Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Séc

PV - 20:55, 09/08/2021

Trong không khí nồng ấm tình hữu nghị, hợp tác và chân thành, hai Thủ tướng trao đổi nhiều biện pháp thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Séc phát triển lên tầm cao mới, hiệu quả hơn trong thời gian tới; thống nhất sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tiếp xúc ở các cấp bằng hình thức linh hoạt tùy vào điều kiện thực tế.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis

Chiều 9/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã điện đàm với Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis (An-đờ-rây Ba-bít) nhằm trao đổi về quan hệ song phương, dành nhiều thời gian để thảo luận các biện pháp hợp tác trong phòng, chống COVID-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chân thành cảm ơn Thủ tướng Andrej Babis và Chính phủ Séc đã quyết định tặng Việt Nam 250.000 liều vaccine phòng COVID-19, khẳng định đây là sự hỗ trợ kịp thời, quý báu, thể hiện mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước trong suốt hơn 70 năm qua. Thủ tướng đề nghị Chính phủ Séc ưu tiên nhượng lại cho Việt Nam số vaccine chưa sử dụng của Séc, giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn cung vaccine khác nhiều nhất, sớm nhất có thể; cũng như hỗ trợ các trang thiết bị, vật tư y tế.

Thủ tướng Séc bày tỏ cảm ơn những hỗ trợ quý báu mà Chính phủ Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Séc đã dành cho người dân Séc trong giai đoạn đầu của dịch bệnh. Thủ tướng Séc cho biết tuy tình hình dịch bệnh tại Séc vẫn đang diễn biến rất phức tạp, nhưng Chính phủ Séc vẫn tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam, trong đó sẵn sàng nhượng lại cho Việt Nam 500.000 liều vaccine và một số kit xét nghiệm nhanh; cũng như vận động các nước châu Âu khác hỗ trợ Việt Nam các loại vaccine đang được sử dụng nhiều trong khu vực như AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm…

Trong không khí nồng ấm tình hữu nghị, hợp tác và chân thành, hai Thủ tướng trao đổi nhiều biện pháp thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Séc phát triển lên tầm cao mới, hiệu quả hơn trong thời gian tới; thống nhất sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tiếp xúc ở các cấp bằng hình thức linh hoạt tùy vào điều kiện thực tế. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã mời Thủ tướng Séc sang thăm Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Với tình cảm đặc biệt dành cho Việt Nam, Thủ tướng Andrej Babis khẳng định mong muốn sớm được thăm Việt Nam ngay trong năm nay.

Về hợp tác thương mại và đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Séc đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), là quốc gia đầu tiên trong EU phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA; đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ để phát huy tối đa hiệu quả các Hiệp định này.

Hai Thủ tướng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong một số lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp ô tô, vận tải, giáo dục – đào tạo, quốc phòng - an ninh, đưa điều dưỡng viên Việt Nam sang làm việc tại Séc…; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa, nông sản của Việt Nam, nhất là trái cây theo mùa vụ vào thị trường Séc và EU; đặc biệt là sớm triển khai đường bay thẳng giữa Việt Nam và Séc ngay khi điều kiện cho phép.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn Lãnh đạo và các cấp chính quyền Séc đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam hòa nhập và sinh sống ổn định tại Séc. Thủ tướng Andrej Babis đánh giá cao vai trò tích cực của cộng đồng Việt Nam tại Séc, bày tỏ tin tưởng cộng đồng người Việt sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Andrej Babis bày tỏ hài lòng về sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác giữa hai nước trên các diễn đàn đa phương. Hai bên cũng đã trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh việc bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982./.