Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thực hiện hỗ trợ lao động học nghề ở Quan Hóa (Thanh Hóa): Nhiều sai phạm được làm rõ

Quỳnh Trâm - 20:52, 04/04/2020

Báo Dân tộc và Phát triển ngày 26/2/2020 có đăng tải bài viết: “Thực hiện hỗ trợ lao động học nghề ở Quan Hóa (Thanh Hóa): Có hay không việc “rút ruột’ tiền chính sách?”, phản ánh những bất cập trong thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 ở huyện Quan Hóa. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), các cơ quan liên quan của tỉnh Thanh Hóa và UBND huyện Quan Hóa đã vào cuộc xác minh. Theo đó, nhiều sai phạm được làm rõ.

Công văn của UBND huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) trả lời phản ánh của các cơ quan báo chí
Công văn của UBND huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) trả lời phản ánh của các cơ quan báo chí


Mới đây, ngày 3/4/2020, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, ông Trương Nho Tự, đã ký văn bản số 425/UBND-VP về việc trả lời phản ánh của Báo Dân tộc và Phát triển.

Cụ thể, sau khi Báo phản ánh, UBND huyện Quan Hóa đã thành lập Đoàn thanh tra, tiến hành kiểm tra, rà soát tất cả các lớp học nghề từ năm 2016-2019 trên địa bàn huyện (18 lớp với 523 học viên). Đoàn thanh tra của huyện đã phát hiện có 6/18 lớp học nghề xảy ra sai phạm, gồm: lớp nghề kỹ thuật xây dựng tại xã Hiền Kiệt năm 2016; Lớp nghề kỹ thuật xây dựng năm 2017 tại xã Thanh Xuân; Lớp nghề kỹ thuật hàn năm 2018 tại xã Phú Xuân; Lớp nghề du lịch năm 2017 tại xã Phú Lệ; Lớp nghề chế biến thức ăn gia súc năm 2017 tại xã Phú Nghiêm; Lớp thêu ren năm 2018 tại xã Phú Nghiêm.

Tổng số tiền sai phạm được Đoàn thanh tra phát hiện tại 6 lớp đào tạo nghề này là hơn 66 triệu đồng. Trong đó, riêng Trường Trung cấp nghề xây dựng Thanh Hóa 2 lớp với số tiền là hơn 49 triệu đồng; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – GDTX huyện Quan Hóa 2 lớp với số tiền là gần 10 triệu đồng.

Đặc biệt, kết quả kiểm tra, rà soát của UBND huyện Quan Hóa cũng chỉ rõ, việc hỗ trợ tiền ăn cho lao động nông thôn học nghề và cấp chứng chỉ ở một số lớp đào tạo nghề chưa đúng quy định.

Cụ thể, với lớp học hàn ở xã Phú Xuân năm 2018, Đoàn thanh tra xác định, số ngày học của lớp này là hơn 02 tháng (cả lý thuyết và thực hành gồm 22 ngày x 3 tháng = 66 ngày, trừ thứ 7 và chủ nhật). Tuy nhiên, kinh phí hỗ trợ tiền ăn cho học viên (1.980.000 đồng/học viên) chưa chi trả cho các học viên là đúng thực tế. Trường Trung cấp nghề xây dựng Thanh Hóa chi trả cho học viên vào ngày 28/2/2020, sau khi Báo Dân tộc và Phát triển phản ánh).

Về lớp thêu ren tại xã Phú Nghiêm năm 2018, phản ánh (cuối khóa học, học viên chỉ nhận được 1.200.000 đồng và không cấp chứng chỉ). Qua xác minh của Đoàn thanh tra, số học viên đã được nhận là 1.320.000 đồng/học viên đã được Công ty NHHH Mỹ Hương chi trả đủ (Học viên Phạm Thị Thủy được phỏng vấn do nhớ không chính xác, nên nói khoảng 1.200.000 đồng); còn việc chưa cấp chứng chỉ là đúng như Báo Dân tộc và Phát triển phản ánh.

Từ kết quả kiểm tra, rà soát trên, UBND huyện Quan Hóa đã chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – GDTX huyện chi trả gần 9,9 triệu đồng; Trường Trung cấp nghề xây dựng Thanh Hóa chi trả 49,2 triệu đồng còn thiếu của các học viên.

Đối với số tiền sai phạm tại 6 lớp nghề từ năm 2016 – 2019 (hơn 66 triệu đồng), ngày 3/4/2020, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa đã ban hành các quyết định: 533/QD-UBND, 534/QĐ-UBND, 535/QĐ-UBND và 536/QĐ-UBND về việc thu hồi số tiền sai phạm sau thanh tra, nộp vào ngân sách nhà nước.

Cùng với xử lý về kinh tế, Chủ tịch UBND huyện cũng đã ban hành hình thức xử lý về hành chính đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm. Cụ thể, đề nghị Ban thường vụ Huyện ủy huyện Quan Hóa tổ chức kiểm điểm trách nhiệm công tác lãnh đạo, chỉ đạo gồm: Chủ tịch UBND huyện kiểm điểm về trách nhiệm người đứng đầu; Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách văn xã, đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo Đề án 1956 của huyện; Trưởng phòng LĐTB&XH là Phó Trưởng ban Thường trực và một số thành viên Ban chỉ đạo có liên quan, kiểm điểm về trách nhiệm là những người được giao nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý trực tiếp thực hiện Đề án.

Chủ tịch UBND huyện Quan hóa cũng đã giao Phòng Nội vụ tham mưu ban hành Quyết định thành lập Hội đồng xét kỷ luật của huyện, có hình thức xử lý đối với ông Trưởng phòng LĐ-TBXH huyện là phó Trưởng ban Thường trực của Ban chỉ đạo Đề án; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – GDTX huyện Quan Hóa; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã Hiền Kiệt; Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân; Nguyên Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân và các tập thể, cá nhân có sai phạm, thuộc UBND huyện Quan Hóa quản lý.

Chủ tịch UBND huyện Quan hóa đồng thời đề nghị Sở Xây dựng Thanh Hóa và Trường Trung cấp nghề xây dựng Thanh Hóa tổ chức kiểm điểm cá nhân được nhà trường giao nhiệm vụ, về việc chi trả hỗ trợ tiền ăn cho học viên. Đề nghị Trường trung cấp nghề Thương mại Du lịch Thanh Hóa, tổ chức kiểm điểm các cá nhân được nhà trường giao nhiệm vụ, về việc chi trả hỗ trợ tiền ăn cho học viên.

"Qua thanh tra, kiểm tra, xác minh thông tin báo chí nêu, UBND huyện Quan Hóa thấy các thông tin phản ánh của báo chí nêu về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua tại huyện Quan Hóa là đúng thực tế. Từ đó, giúp cho địa phương rút ra bài học sâu sắc trong chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp trong thời gian tới; tiếp tục xử lý, chỉ đạo khắc phục các phần việc còn lại sau sai phạm".

(Trích báo cáo số số 425/UBND-VP, ngày 3/4/2020 của UBND huyện Quan Hóa)