Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thừa Thiên Huế: Tìm hướng mở cho sợi lá A’anh chác

PV - 07:00, 03/02/2023

Vốn chỉ được dùng để đan chiếu sính lễ trong đám cưới truyền thống, sợi cây A’anh chác đang được khảo sát thử nghiệm, hướng tới việc làm một số sản phẩm hàng thủ công phục vụ du lịch…

Phơi lá cây A’anh chác để đan chiếu
Phơi lá cây A’anh chác để đan chiếu

Với đồng bào vùng cao A Lưới, sợi lá A’anh chác (theo cách gọi của người Tà Ôi) – người Pa Cô gọi là Ân chah, người Cơ Tu gọi là Clơng… quá đỗi quen thuộc. Lá A’anh chác người miền xuôi gọi là cây dứa dại mọc trong rừng sâu.

Theo phong tục truyền thống các đồng bào dân tộc, lá dứa dại phơi khô, nhuộm màu dùng để đan chiếu làm sính lễ khi con gái trong nhà đi lấy chồng. Ngoài ra, bà con còn đan gối nằm vì chất liệu thoáng mát, thân thiện với môi trường.

Theo bà A Viết Thị Nhi (xã A Roàng), hầu hết phụ nữ Tà Ôi đều được dạy cách đan chiếu sính lễ Âmber từ nhỏ. Hiện nay, chỉ còn vài người chuyên đan chiếu, bởi công việc này cần nhiều thời gian. Các cặp đôi gần đến ngày cưới thường tìm đến người giỏi nghề đặt hàng. Bà Nhi kể: “Thường khi nào rảnh rỗi mình mới đi rừng lấy lá A’anh chác. Sau đó về tước nhỏ, phơi khô, nhuộm màu. Một chiếc chiếu khổ 1,2m x 1,2m đan liên tục trong một tuần mới xong. Giá mỗi chiếc chiếu như vậy trên dưới 1 triệu đồng tùy chất lượng. Năm ngoái, mình làm khoảng 20 - 30 chiếc cho khách đặt theo yêu cầu”.

Để hái nhiều lá A’anh chác, bà con thường đi theo nhóm chị em hoặc gia đình
Để hái nhiều lá A’anh chác, bà con thường đi theo nhóm chị em hoặc gia đình

Trong khi đó, bà Hồ Thị Đơm, ngoài 70 tuổi ở xã Hương Nguyên, người gắn bó với nghề đan chiếu thi thoảng cũng nhận được một vài đơn hàng. “Ít người theo nghề này vì đầu ra không có, làm lại mất thời gian”, bà Đơm bày tỏ trước sự mai một của nghề đan chiếu làm sính lễ cưới.

Anh Viên Đăng Phú, quản lý Homestay Hương Danh ở A Roàng cho hay, rất nhiều du khách đến trải nghiệm và thích thú với nghề đan chiếu Âmber. Cũng có người đặt loại chiếu này về dùng. Một vị khách đến từ Úc đã thử đan vòng và nhẫn, đồng thời gợi ý một số sản phẩm lưu niệm từ loại lá này, song đồng bào chỉ biết làm chiếu và gối.

Anh Patterson, du khách đến từ Mỹ rất thích thú với loại sản phẩm này. Từng làm việc trong lĩnh vực du lịch, anh tỏ ra tiếc rẻ khi không có các sản phẩm thủ công nhỏ gọn làm từ sợi dứa dại. “Phải có món gì đó tiện lợi mang theo để khách lựa chọn. Các bạn thử làm một số mẫu mã hàng lưu niệm, du khách rất thích mua về làm quà”!

Tín hiệu vui đến khi có người mang một số mẫu mũ, ví, túi xách… đan từ sợi cây dứa dại từ Malaysia ngỏ ý đặt hàng cho Homestay Hương Danh. Anh Viên Đăng Phú đã dự trữ nguyên liệu sẵn sàng cho việc khảo sát, lên mẫu trong thời gian tới.

Anh Huỳnh Tấn Nghiệp, quản lý H2H (from heart to hand) tại Đà Nẵng là người chuyên kinh doanh mũ cói và các sản phẩm hàng thủ công từ lá buông, cỏ bàng… Chính một người bạn và anh Nghiệp lên ý tưởng và mong muốn phát triển mặt hàng thủ công thân thiện với môi trường phục vụ khách du lịch. Không chỉ làm tấm lót, mũ, túi xách, lá dứa dại còn có thể làm cả đế dép (tương tự như dép chiếu).

“Sợi lá dứa dại có sẵn, nguyên liệu bền, đẹp. Từ mẫu ban đầu, chúng tôi nhờ các nghệ nhân đan và tính công. Sau khi có khung sẽ lên form sản phẩm, thêm vải, da hoàn thiện và mang đi chào hàng. Chúng tôi đang tính toán sao để giá thành từ sản phẩm này phải hợp lý, có thể cạnh tranh khi ra thị trường”.

Đan những nút đầu tiên của tấm chiếu sính lễ
Đan những nút đầu tiên của tấm chiếu sính lễ

Từ cách đan sợi 1:1 sẽ chuyển qua đan theo 2:1 nhằm tiết giảm công, chi phí. Với thời tiết miền Trung, sản phẩm thủ công từ lá dứa dại cần phải xử lý chống ẩm mốc. “Giai đoạn đầu sẽ làm một nhóm thí điểm, khi có đơn hàng sẽ làm đồng loạt. Mình có xưởng gia công bán sỉ cho các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, quà hội nghị… nên sẽ thuận tiện cho việc tìm đầu ra”, anh Nghiệp nói.

Khi thời tiết nắng ráo, “dự án” sẽ khởi động. Không chỉ người trong cuộc hồi hộp mà một số người dân ở A Roàng cũng mong ngóng bắt tay vào công việc. Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện cho rằng, nếu có những sản phẩm hàng thủ công từ sợi cây A’anh chác, bà con có thêm việc làm ngày nông nhàn. Ngoài góp phần bảo tồn nghề đan chiếu truyền thống, sẽ có thêm nhiều sản phẩm đa dạng hóa phục vụ thị trường du lịch.