Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Lào: Những dấu ấn "đầu tiên"

PV - 17:55, 09/01/2023

Chuyến thăm là sự kiện quan trọng trong quan hệ hai nước, khép lại Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam 2022 hết sức thành công.

Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính

Đây là chuyến thăm Lào đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trên cương vị mới và Thủ tướng Chính phủ cũng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Lào kể từ khi Thủ tướng Lào Sonexay Siphandon được bầu. 

Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandon, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Lào, đồng chủ trì Kỳ họp thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào và bế mạc Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam 2022, từ ngày 11–12/01/2023.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào tiếp tục phát triển bền vững, ngày càng đi vào chiều sâu. Hai bên duy trì tiếp xúc, trao đổi cấp cao thường xuyên trên tất cả các kênh, đặc biệt là trong năm 2022 vừa qua.

Năm 2022, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh thăm chính thức Việt Nam, khai mạc Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam 2022 và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào (tháng 01/2022); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Lào (tháng 5/2022); Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thăm Lào và Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước Lào Bounthong Chitmany  thăm Việt Nam (tháng 6/2022); Phó Chủ tịch nước Lào Pany Yathotou  thăm Việt Nam (tháng 4/2022); Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Saleumxay Kommasith đồng chủ trì Hội nghị Tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật cho các trưởng bản tiêu biểu hai bên biên giới Việt Nam – Lào (tháng 12/2022); Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Lào (tháng 4/2022)…

Nổi bật, hai bên đã phối hợp tổ chức thành công Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022 với điểm nhấn là Lễ kỷ niệm trọng thể chào mừng 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (05/9/1962) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977), cùng nhiều hoạt động có ý nghĩa khác tại Thủ đô và các tỉnh thành của mỗi nước.

Hai bên tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương quan trọng, trong đó có việc tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào (tháng 01/2022). Hợp tác quốc phòng, an ninh tiếp tục là trụ cột trong quan hệ hai nước, góp phần duy trì ổn định chính trị, an ninh, trật tự xã hội của mỗi nước và khu vực biên giới giữa hai nước.

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư tiếp tục được quan tâm thúc đẩy. Kim ngạch thương mại hai chiều ước tính cả năm 2022 đạt 1,63 tỷ, tăng 20% so với năm 2021. Việt Nam hiện có 238 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Lào, tổng vốn đăng ký khoảng 5,34 tỷ USD, tiếp tục là nước có đầu tư lớn thứ 3 tại Lào.

Hai bên đạt tiến triển tích cực trong triển khai một số dự án quan trọng như Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Xaysomboun, Học viện Tài chính Kế toán Dongkhamxang giai đoạn III, Trường dạy nghề tỉnh Khammouan, Công viên hữu nghị Việt Lào tại Vientiane, Trưởng chính trị Công an Nhân dân tại Vientiane và một số công trình, dự án khác.

Hợp tác giáo dục đào tạo, văn hóa du lịch tiếp tục được tăng cường, nhất là sau khi hai nước kiểm soát tốt dịch bệnh, mở cửa trở lại. Tổng số lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam khoảng 14.000 người tại 160 cơ sở giáo dục. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Lào đón gần 197.000 du khách Việt Nam và có gần 26.000 khách du lịch Lào thăm Việt Nam.

Hợp tác giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới tiếp tục được tăng cường, đặc biệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu vực biên giới. Việt Nam tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân của Lào sang cấp cứu, điều trị tại Việt Nam, được phía Lào đánh giá cao.

Hai bên phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên Hợp Quốc, ASEAN và các cơ chế tiểu vùng.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ góp phần đẩy mạnh quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn; thúc đẩy quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai Chính phủ Việt Nam – Lào trong nhiệm kỳ mới; tăng cường tình cảm tốt đẹp, sự tin cậy, gắn bó, hiểu biết giữa lãnh đạo cấp cao và nhân dân hai nước hai nước. 

Chuyến thăm góp phần khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng và ưu tiên quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào; khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam với Lào trong công cuộc đổi mới và hội nhập của Lào.

Trong chuyến thăm, hai bên dự kiến sẽ rà soát, đánh giá thành tựu nổi bật trong quan hệ Việt Nam trong năm 2022; một số phương hướng chủ đạo trong năm 2023, phối hợp tổ chức tốt các sự kiện lớn trong quan hệ hai nước và của mỗi nước; trao đổi các biện pháp tăng cưởng hợp tác chính trị đối ngoại; đẩy mạnh hợp tác an ninh quốc phòng, phối hợp triển khai hiệu quả các văn kiện pháp lý về biên giới, kiều dân...; thúc đẩy hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư, giáo dục văn hóa, hỗ trợ nhau phục hồi kinh tế sau đại dịch, đẩy mạnh gắn kết hai nền kinh tế, góp phần giúp mỗi bên xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, triển khai hiệu quả các dự án trọng điểm, phối hợp giữa Việt Nam và Lào, cũng như tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ ASEAN và hợp tác tiểu vùng Mekong.

Cũng trong chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ gặp gỡ cộng đồng người Việt, khẳng định sự quan tâm, thấu hiểu, sẻ chia của Đảng, Nhà nước với đồng bào ở sở tại, góp phần củng cố, phát huy khối đại đoàn kết và sức mạnh toàn dân tộc.

Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ đạt nhiều kết quả quan trọng trên các mặt hợp tác Việt Nam – Lào với những điểm nhấn như quan hệ hợp tác trong an ninh - quốc phòng, chính trị – ngoại giao, kinh tế; góp phần thực hiện đường lối và các nhiệm vụ đối ngoại đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; thúc đẩy đối ngoại cả trên kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân; thiết thực triển khai Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới./.