Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thực hiện chính sách cho Người có uy tín: Thuận lợi nhiều vướng mắc cũng không ít

Nhóm PV - 22:12, 11/06/2024

Thực hiện Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/03/2018 của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh những thuận lợi, một số địa phương vẫn còn có những vướng mắc, khó khăn nhất định. Báo Dân tộc và Phát triển lược ghi một số ý kiến của lãnh đạo các Ban Dân tộc, Phòng Dân tộc về thực hiện chính sách cho Người có uy tín.

Ông Lục Thành Chung, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh
Ông Lục Thành Chung, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh

Ông Lục Thành Chung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh: Quảng Ninh thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách cho Người có uy tín

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận Người có uy tín và chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS; Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Văn bản số 08/BDT-CSDT ngày 05/01/2024 hướng dẫn các địa phương tổ chức rà soát và phê duyệt lại danh sách Người có uy tín của các địa phương trong tỉnh đảm bảo phù hợp nội dung, quy trình mới được quy định tại Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg; Phối hợp Ban Chỉ đạo 06 của tỉnh rà soát danh sách Người có uy tín của các địa phương. Theo đó, năm 2024 tỉnh Quảng Ninh có 381 Người có uy tín, tăng 21 người so với năm 2023.

Theo Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg, cấp huyện được phân cấp để lựa chọn, công nhận Người có uy tín thay vì cấp tỉnh như trước đây, qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn trong triển khai thực hiện chính sách đối với Người có uy tín, cụ thể: Tạo sự chủ động cũng như tăng cường trách nhiệm của chính quyền cấp huyện trong việc chỉ đạo rà soát, lựa chọn, công nhận và thực hiện chính sách đối với Người có uy tín một cách sâu sát, kịp thời, hiệu quả. Giảm bớt thủ tục hành chính ở cấp tỉnh nhưng vẫn đảm bảo lựa chọn được Người có uy tín theo đúng tiêu chí. Tăng tính chủ động cho các địa phương trong bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện chính sách đối với Người có uy tín trên cơ sở nguồn lực tài chính và tình hình thực tiễn của địa phương.

Người có uy tín, nghệ nhân không chỉ tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà còn truyền dạy văn hoá truyền thống cho thế hệ trẻ. Ảnh: Ngọc Thu
Người có uy tín, nghệ nhân không chỉ tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà còn truyền dạy văn hoá truyền thống cho thế hệ trẻ. Ảnh: Ngọc Thu

Năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh đã phân khai kinh phí để đặt, cấp phát báo cho Người có uy tín. Ngay từ đầu năm, Ban Dân tộc đã triển khai việc ký hợp đồng với Bưu điện TP. Hạ Long để cấp phát Báo Quảng Ninh, Báo Dân tộc và Phát triển cho Người có uy tín. Qua kiểm tra cho thấy, đến nay hầu hết Người có uy tín đều đã được cấp 1 số Báo Quảng Ninh và 1 số Báo Dân tộc và Phát triển để làm tài liệu tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trở thành kênh tuyên truyền thiết thực, công cụ hữu hiệu và là sổ tay cho Người có uy tín phát huy vai trò, vị trí của mình.

Ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang
Ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang

Ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang: Quan tâm cung cấp thông tin và chế độ chính sách cho Người có uy tín

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang đã tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc, của Bộ Tài chính cho các đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố; đồng thời sao gửi Quyết định 28/2023/QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn liên quan cho UBND các huyện, xã vùng đồng bào DTTS. Phối hợp với Sở Tài chính bổ sung kinh phí phần đối ứng của địa phương để thực hiện chính sách cho Người có uy tín.

Với Người có uy tín trong đồng bào DTTS, Báo Dân tộc và Phát triển là kênh thông tin hữu ích, đáng tin cậy
Với Người có uy tín trong đồng bào DTTS, Báo Dân tộc và Phát triển là kênh thông tin hữu ích, đáng tin cậy

Triển khai chính sách cho Người có uy tín, từ đầu năm 2024 đến nay, Ban Dân tộc Kiên Giang đã tổ chức 4 hội nghị cung cấp thông tin, tổ chức 3 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 150 lượt Người có uy tín…Tổ chức đoàn thăm hỏi, tặng quà; cấp phát báo, tạp chí theo chế độ, chính sách cho 285 lượt Người có uy tín.

