Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Sierra Leone

PV - 09:06, 15/03/2022

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Sierra Leone Julius Maada Bio và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14 đến 20/3. Chuyến thăm nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Sierra Leone.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio tại cuộc gặp bên lề Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio tại cuộc gặp bên lề Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chuyến thăm của Tổng thống Julius Maada Bio diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và Sierra Leone không ngừng phát triển kể từ năm 1982, khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Sierra Leone ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2015-2019, Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) 2016-2018, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021…

Trong hợp tác kinh tế, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 49,26 triệu USD năm 2020, tăng hơn 200% so mức 17 triệu USD của năm 2018. Việt Nam xuất khẩu sang Sierra Leone các mặt hàng như thuốc lá, máy vi tính, dệt may và nguyên phụ liệu trị giá 47 triệu USD, nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ trị giá 2,1 triệu USD từ Sierra Leone.

Trong giai đoạn 2004-2013, Việt Nam đã cử một số đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các viện nghiên cứu sang khảo sát khả năng hợp tác, xây dựng dự án nông nghiệp tại Sierra Leone.

Việt Nam và Sierra Leone đã ký các hiệp định, thỏa thuận hợp tác như: Biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác nông nghiệp, sản xuất muối (năm 2001); Hiệp định kinh tế-thương mại, văn hóa và công nghệ (năm 2003); MoU giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Rừng và An ninh lương thực Sierra Leone về hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp (năm 2010); MoU giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nghề cá và Nguồn lợi thủy sản Sierra Leone về hợp tác song phương trong lĩnh vực thủy sản; Biên bản làm việc giữa hai Bộ Ngoại giao (năm 2010); MoU giữa hai Bộ Công thương về thương mại gạo (năm 2011).

Sau chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2018, chính quyền Tổng thống Julius Maada Bio triển khai nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, trong đó ưu tiên cho giáo dục, y tế và nâng cao mức sống người dân. Sierra Leone thực hiện chính sách đa dạng hóa quan hệ, coi trọng thúc đẩy hợp tác với các nước đang phát triển trong khuôn khổ hợp tác Nam-Nam, trong đó có Việt Nam.

Sierra Leone là thành viên của Liên hợp quốc, Khối Thịnh vượng chung, Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và nhiều tổ chức quốc tế khác.

Chính quyền Tổng thống Julius Maada Bio đang triển khai Kế hoạch phát triển trung hạn 5 năm (2019-2023) với bốn mục tiêu chính gồm: Xây dựng nền kinh tế xanh, đa dạng và bền vững; nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục, y tế của người dân; bảo đảm xã hội công bằng, hòa hợp, ổn định; đầu tư kết cấu hạ tầng để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tin tưởng rằng, với sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước trong thời gian qua, chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Tổng thống Julius Maada Bio và Phu nhân sẽ góp phần đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới trong thời gian tới, đóng góp thiết thực vào sự ổn định, hòa bình, phát triển ở trong khu vực và trên thế giới./.