Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Thuận thiên” để phát triển vùng đất Chín Rồng

PV - 15:57, 11/02/2019

Năm 2018 khép lại, cũng là tròn 1 năm để chính quyền các cấp và người nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhìn lại kết quả thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Những tín hiệu vui từ việc thực hiện nghị quyết là nền tảng để ĐBSCL vượt qua những thách thức đang đón đợi phía trước.

Chủ động “xoay chuyển”

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của người nông dân ĐBSCL. Không ít thói quen, tập quán trong sinh hoạt của người nông dân buộc phải thay đổi; trong sản xuất, cách làm cũ không ứng phó được với BĐKH cũng buộc phải “xoay chuyển”.

Mô hình tôm-lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững cho nhiều hộ dân miền Tây. Mô hình tôm-lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững cho nhiều hộ dân miền Tây.

Câu chuyện nuôi tôm là một ví dụ. Để “thuận” theo diễn biến khó lường của thời tiết, người nông dân ở ĐBSCL bắt đầu làm quen với những cách nuôi tôm mới. Như trường hợp nông dân Long Văn Nghĩa, ngụ phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu). Anh Nghĩa không vất vả “mua” sự may mắn từ thời tiết mà tự nghiên cứu mô hình nuôi tôm trong hồ nổi dạng tròn.

Anh Nghĩa chia sẻ, khu nuôi tôm gồm 4 hồ nuôi được thiết kế đặc biệt, với dạng tròn, dựng từ khung thép phủ bạt HDPE có đáy dạng hình phễu, vách đứng. Diện tích 500m2/hồ và 2 hồ gièo, với diện tích 100m2/hồ cùng hệ thống ao cấp, xử lý nước và các trang thiết bị máy móc cần thiết trên diện tích 2ha.

Ở vụ nuôi đầu tiên trong năm 2017, với mật độ thả nuôi 300 con/m2, chỉ sau hơn 2 tháng, tôm đạt trọng lượng trung bình 40 con/kg. Tiến hành thu tôm ở 2 hồ nuôi đầu tiên, anh Nghĩa thu về lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng. Qua 3 vụ nuôi, trung bình mỗi vụ nuôi cho năng suất 100-150 tấn/ha; nhờ nguồn tôm sạch bệnh, nên luôn có giá cao hơn thị trường từ 10.000-15.000 đồng/kg.

Anh Nghĩa cho hay, ưu điểm của mô hình này là không phụ thuộc vào thời tiết, nguồn nước, hay BĐKH, phù hợp với điều kiện và khả năng đồng vốn của nông hộ, nông dân dễ tiếp cận. Đặc biệt, tỷ lệ sống của tôm rất cao, từ 90-100%, do sử dụng quạt đảo nước liên tục, lắp đặt hệ thống tuần hoàn nên tiết kiệm được lượng nước sử dụng, hạn chế sử dụng khoáng chất. Tại mỗi ao nuôi lắp hệ thống quan trắc tự động các yếu tố môi trường, xiphon tự động, từ đó kiểm soát chất lượng nước tốt hơn.

Cũng như anh Nghĩa, nhiều nông dân ở ĐBSCL đã chủ động “xoay chuyển” cách thức sản xuất truyền thống để ứng phó với BĐKH. Như ở Cà Mau, nông dân đang áp dụng phương thức sản xuất: Mùa khô, đất bị nhiễm mặn, không thể trồng lúa thì ruộng được đưa nước mặn vào để nuôi tôm; mùa mưa nước ngọt thì chuyển sang trồng lúa.

Chấp nhận “thuận thiên”

Theo ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, việc chủ động các giải pháp ứng phó BĐKH rất cần đến những tư duy đột phá mới của người trong cuộc. Đó chính là những người nông dân, những nhà khoa học. Về phía Nhà nước thì các cấp chính quyền địa phương cũng phải chủ động các giải pháp để giúp người nông dân thích ứng với BĐKH.

Nông dân ở ĐBSCL đã tự tìm những giải pháp sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH “thuận thiên” (Trong ảnh: Mô hình lúa-sen kết hợp với phát triển du lịch nông nghiệp đang được nông dân miền Tây thực hiện hiệu quả). Nông dân ở ĐBSCL đã tự tìm những giải pháp sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH “thuận thiên” (Trong ảnh: Mô hình lúa-sen kết hợp với phát triển du lịch nông nghiệp đang được nông dân miền Tây thực hiện hiệu quả).

Trên thực tế, rất nhiều địa phương, nông dân trong khu vực cũng đã chủ động được những mô hình phát triển kinh tế thích ứng BĐKH. Ở Bến Tre, để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân, tỉnh đã triển khai nạo vét kênh mương, đắp cống đập, trữ nước ngọt; thi công và hoàn thiện dần hệ thống thủy lợi, công trình ngăn mặn… Tỉnh Long An thì chủ trương không gieo sạ sớm ở những vùng không chủ động được nguồn nước (khi chưa có mưa) nhằm tránh bị thiệt hại do hạn mặn; khuyến khích nông dân sử dụng biện pháp tưới tiên tiến cho lúa và cây trồng cạn...

Ngày 17/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Nghị quyết đã chỉ rõ: Cách thức đồng bào lựa chọn bây giờ, không phải là từ bỏ nơi sinh ra, nơi từng nuôi sống để di dân đến một vùng đất mới, mà tiếp tục sống chung với điều kiện thiên nhiên mới, thích ứng với môi trường mới; đồng thời, chuyển hoá thách thức thành cơ hội, lợi dụng và phát huy lợi thế mới của thiên nhiên tạo dựng nếp sống, cách sống và canh tác phù hợp để phát triển.

Điều này có nghĩa là, sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL phải chấp nhận “theo ý trời”; nhưng lại không đồng nghĩa với việc buông tay, mặc cho “trời sinh voi trời sinh cỏ” mà tất yếu phải xoay chuyển để thích ứng với BĐKH.

Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, nếu trước đây ĐBSCL tập trung nhiều cho trụ cột lúa gạo, thì giờ xoay trở lại theo hướng “thuận thiên” là trục thủy sản. Kế đó là lĩnh vực cây ăn trái; thứ 3 mới tới lúa gạo. Thực tế qua thời gian thực hiện “xoay chuyển” 3 trục kinh tế chính này đã mang lại những kết quả vừa phù hợp với BĐKH,vừa tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu.

Còn PGS-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ đánh giá, trên thực tế, người nông dân ở ĐBSCL đã tự tìm những giải pháp thích ứng khá hợp với tinh thần “thuận thiên”. Ban đầu chỉ là những phát kiến đơn lẻ của một số nông dân tiên tiến, sau được sự hỗ trợ của các nhà khoa học và các tổ chức, các mô hình này dần được hoàn thiện và mở rộng khá ổn định.

Rõ ràng, sau một năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, những giải pháp ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL đã bước đầu đem lại những kết quả tích cực. Tuy kết quả đạt được đang còn xa so với mục tiêu, quan điểm và giải pháp thực hiện mà Nghị quyết đề ra, nhưng mang ý nghĩa rất lớn để phát triển bền vững ĐBSCL; qua đó, đề ra các quyết sách, triển khai nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến năm 2100.

PHƯƠNG HẠ