Về nội dung Người có uy tín được cấp (không thu tiền): Một ấn phẩm báo của Cơ quan ngôn luận thuộc cơ quan quản lý Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực dân tộc và công tác dân tộc (1 tờ/người/kỳ/tháng), bảo đảm điều kiện về tôn chỉ, mục đích hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, có năng lực và kinh nghiệm xuất bản, phát hành báo cho Người có uy tín; Một ấn phẩm báo của địa phương (1 tờ/người/kỳ) hoặc hình thức cung cấp thông tin khác do địa phương lựa chọn; Ban Dân tộc đã triển khai thực hiện để đặt, cấp phát báo cho Người có uy tín, theo đó, đến nay Người có uy tín đều đã được cấp 1 số Báo Kiên Giang và 1 số Báo Dân tộc và Phát triển.

Ông Đinh Quốc Tuấn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum
Ông Đinh Quốc Tuấn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum

Ông Đinh Quốc Tuấn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum: Xem xét hỗ trợ phụ cấp hằng tháng cho Người có uy tín

Triển khai thực hiện Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/03/2018 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Kon Tum đã có nhiều văn bản hướng dẫn các huyện triển khai thực hiện. Kon Tum cũng đã hoàn thành việc lựa chọn Người có uy tín theo quy định. Theo đó, năm 2024, toàn tỉnh có 620 Người có uy tín được bình xét, công nhận.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tỉnh Kon Tum thấy còn một số khó khăn, vướng mắc và đề nghị Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ xem xét, bổ sung thêm nội dung hỗ trợ chế độ phụ cấp hằng tháng hoặc một phần kinh phí hoạt động, đi lại để Người có uy tín có điều kiện thực hiện nhiệm vụ, phát huy vai trò của mình tại cơ sở. Điều chỉnh định mức thăm hỏi hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần (đối với nội dung thăm hỏi nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của đồng bào DTTS) cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Xây dựng bộ tài liệu với những chuyên đề chung phục vụ cho công tác tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho Người có uy tín để tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc, nhằm phục vụ tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động của Người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Bà Hồ Thị Minh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị
Bà Hồ Thị Minh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị

Bà Hồ Thị Minh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị: Tỉnh chưa kịp dự trù kinh phí thực hiện Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg

Hiện nay tỉnh Quảng Trị có 191 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó, có 149 Người có uy tín dân tộc Bru Vân Kiều, 42 Người có uy tín dân tộc Tà Ôi.

Thực hiện Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg, bên cạnh những thuận lợi địa phương cũng còn gặp những khó khăn nhất định như: Quyết định 28/2023/QĐ-TTg ban hành ngày 23/11/2023 và có hiệu lực từ 15/01/2024 nên địa phương chưa kịp lập kế hoạch dự trù kinh phí năm 2024. Do đó, khi quyết định có hiệu lực, địa phương chưa có kinh phí thực hiện.

Để tháo gỡ khó khăn về kinh phí thực hiện Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg, địa phương đã làm thủ tục để được cấp bổ sung kinh phí. Trong khi chờ phê duyệt kinh phí bổ sung, tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả nội dung số 1 (Tiểu Dự án 1, Dự án 10) về “Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò Người có uy tín” thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, đảm bảo chính sách cho Người có uy tín.

Ông Lê Đức Minh, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai
Ông Lê Đức Minh, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai

Ông Lê Đức Minh, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai: Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg kịp thời bổ sung Người có uy tín ở những nơi khuyết, thiếu

Theo Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp huyện được quyết định đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung Người có uy tín. Việc phân cấp này phù hợp với tình hình thực tế, rút gọn các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc xét duyệt, công nhận, đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung Người có uy tín một cách kịp thời. Từ đó, việc thực hiện cung cấp thông tin, tuyên tuyền phổ biến, giáo dục pháp luật, thực hiện các chế độ chính sách đối với Người có uy tín được thực hiện đồng bộ, không còn thời gian gián đoạn, bảo đảm các thôn bản có đông đồng bào DTTS sinh sống luôn có Người có uy tín để làm “cầu nối” tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của chính quyền địa phương… 

(BÁO IN) Thực hiện chính sách cho Người có uy tín: Thuận lợi nhiều vướng mắc cũng không ít 7

Cả nước hiện có hơn 28 nghìn Người có uy tín tại 52 tỉnh vùng đồng bào DTTS. Thời gian qua, Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội và cộng đồng; thực sự là “chỗ dựa” quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận; tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị; đi đầu trong các phong trào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu dân cư.