Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS - Chủ trương nhất quán của Đảng về công tác dân tộc

Hiếu Anh - 11:14, 21/01/2021

Những năm qua, thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng về công tác dân tộc, một hệ thống chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được ban hành và triển khai thực hiện. Nhờ vậy, vùng đồng bào DTTS và miền núi của nước ta đã có sự chuyển mình, phát triển mạnh mẽ.

Diện mạo mới của xã Trà Linh, trước đây từng là rốn nghèo của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Diện mạo mới của xã Trà Linh, trước đây từng là rốn nghèo của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Về những làng tỷ phú vùng cao

Thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang (Hà Giang) được mệnh danh là làng tỷ phú của người Mông. Bởi nơi đây hiện có tới 30 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, với doanh thu trên 1 tỷ đồng/ năm. Kết quả này trước hết xuất phát từ chủ trương trúng và đúng của Đảng ủy xã Vĩnh Phúc.

Theo ông Hoàng Hải Chư, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phúc, từ tháng 6/2018, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết 87/ĐU - NQ về việc tiếp tục lãnh đạo thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ xã Vĩnh Phúc lần thứ XXII nhiệm kỳ 2015 – 2020. Từ nghị quyết này, chính quyền xã Vĩnh Phúc đã xây dựng mô hình “Làng Mông kiểu mẫu” trên địa bàn thôn Vĩnh Sơn. Qua triển khai mô hình đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. 

Ông Vàng Seo Pao, nguyên Trưởng thôn Vĩnh Sơn, phấn khởi cho biết, vào khoảng những năm 1977, hơn 100 hộ người Mông từ Hoàng Su Phì, Xín Mần đến xã Vĩnh Phúc sinh cơ lập nghiệp. Ngày ấy, thôn chưa có đường, có điện nên cuộc sống hết sức khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của Đảng, chính quyền, Vĩnh Sơn đã được đầu tư đường, điện, nước sạch…Nhờ vậy, hiện nay, trong thôn đã phát triển hơn 160 ha cam, 15,5 ha nhãn, thu nhập bình quân trên 37,2 triệu /người/năm. Trong thôn hiện có 69 hộ khá, 30 hộ thu nhập trên 1 tỷ.

Cũng như thôn Vĩnh Sơn, những năm qua, nhiều địa phương vùng DTTS và miền núi đã trở lên giàu có. Tiêu biểu như xã Trà Linh, trước đây là rốn nghèo của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, từ tháng 6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai dự án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Từ đây, huyện Nam Trà My đã mạnh dạn giao hơn 12.000 ha rừng tự nhiên, hơn 6.000 ha rừng phòng hộ và gần 15.000 ha rừng đặc dụng cho cộng đồng quản lý bảo vệ.

Khi bảo vệ rừng ngoài được chi trả dịch vụ môi trường rừng, bà con còn được quyền khai thác các loại lâm sản phụ như: Mây, đót, hạt ươi, nấm rừng, mật ong... Đặc biệt hơn, các nhóm hộ được tổ chức trồng sâm Ngọc Linh và các loài cây dược liệu dưới tán rừng để tăng thu nhập, làm giàu cho gia đình.

Nhờ vậy, người dân nơi đây không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Theo thống kê của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nam Trà My, đến nay, người Xê Đăng ở xã Trà Linh gửi tiết kiệm hơn 200 tỷ đồng. Đây chỉ là số tiền bề nổi, bởi có những gia đình còn đang ươm mầm hàng trăm tỷ đồng dưới lòng đất.


Đời sống văn hóa của đồng bào Mông thôn Vĩnh Sơn được quan tâm bảo tồn, phát huy
Đời sống văn hóa của đồng bào Mông thôn Vĩnh Sơn được quan tâm bảo tồn, phát huy

Tác động từ chính sách

Ông Bùi Văn Lịch, Vụ trưởng Vụ chính sách, Ủy ban Dân tộc cho biết, từ trước đến nay, Đảng luôn coi trọng công tác dân tộc. Từ chủ trương nhất quán về công tác dân tộc, Đảng ta đã đề ra những nội dung cơ bản của chính sách dân tộc như: chính sách về phát triển kinh tế vùng DTTS, đặc biệt là những địa bàn trọng yếu Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Duyên hải miền Trung, Tây Nam Bộ nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của từng vùng đồng bào DTTS gắn với kế hoạch phát triển chung của cả nước; chính sách xã hội tập trung vào các vấn đề giáo dục – đào tạo, văn hóa, y tế…chính sách liên quan đến quốc phòng, an ninh, nhằm củng cố địa bàn chiến lược, giải quyết tốt vấn đề đoàn kết dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa.

Thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, Chính phủ đã thiết lập hệ thống chính sách dân tộc một cách toàn diện, bao phủ trên tất cả các lĩnh vực ở vùng DTTS và miền núi. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban Dân tộc cũng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách đặc thù cho đồng bào DTTS và miền núi như chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất (QĐ 2085/QĐ-TTg); chính sách phát triển DTTS rất ít người (QĐ 2086/QĐ-TTg); Chính sách Người có uy tín trong đồng bào DTTS (quyết định 402/QĐ-TTg)… Đặc biệt, 18/11/2019, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030... 

Có thể nói, trong suốt những năm qua, Đảng luôn đặt công tác dân tộc vào vị trí chiến lược để từ đó có những chủ trương chính sách phù hợp, kịp thời. Trên thực tế, vùng đồng bào DTTS đã có nhiều sự chuyển biến tích cực từng bước vươn lên thoát nghèo và dần bắt kịp tốc độ phát triển của cả nước. Với những thành tích đã đạt được, đồng bào các DTTS kỳ vọng vào Đại hội lần thứ XIII tới đây của Đảng sẽ tiếp tục phát huy truyền thống gặt hái nhiều thành công hơn nữa.

Theo báo cáo tại Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ II năm 2020 của Ủy ban Dân tộc, từ 2010 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS&MN giảm 2-3%/năm. Cả nước hiện có 1.052 xã vùng DTTS và miền núi (chiếm 22,3%) đạt chuẩn Nông thôn mới. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS chiếm khoảng 14,5%, trong đó giữ chức vụ lãnh đạo quản lý các cấp chiếm 17,2%. Hiện nay, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng người DTTS khóa XII là 17 đồng chí, chiếm 8,5%.