỉnh Tuyên Quang trao đổi bên lề Đại hội lần thứ XIII của Đảng sáng 30/1/2021.

Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 74/2018/QH14, ngày 20/11/2018. Nhiệm vụ trọng tâm là Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Đề án Tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Trên cơ sở Đề án do Chính phủ trình, ngày 18/11/2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14, thông qua Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; với giải pháp trọng tâm là xây dựng, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Chương trình mục tiêu đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020.

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là một giải pháp đột phá, có tính lịch sử, nhằm đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng “lõi nghèo” của cả nước. Chương trình là một bước triển khai thực hiện phương hướng, mục tiêu chung về công tác dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, là: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số”.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến trò chuyện với bà con Nhân dân xã Bình Dân, Bình Liêu, Quảng Ninh (năm 2019).
Đồng chí Đỗ Văn Chiến trò chuyện với bà con Nhân dân xã Bình Dân, Bình Liêu, Quảng Ninh (năm 2019).

Có thể khẳng định, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Việc xây dựng được một Chương trình MTQG dành riêng cho đồng bào vùng DTTS và miền núi là một kỳ tích lịch sử mà nhiều năm qua chưa làm được. Đây là Chương trình không chỉ nhằm phát triển kinh tế - xã hội mà còn mang theo sứ mệnh đại đoàn kết các dân tộc, giàu tính nhân văn.

Có thể nói rằng, chỉ có một Chương trình MTQG này cũng chưa thể giải quyết hết được khó khăn của đồng bào DTTS hiện nay. Do đó, để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS, hiện thực hóa khát vọng về một Việt Nam hùng cường vào năm 2045, các cấp, các ngành, các địa phương cần kiên định, kiên trì, với quyết tâm chính trị cao, thực hiện thật tốt các chủ trương, quan điểm của Đảng, nhất là Nghị quyết số 24 - NQ/TW và Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Tiếp tục khẳng định đại đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược, vừa là nhiệm vụ lâu dài, vừa là nhiệm vụ cấp bách; là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị.

Khởi sắc vùng nông thôn miền núi. Ảnh minh họa
Khởi sắc vùng nông thôn miền núi. Ảnh minh họa

Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện, xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo hướng toàn diện, bền vững; phải phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và khơi dậy tinh thần tự lực, khát vọng, vượt khó vươn lên của đồng bào DTTS, không trông chờ, thụ động, tiếp tục thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, không cam chịu đói nghèo, vượt qua chính mình để hòa nhập và phát triển cùng với đất nước. Đó là nhân tố quan trọng góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; đồng bào DTTS đồng lòng, chung sức, cùng với cả nước hiện thực hóa khát vọng xây dựng Tổ quốc Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.